Thứ sáu, 22/11/2024 10:42 (GMT+7)
Thứ ba, 22/08/2023 06:00 (GMT+7)

Ô nhiễm đại dương - Rác thải nhựa đang dần "xâm chiếm" các rạn san hô

Theo dõi KTMT trên

Không có nơi nào trên hành tinh không có rác thải nhựa và các rạn san hô cũng không ngoại lệ. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, càng nằm ở sâu dưới đại dương thì các rạn san hô càng có nhiều rác thải nhựa.

Một nghiên cứu mới đã khảo sát 84 hệ sinh thái san hô tại 25 địa điểm trên khắp các lưu vực Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương và tìm thấy các mảnh vụn nhựa từ các hoạt động của con người ở 77 hệ sinh thái, cả ở những vùng biển nông và sâu. “Những nơi này không nguyên sơ như chúng ta nghĩ”, Hudson Pinheiro, nhà sinh vật biển tại Đại học São Paulo (Brazil), tác giả chính của nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature, cho biết.

Ô nhiễm đại dương - Rác thải nhựa đang dần "xâm chiếm" các rạn san hô - Ảnh 1
Rác thải nhựa đang dần "xâm chiếm" các rạn san hô.

Phần lớn các mảnh nhựa được tìm thấy ở những rạn san hô xa bờ là dụng cụ đánh cá bị vứt bỏ, như lưới và dây câu. Ở một số địa điểm, lưới đánh cá mắc kẹt trong các rạn san hô gây ra hiện tượng "đánh cá ma", khi lưới bỏ đi tiếp tục bẫy và giết cá.

Đối với các hệ sinh thái biển khác, chất thải nhựa nhân tạo thường tập trung gần bề mặt và chủ yếu bao gồm các sản phẩm nhựa tiêu dùng. Nhưng đối với các hệ sinh thái san hô thì ngược lại, những rạn san hô ở sâu hơn bị ô nhiễm nhựa nặng nề hơn các rạn san hô ở vùng nước nông. Nguyên nhân là các rạn san hô ở vùng nước nông tiếp xúc với sóng mạnh hơn, đẩy nhựa ra ngoài hoặc đẩy nhựa xuống sâu. Các dự án dọn dẹp nhựa chủ yếu diễn ra ở các rạn san hô thuộc vùng nước nông.

Các rạn san hô ở sâu hơn dưới đại dương là nơi sinh sống của nhiều loài cá, đây là lý do lưới và ngư cụ là các loại rác thải nhựa phổ biến nhất trong các hệ sinh thái này. Các vùng nước nông ngày càng ít cá, do dó ngư dân chuyển hướng đánh bắt sang các vùng biển sâu và lượng rác thải phản ánh điều này.

Chất thải nhựa có thể làm hại hệ sinh thái san hô theo nhiều cách. Dây và lưới vướng vào và làm gãy san hô. Các mảnh vụn nhựa chứa vi khuẩn và các vi sinh vật khác gây bệnh cho san hô.

Nhưng loại bỏ ô nhiễm nhựa ở các rạn san hô dưới biển sâu, theo các tác giả nghiên cứu, không đơn giản vì đánh bắt cá bằng lưới và ngư cụ là sinh kế của nhiều người.

Luiz Rocha, đồng Giám đốc của dự án Hope for Reefs tại Học viện Khoa học California, cho biết: "Thật ngạc nhiên khi thấy khối lượng các mảnh rác thải nhựa tăng lên theo độ sâu, vì các rạn san hô sâu hơn thường nằm xa nguồn ô nhiễm nhựa hơn".

"Rất khó khăn để tiếp cận được những rạn san hô ở độ sâu này, nhưng mỗi lần lặn chúng tôi đều gặp các loại rác thải do con người vứt ra", ông nói thêm.

Vấn đề nóng của Việt Nam 

Theo TS.Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường), ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay đã trở thành vấn đề vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển.

Tại Việt Nam, với hơn 3.260 km đường bờ biển (chưa kể bờ các đảo) trải dài theo hướng Bắc - Nam, trung bình cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển. Dọc bờ biển còn có 114 cửa sông, trung bình 20 km có một cửa sông và hơn 50 vịnh, đầm phá. Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, song cũng luôn tiềm ẩn ô nhiễm rác thải.

Theo báo cáo hiện trạng môi trường biển và hải đảo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TN&MT công bố năm 2021 đã chỉ ra chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh, từ 3,8 kg/năm/người năm 1990, tăng lên 54 kg/năm/người vào năm 2018, trong đó 37,43% sản phẩm là bao bì và 29,26% là đồ gia dụng. Việc xả rác thải nhựa bừa bãi cùng với một lượng lớn rác thải từ đại dương dạt vào các đảo, bãi tắm, đặc biệt trong mùa du lịch đang là vấn đề đáng báo động ở vùng ven biển và các hải đảo.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Ô nhiễm đại dương - Rác thải nhựa đang dần "xâm chiếm" các rạn san hô. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới