Nỗ lực mới của G7 nhằm kiềm chế tình trạng nhiệt độ Trái Đất gia tăng
Các bộ trưởng tái khẳng định cam kết huy động 100 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 nhằm tăng cường nguồn tài chính dành cho biến đổi khí hậu.
Các bộ trưởng môi trường từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 21/5 nhất trí thực hiện các bước đi cụ thể vào cuối năm nay để ngừng hoạt động tài trợ của chính phủ cho các nhà máy nhiệt điện đốt than như một phần trong nỗ lực kiềm chế sự nóng lên toàn cầu.
Trong thông cáo sau Hội nghị trực tuyến do Vương quốc Anh chủ trì diễn ra trong hai ngày, các bộ trưởng môi trường G7 nêu rõ: "Chúng tôi cam kết thực hiện các bước cụ thể hướng tới chấm dứt tuyệt đối sự hỗ trợ trực tiếp mới của chính phủ đối với hoạt động sản xuất nhiệt điện quốc tế sử dụng than vào cuối năm 2021, bao gồm thông qua vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tài chính xuất khẩu, đầu tư, hỗ trợ tài chính và xúc tiến thương mại."
Tuy nhiên, thông cáo không đề cập đến khả năng loại bỏ việc sản xuất điện sử dụng nhiên liệu than hay không, khiến các nhà phân tích cho rằng lời kêu gọi của G7 sẽ có ít tác động đến các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Việc loại bỏ sự hỗ trợ của chính phủ đối với việc tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch, vốn thải ra một lượng lớn khí gây hiệu ứng nhà kính làm Trái Đất ấm lên, được coi là yếu tố cần thiết để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C, so với mức tiền công nghiệp.
Ngoài ra, Hội nghị cấp bộ trưởng G7 khẳng định quyết tâm đặt vấn đề khí hậu, đa dạng sinh học và môi trường vào trọng tâm của các chiến lược và dự án đầu tư phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi nền kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, tạo việc làm “xanh,” thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, chuyển đổi sang chuỗi cung ứng bền vững và đưa vấn đề khí hậu và đa dạng sinh học vào quá trình ra quyết định kinh tế.
Tại hội nghị, các bộ trưởng tái khẳng định cam kết huy động 100 tỉ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 nhằm tăng cường nguồn tài chính dành cho biến đổi khí hậu.
Hội nghị cũng đưa ra cam kết chấm dứt tình trạng mất rừng tự nhiên và khôi phục 350 triệu hecta rừng vào năm 2030 và nỗ lực hướng tới việc chấm dứt tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp và cải thiện đa dạng sinh học biển ở các vùng biển quốc tế.
Hội nghị bộ trưởng môi trường các nước G7 gồm Anh, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Pháp, Italy và Đức, có sự tham gia của Ấn Độ, Australia, Nam Phi và Hàn Quốc với tư cách khách mời.
Q.Chung