Nông nghiệp đóng vai trò “bà đỡ” cho đa số người dân trong tỉnh Sóc Trăng
Đó là nhận định của TS Trần Khắc Tâm, Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng tại tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Phát biểu tại tại kỳ họp thứ 4 Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa X, nhiệm kỳ 2021 – 2026, Đại biểu Trần Khắc Tâm cho biết, trong vai trò của một đại biểu HĐND tỉnh, ông chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhiều gia đình cô bác cử tri chịu tác động của đại dịch Covid-19 trong suốt thời gian dài vừa qua, đặc biệt là nửa cuối năm 2021.
Khi tiếp xúc cử tri, ông luôn ghi nhận và chia sẻ với tâm lý hoang mang, lo lắng của cô bác cử tri khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp; tình hình sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn, giá nguyên liệu đầu vào ngành nông nghiệp như vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản đều tăng cao…, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nhiều người mất việc làm. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ, ngừng hoạt động. Đặc biệt, là nỗi lo lắng của những gia đình có người thân mắc Covid-19, bởi tôi cũng có những người thân mắc Covid-19 nên tôi thấu hiểu điều này.
“Tôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, hoàn thiện tiêm vắc xin mũi 1 và mũi 2 cho 100% dân số thuộc đối tượng tiêm chủng; đẩy mạnh tiêm vắc xin cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế”, ĐB Trần Khắc Tâm nêu quan điểm.
Là những người hoạt động trong hiệp hội doanh nghiệp, ĐB Trần Khắc Tâm cho biết, ông lo lắng trước thực trạng như báo cáo đã chỉ ra là tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2021 sụt giảm so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quy mô vốn của doanh nghiệp giảm, nhưng số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng lại tăng. Chúng tôi rất mong muốn tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 để đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong năm 2022, bởi chỉ có duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển doanh nghiệp thật tốt thì chúng ta mới thực hiện được các chỉ tiêu thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động.
Chính vì vậy, ĐB Trần Khắc Tâm đồng tình với mục tiêu tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt từ 6,5% trở lên trong năm 2022. Đây là mục tiêu đầy khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng chúng ta cần đặt ra như vậy để quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.
ĐB Trần Khắc Tâm chia sẻ: “Nhìn lại năm 2021, chúng ta thấy rằng trong bối cảnh khó khăn như vậy nhưng tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP đạt 4,03% là rất đáng khích lệ. Đặc biệt, ngành nông nghiệp có những điểm sáng, tiếp tục đóng vai trò “bà đỡ” cho đa số người dân trong tỉnh”.
Cũng trong bài phát biểu, vị đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng đề cập đến vấn đề cụ thể được xem xét tại kỳ họp, đó là dự án Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản giai đoạn 2021-2025. Thực tế cho thấy, diện tích sản xuất lúa đặc sản của tỉnh tăng qua từng năm và vượt chỉ tiêu so với mục tiêu đề ra, điều này cho thấy các nghị quyết đã đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và được người dân đồng tình hưởng ứng. Phải nói rằng sau khi ông Hồ Quang Cua đưa gạo ST25 đi thi quốc tế và đoạt giải cao, thì thương hiệu này đã trở nên nổi tiếng, trở thành niềm cảm hứng cho các hộ nông dân Sóc Trăng trong sản xuất lúa gạo.
Đề án đã nâng cao được nhận thức của người nông dân nhất là theo hình thức sản xuất tập thể để liên kết sản xuất như Hợp tác xã, Tổ hợp tác, đồng thời đã chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật như sản xuất lúa theo hướng an toàn, hướng hữu cơ, VietGAP đến bà con nông dân giúp nâng cao giá trị sản phẩm, giảm giá thành sản xuất để tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm dần hình thành thương hiệu sản phẩm lúa, gạo đặc sản của tỉnh nhà mà các địa phương khác trong nước và quốc tế biết đến, đặc biệt là sản phẩm gạo ST24, ST25. Hiện nay giá bán gạo ST24, ST25 rất cao và thị trường tiêu thụ rộng khắp cả nước và quốc tế.
Do đó ĐB Trần Khắc Tâm tin tưởng rằng, nếu Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt, triển khai sẽ giúp cho người dân trong tỉnh tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, nâng cao thương hiệu lúa đặc sản của tỉnh để người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến Sóc Trăng có những sản phẩm lúa gạo đặc sản có chất lượng cao và thơm ngon, hình thành được vùng nguyên liệu lớn sản xuất lúa đặc sản để thu hút các doanh nghiệp đến để đầu tư và liên kết kết tiêu thụ giúp nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo.
Dự án thứ 2 mà ông Tâm cùng người dân rất quan tâm là Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025. Qua nghiên cứu Tờ trình xin ý kiến đối với Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Vị này chia sẻ, dự án đã qua thời gian thực hiên từ năm 2013 đến năm 2020 đã đạt được những thành công số lượng đàn bò thịt và bò sữa đạt trên 53.000 con, nâng cao được chất lượng giống, thịt-sữa thông qua công tác gieo tinh nhân tạo; tạo được công ăn việc làm cho 15.000 lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer; nâng cao thu nhập góp phần vào giảm nghèo bền vững; đưa khoa học công nghệ vào chăn nuôi, một số mô hình được triển khai hiệu quả như mô hình bò sữa tiên tiến, mô hình bò thịt VietGAP, đưa cơ giới hóa vào chăn nuôi (máy vắt sữa, máy trộn thức ăn, máy cắt cỏ, máy băm thái cỏ, quát phun sương làm mát,..); chuyển đổi hiệu quả đất sản xuất kém hiệu quả trồng cây thức ăn; đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; tạo được sân chơi lành mạnh giúp các hộ chăn nuôi giao lưu, chia sẽ kinh nghiệm thông qua hội thi Chăn nuôi bò thịt giỏi tỉnh Sóc Trăng.
Đây là Dự án có tính tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp và góp một phần vào phát triển kinh tế của địa phương, tạo được việc làm cho người dân nông thôn, nâng thu nhập trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Ngoài ra, dự án tiếp tục thực hiện cải tạo, nâng cao chất lượng giống; chuyển đổi phương thức nuôi và tăng qui mô đàn; triển khai và nhân rộng mô hình chăn nuôi bò tiên tiến ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tăng chất lượng, năng suất thức ăn thô xanh và tận dụng hiệu quả phụ phẩm nông, công nghiệp làm thức ăn; cơ giới hóa vào chăn nuôi; tăng cường năng lực cho hộ nuôi và kỹ thuật viên gieo tinh nhân tạo; phát triển chính sách tập trung trên nền tổ kinh tế hợp tác từng bước hình thành chuỗi giá trị bò; thực hiện quản lý nhà nước về chăn nuôi bò tại địa phương; tuyên truyền chính sách nhà nước đến người nuôi để được tiếp cận vốn hỗ trợ, vốn vay để đầu tư phát triển đàn.
“Bản thân tôi rất ủng hộ thực hiện Dự án Phát triển chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, ĐB Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.
V.Chương