Việt Nam sắp có thêm 2 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận
Nếu 2 khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) được xem xét thông qua, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có số lượng khu dự trữ được công nhận nhiều nhất thế giới trong đợt này.
Trong Phiên họp thứ 33 của Hội đồng Điều phối Quốc tế về Chương trình Con người và Sinh quyển (CIC-MAB) diễn ra tại Nigeria từ ngày 13 - 17/9, Việt Nam có hai khu dự trữ sinh quyển là Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) và Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) được đưa ra để xem xét thông qua. Dự kiến chiều ngày 15/9, CIC-MAB sẽ xem xét thông qua các đề cử.
Trao đổi về vấn đề này, bà Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, hiện Việt Nam đã có 9 khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Do đó, nếu 2 khu sinh quyển nói trên được xem xét thông qua, với tổng số 11 khu dự trữ sinh quyển, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có số lượng khu dự trữ được công nhận nhiều nhất trên thế giới đợt này. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ 2015, Việt Nam có các khu dự trữ được đưa ra đề cử.
Vườn quốc gia Núi Chúa
Đây là nơi hội tụ cả 3 không gian rừng, biển, bán sa mạc. Tại đây hiện có hơn 1.500 loài thực vật, trong đó có 10 loài đặc hữu, 54 loài quý hiếm, 26 loài được đưa vào Danh lục đỏ thế giới. Hệ động vật cũng rất phong phú với 756 loài động vật rừng, trên 350 loài san hô, hàng trăm loài động vật biển. Vùng biển Núi Chúa còn là nơi hiếm hoi trên đất liền có rùa biển lên đẻ trứng hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Vườn quốc gia Núi Chúa nằm ở vùng đất khô hạn nhất của Việt Nam. Chính đặc điểm này đã tạo nên hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng, độc đáo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, với hơn 1.500 loài thực vật, 765 loại động vật rừng, trên 350 loài san hô và hàng trăm loại động vật biển. Đây cũng là nơi hiếm hoi trên đất liền có rùa biển lên sinh sản hàng năm đang được bảo vệ nghiêm ngặt.
Bên cạnh đó, nơi đây hội tụ cả ba không gian rừng, biển, bán sa mạc. Các khu vực xung quanh Vườn quốc gia có những đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc bản địa. Sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa gắn liền với tài nguyên rừng, biển là những điều kiện cần và đủ để Vườn quốc gia Núi Chúa hội tụ đủ các tiêu chuẩn của khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Cao nguyên Kon Hà Nừng
Cao nguyên Kon Hà Nừng rộng hơn 65.000 ha bao gồm Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cùng diện tích rừng trải qua một số huyện như Đak Đoa, Kbang, Mang Yang, thị xã An Khê…
Không chỉ sở hữu những cánh rừng rộng lớn với các đặc điểm chuyên biệt rừng Tây Nguyên, Cao nguyên Kon Hà Nừng cơ bản giữ được vẹn nguyên hệ sinh thái của rừng kín nhiệt đới, có tính đa dạng sinh học cao và đặc biệt là nằm ở một phần diện tích của không ít địa phương nơi có cư dân bản địa sinh sống.
Đặc biệt, các loài động, thực vật ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh rất đa dạng, phong phú với khoảng 1.754 loài thực vật bậc cao; 91 loài thực vật bậc thấp; 87 loài thú; 326 loài chim; 77 loài bò sát cùng nhiều loài thú quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng. Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng là vùng rừng nhiệt đới xanh núi thấp được ưu tiên cao trong bảo tồn đa dạng sinh học. Chính những điểm độc đáo, nổi bật này sẽ đáp ứng được các tiêu chí đề xuất của UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Lan Anh (T/h)