Núi Chúa, mẫu chuẩn duy nhất của hệ sinh thái rừng khô hạn Việt Nam và Đông Nam Á
Khí hậu khắc nghiệt, địa hình đa dạng do thiên nhiên ban tặng, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa tạo nên một mẫu chuẩn duy nhất của hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) vừa được UNESCO công nhận, thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa với vùng lõi là Vườn quốc gia Núi Chúa, tổng diện tích 106.646,45 ha. Đây là nơi hội tụ cả 3 không gian rừng, biển, bán sa mạc.
Tại đây, hiện có hơn 1.500 loài thực vật, trong đó có 10 loài đặc hữu, 54 loài quý hiếm, 26 loài được đưa vào Danh lục đỏ thế giới. Hệ động vật cũng rất phong phú với 756 loài động vật rừng, trên 350 loài san hô, hàng trăm loài động vật biển. Vùng biển Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi trên đất liền có rùa biển lên đẻ trứng hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Một trong những điểm đặc biệt nổi bật là khu vực này có khí hậu khô nóng không kém nhiều nơi ở châu Phi (nhiệt độ cao nhất xấp xỉ 42 độ C). Vì vậy, nơi đây còn được biết đến với cái tên “Rừng khô Phan Rang”. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình đa dạng đã tạo nên một mẫu chuẩn duy nhất của hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Hệ sinh thái rừng ở khu vực có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites - thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.
Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được đánh giá cao bởi những giá trị đa dạng sinh học độc đáo, với sự đa dạng về loài đặc hữu và các hệ sinh thái khô hạn trên cạn, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái nhân tạo đặc trưng của khu vực.
Bên cạnh đó, với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc với sự góp mặt của nhiều loại hình văn hóa của nhóm các dân tộc chủ yếu gồm Raglai, Chăm, Hoa, Kinh, các di sản văn hóa vật thể nổi bật với các kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo như đình, chùa tồn tại hàng thế kỉ, đặc biệt hệ thống các Tháp Chăm gần như còn nguyên vẹn, các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú với nhiều lễ hội lớn.
Khu dự trữ sinh quyển là hình mẫu kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa địa phương. Về phát triển, đây là khu vực đang thực hiện chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng. Cùng với các hoạt động du lịch sinh thái, giao đất giao rừng và chi trả dịch vụ hệ sinh thái rừng sẽ là những hoạt động kinh tế xanh trong phát triển bền vững của đất nước.
Hiện nay, Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đang đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái như du lịch biển, du lịch rừng, du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch giáo dục môi trường và tham quan, nghỉ dưỡng.
Với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát triển tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học để sau 6 năm, nước ta tiếp tục được công nhận khu dự trữ sinh quyển; Cơ sở vững chắc để tiếp tục xây dựng, phát triển khu dự trữ sinh quyển mới tiếp theo.
Đồng thời, những khu vực được công nhận bởi UNESCO này có tiềm năng to lớn trong việc cung cấp các giải pháp giải quyết một trong những thách thức quan trọng mà thế giới đang phải đối mặt.
Đó là cân bằng giữa phát triển kinh tế và xã hội và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu đang hiện hữu như nghèo đói, dịch bệnh, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường và các tác động của biến đổi khí hậu.
Thùy Linh (T/h)