Thứ ba, 07/05/2024 05:42 (GMT+7)
Chủ nhật, 10/12/2023 07:39 (GMT+7)

PGS.TS Lưu Đức Hải: Xử lý tro bay nhiệt điệt, cần tránh thất thoát tài sản Nhà nước

Theo dõi KTMT trên

Vấn đề xử lý chất thải công nghiệp từ các nhà máy nhiệt điện, trong đó có tro bay đang nhức nhối tại nhiều địa phương.

Theo số liệu tổng hợp từ các tập đoàn: Điện lực Việt Nam (EVN), Dầu khí Việt Nam (PVN), Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các nhà máy nhiệt điện khác, hiện cả nước có 29 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động.

Trong năm 2021 tổng lượng tro, xỉ phát thải từ các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng hơn 16 triệu tấn. Lượng phát thải tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (chiếm 64%), giảm dần ở miền Trung (chiếm 25%) và miền Nam (chiếm 11%) tổng lượng thải.

Như vậy, có thể thấy, vấn đề xử lý chất thải công nghiệp từ các nhà máy nhiệt điện, trong đó có tro bay đang nhức nhối tại nhiều địa phương.

PGS.TS Lưu Đức Hải: Xử lý tro bay nhiệt điệt, cần tránh thất thoát tài sản Nhà nước - Ảnh 1
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề này, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, tro bay là những loại hạt rất nhỏ bị cuốn theo khí từ ống khói của các nhà máy nhiệt điện khi đốt nhiên liệu. Tro bay được quản lý theo quy định về chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Loại tro này khi kết hợp cùng những nguyên liệu khác sẽ phù hợp để tạo ra bê tông cường độ cao. Khi sử dụng trong sản xuất vật liệu kiến trúc, tro bay thể hiện tính cách âm, chống nhiệt, chống rạn nứt tốt. Có nhiều ưu điểm trong chế tạo vật liệu xây dựng là thế, tuy nhiên nếu không được xử lý, tái sử dụng, các bãi thải tro bay sẽ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường khi phát tán bụi kích thước nhỏ. 

Ngoài ra, chỉ cần có mạch nước ngầm nhỏ cũng có thể đem tro thấm vào lòng đất, gây ô nhiễm nguồn nước bởi thành phần tro bay có nhiều ô-xít kim loại nặng và các hóa chất độc hại khác.

Hiện tại, nhiều nhà máy nhiệt điện than thuộc những tập đoàn lớn đã có thể tiêu thụ và xử lý phần lớn lượng tro bay phát sinh trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn một số nhà máy đang loay hoay với việc giải quyết chất thải này.

"Trong tro bay còn khoảng 10% là than, loại tro bay này có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là vật liệu xây dựng (làm gạch). Giá bán tro bay ngoài thị trường khoảng 200 nghìn đồng/tấn. Rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền ra để có thể mua tro bay, vậy tại sao vẫn còn có những nhà máy nhiệt điện loay hoay với loại chất thải này?", ông Hải đặt vấn đề.

Theo Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, có những nhà máy nhiệt điện còn xây dựng bãi để chôn lấp tro bay, điều này vô cùng lãng phí và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không có sự giám sát quản lý chặt chẽ.

"Qua tìm hiểu và đi thực tế ở một số nhà máy nhiệt điện quy mô vừa và nhỏ, chúng tôi phát hiện ra rằng có nhà máy còn chi một khoản tiền không nhỏ cho doanh nghiệp để xử lý tro bay của nhà máy.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao không bán trực tiếp tro bay cho doanh nghiệp theo giá thị trường để họ tự xử lý và tiêu thụ, thay vì trả tiền cho một đơn vị để xử lý? Đó chẳng phải là "cháy nhà hai đầu" hay sao?. Liệu rằng có sự tồn tại của "lợi ích nhóm" hay không?. Vấn đề này cần phải được cơ quan quản lý làm rõ, tránh thất thoát tài sản nhà nước", PGS.TS Lưu Đức Hải nhấn mạnh.

Thiện Tâm

Bạn đang đọc bài viết PGS.TS Lưu Đức Hải: Xử lý tro bay nhiệt điệt, cần tránh thất thoát tài sản Nhà nước. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Kiến nghị "lệnh cấm" tiền mặt khi mua bán vàng
Để siết quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng bạc, Tổng cục Thuế đã có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng.