Ninh Bình: Độc đáo Cồn Nổi, khu dự trữ sinh quyển thế giới
Cồn Nổi thuộc bãi ngang ở ven biển Kim Sơn, Ninh Bình. Cồn Nổi vinh dự được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, là một trong 8 khu bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng nhất vùng châu Á - Thái Bình Dương.
Là tỉnh nằm ở cực nam Đồng bằng Sông Hồng với tổng diện tích tự nhiên là 1.387 km2, dân số 982.487 người, tỉnh Ninh Bình có 6 huyện, 2 thành phố với 143 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 119 xã, 17 phường và 7 thị trấn). Trong đó duy nhất Kim Sơn là huyện có biển với đường bờ biển dài 18,34 km.
Đến với miền đất bồi Kim Sơn, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng quần thể thánh đường độc nhất vô nhị, nhà thờ đá Phát Diệm, mà còn được thưởng ngoạn thắng cảnh hữu tình do thiên nhiên ban tặng.
Kim Sơn có bờ biển, tạo nên một vùng ven sinh thái rộng lớn, trù phú với diện tích trên 105 nghìn ha. Đây là nơi sinh sống của khoảng 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn trên các bãi bồi cửa sông, 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi vào sách Đỏ thế giới, cùng những cánh rừng ngập mặn trải ngút ngàn, những đầm lầy mặn, bãi bồi, cửa sông…
Hệ sinh thái, đa dạng sinh học này đưa vùng ven biển Kim Sơn trở thành bộ phận quan trọng, là vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển châu thổ Sông Hồng, được UNESCO công nhận. Kim Sơn thuận lợi và phù hợp cho loại hình du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái.
Cồn Nổi - Kim Sơn đang ngày càng được quan tâm phát triển để phục vụ hoạt động du lịch sinh thái, tiến tới thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng cầu vượt biển ra Cồn Nổi dài 6 km không những mang lại giá trị về du lịch mà còn góp phần phát triển hoạt động kinh tế của người dân địa phương.
Theo Báo Tài nguyên Môi trường, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn Đinh Việt Dũng cho biết, năm 2020, huyện đã bố trí kinh phí đo đạc toàn bộ khu vực bãi bồi ven biển từ đê Bình Mình II đến đê Bình Minh III, đê Bình Minh III đến Cồn Nổi với 11 tờ bản đồ địa chính. Hiện, huyện đang phối với các Sở, ngành của tỉnh để sớm có quy hoạch chi tiết cho vùng đất nhiều tiềm năng này.
Trong tương lai, sau khi hoàn thành hồ sơ địa chính và dựa trên cơ sở quy hoạch chi tiết, sẽ đề xuất tỉnh xin ý kiến Chính phủ phân chia địa giới, giao cho 3 xã Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông quản lý, đồng thời mở rộng địa giới hành chính và sớm có quy chế quản lý vùng bãi bồi.
Về định hướng phát triển, huyện đã xây dựng 3 – 4 phương án giải quyết trên cơ sở bản đồ hiện trạng để tiếp tục lập quy hoạch vùng trong đó bao gồm các ngành như: công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Kết hợp với đó là giữ nguyên hiện trạng rừng ngập mặn để phát triển du lịch sinh thái, cùng với Cồn Nổi phát triển du lịch. Khi quy hoạch, sẽ ưu tiên tạo ra các hành lang phát triển bằng hạ tầng giao thông, tạo nên các khu đô thị, khu dân cư mới làm cơ sở để kêu gọi các nhà đầu tư.
Nguyễn Luận (T/h)