Nơm nớp nỗi lo mùa mưa bão, sạt lở đến
Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã tác động tiêu cực tới gần như toàn bộ đường bờ biển của tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Hàng ngàn dộ dân sống ven đê, trong rừng phòng hộ ven biển nơi đây đối mặt với nhiều rủi ro khi mùa mưa bão đến gần.
Nan giải tình trạng sạt lở
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, mùa mưa năm nay bắt đầu chưa lâu, nhưng trên địa bàn đã xảy ra hàng loạt vụ sạt lở đất ven sông, làm hư hại 3,2 km đường giao thông. Các vụ sạt lở làm thiệt hại 44 căn nhà của người dân. Mới đây, tại xã Tân Tiến (huyện Đầm Dơi) tiếp tục xảy ra vụ sạt lở bờ sông, làm thiệt hại 4 căn nhà và 20 m lộ nhựa.
Tình hình sạt lở bờ sông của tỉnh nan giải là vậy, nhưng sạt lở bờ biển Cà Mau còn gây ra những hệ luỵ nặng nề hơn. Tại khu dân cư Bỏ Hủ ở cửa biển Bồ Đề (xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn) đang có hơn 70 hộ dân sinh sống; trong đó có những hộ vài lần phải di dời nhà cửa để chạy sạt lở.
Đê biển Tây đi qua địa bàn huyện U Minh bị sạt lở do mưa bão. (Ảnh: Sở NN&PTNT Cà Mau) |
Đặc biệt, tại xã Tam Giang Đông có 16 cây số đường bờ biển thì toàn tuyến bị sạt lở nghiêm trọng. Sạt lở không chỉ làm mất rừng phòng hộ ven biển mà nhiều điểm đã vào tới đất nuôi tôm của người dân, gây thiệt hại sản xuất. Nhất là ở cửa biển Bồ Đề và Hố Gùi, tình hình rất nguy cấp, có 170 hộ dân sống ven theo 2 cửa biển này cần phải di dời để đảm bảo tính mạng, tài sản.
Vấn đề sạt lở bờ biển Cà Mau không chỉ nan giải ở bờ biển Đông, mà phía biển Tây cũng rất cấp bách. Vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 2, nhiều đoạn trên tuyến đê biển Tây của Cà Mau lại đặt trong tình trạng báo động nên tình hình càng cấp thiết hơn.
Riêng đoạn đê biển Tây từ Đá Bạc - Kênh Mới (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), dài khoảng 4,5 cây số có khoảng 4 đoạn đê bên ngoài không còn rừng phòng hộ, sóng biển trực tiếp uy hiếp chân đê. Mới mấy ngày trước, thuỷ triều dâng cao, sóng lớn đánh sạt lở thân đê lại một lần làm người dân địa phương đứng ngồi không yên.
Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, ngoài đoạn Đá Bạc - Kênh Mới (chiều dài 850 m) bị sạt lở nghiêm trọng cần hộ đê, trên tuyến đê biển Tây còn nhiều điểm khác cũng trong tình cảnh tương tự, như đoạn bờ Bắc, bờ Nam cống Kênh Mới (chiều dài 765 m); đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa (chiều dài khoảng 957 m)...
“Cà Mau có hơn 250 km đường bờ biển thì khoảng 80% đang bị sạt lở. Trong đó có khoảng 76 km đường bờ biển bị sạt lở từ mức nghiêm trọng trở lên cần được bảo vệ”, Sở NN&PTNT Cà Mau thống kê.
Cần khẩn trương di dời
Dự báo thời gian tới, tình hình sạt lở bờ sông sẽ còn diễn biến phức tạp hơn đặt ra bài toán khó giải về việc thực hiện các giải pháp bảo vệ. Hiện hàng ngàn hộ dân sống ven sông, ven biển vẫn đang phải lo lắng, thấp thỏm và chờ đợi giải pháp từ cơ quan chức năng.
Trong khi đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết, toàn tỉnh có 1.399 hộ dân vi phạm hành lang đê biển (trong đó, 671 hộ sống trong hành lang phía biển và 728 hộ nằm phía đồng). Chỉ có một số hộ được chính quyền cấp sổ hộ khẩu, tạm trú và được hỗ trợ thông qua chính sách nhận khoán đất rừng phòng hộ để phát triển kinh tế bằng hình thức nuôi tôm quảng canh; số đông còn lại thì tự cất chòi, làm nhà tạm để ở, chủ yếu sống dựa vào nguồn lợi từ rừng, biển như bắt tôm, cá, đào bới đất, kể cả việc… phá rừng.
Nhiều hộ dân ở ven rừng phòng hộ phường Nhà Mát, TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu cũng gặp khó khăn không kém khi chỉ qua mấy trận mưa đầu mùa mà đã có hàng chục căn nhà bị sập.
Phải thường xuyên đối mặt với tình trạng giông lốc, nước biển dâng, nên người dân sống trong rừng phòng hộ ngày đêm thấp thỏm lo âu, mong muốn lớn nhất của họ là sớm được di dời đến các khu tái định cư, có việc làm với thu nhập ổn định...
Hiện cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu đang tập trung các nguồn lực khắc phục tình trạng sạt lở. Tại các vị trí xung yếu nêu trên, lực lượng hộ đê đang thực hiện làm các rọ đá để bảo vệ thân đê, bằng mọi giải pháp không để vỡ đê.
Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, trước mắt, những vị trí nguy hiểm nhưng chưa đáp ứng được thì vận động những hộ dân có đất di dời trước. Các khu tái định cư đang đầu tư sẽ đẩy nhanh tiến độ di dời người dân vào vùng an toàn. Về lâu dài rất cần đầu tư thêm các khu tái định cư để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Tuyết Chinh