Nồng độ khí thải CO2 trong tháng Năm tăng trở lại ở mức kỷ lục
Nồng độ CO2 đo được tại Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ, trong tháng trước là 417/1 triệu đơn vị không khí (ppm), cao hơn mức kỷ lục 414,8 ppm vào năm ngoái.
Khói bốc lên từ một nhà máy ở Queensland, Australia. (Ảnh: AFP/ TTXVN) |
Theo số liệu do Chính phủ Mỹ công bố ngày 4/6, nồng độ khí thải CO2 trên khí quyển Trái Đất đã trở lại mức kỷ lục trong tháng Năm, bất chấp việc đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 khiến các nền kinh tế bị ngưng trệ.
Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) và Viện Hải dương học Scripps của Đại học California San Diego, nồng độ CO2 đo được tại Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii, Mỹ, trong tháng trước là 417/1 triệu đơn vị không khí (ppm), cao hơn mức kỷ lục 414,8 ppm vào năm ngoái.
Ước tính lượng khí thải trên toàn thế giới đã giảm tới 26% một số nước trong giai đoạn cao điểm áp lệnh phong tỏa do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, sự sụt giảm này lại không thể bù được cho lượng carbon mà cây trồng và đất thải ra khi phản ứng với nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố khác. Nghiên cứu chỉ ra rằng sẽ mất tới 6-12 tháng, để nồng độ CO2 tại Mauna Loa có thể giảm từ 20%-30%.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change tháng trước dự báo khí thải trên toàn cầu có thể giảm tới 7% trong năm nay. Tuy nhiên, Pieter Tans, nhà khoa học tại phòng giám sát khí thải gây hiệu ứng nhà kính của NOAA, cho rằng dù lượng khí thải có thể giảm nhẹ, song mật độ CO2 sẽ vẫn tiếp tục tăng.
Tháng Năm là giai đoạn đỉnh điểm trong một năm về khí thải carbon trên toàn cầu, với lượng khí thải trong khí quyển ở mức cao nhất trong hàng triệu năm.
Đặng Ánh