Thứ sáu, 29/03/2024 05:17 (GMT+7)
Thứ năm, 24/11/2022 14:50 (GMT+7)

Ninh Thuận: Xây dựng Khu Kinh tế ven biển phía Nam quy mô 43.900 ha

Theo dõi KTMT trên

Việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển và huy động tối đa nguồn lực, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Kế hoạch số 4823/KH-UBND triển khai thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích 43.900 ha.

Theo đó, việc thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh để khai thác tiềm năng lợi thế về kinh tế biển và huy động tối đa nguồn lực, tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tranh thủ các chính sách ưu đãi, vượt trội của nhà nước để tập trung thu hút đầu tư những dự án động lực, có quy mô lớn như: cảng và dịch vụ cảng, logistics, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn, các khu đô thị hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời tăng cường liên kết vùng giữa Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh với các khu kinh tế ven biển miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước, để khai thác các thế mạnh, thúc đẩy sự phát triển của vùng. Góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu hiện đại, đồng bộ, qua đó nâng cao mức sống người dân; bảo vệ bền vững môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Ninh Thuận: Xây dựng Khu Kinh tế ven biển phía Nam quy mô 43.900 ha - Ảnh 1
Ninh Thuận thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam tỉnh với tổng diện tích 43.900 ha.

Theo Kế hoạch, ranh giới dự kiến thành lập Khu kinh tế với tổng diện tích là 439 km2 (43.900 ha) bao gồm 9 xã, trong đó có 7 xã thuộc huyện Thuận Nam: Nhị Hà, Phước Minh, Phước Ninh, Cà Ná, Phước Nam, Phước Dinh, Phước Diêm và hai xã thuộc huyện Ninh Phước: An Hải, Phước Hải.

Về tiến độ thực hiện, Khu Kinh tế ven biển tiến hành theo các giai đoạn sau: Xây dựng Phương án phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh và tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian hoàn thành theo tiến độ quy hoạch tỉnh; Xây dựng Đề án điều chỉnh Cảng tổng hợp Cà Ná thành Cảng tổng hợp loại I, trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành trong năm 2025;

Xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua nội dung Đề án. Hoàn thành trong năm 2025; Trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh. Hoàn thành trong năm 2025; Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh. Hoàn thành trong năm 2025.

Để triển khai hiệu quả, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và tích hợp Phương án phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thời gian hoàn thành theo tiến độ Quy hoạch tỉnh.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh, đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu trên địa bàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh.

Sở Công Thương chủ trì lập Đồ án Quy hoạch phân khu tổng kho xăng dầu và Quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm logistics; xây dựng Đề án bổ sung trung tâm trung chuyển, tái tạo khí LNG Cà Ná với quy mô 4,8 triệu tấn/năm vào Quy hoạch quốc gia hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phân khu tỷ lệ (1/2000) Cảng cạn; tham mưu điều chỉnh Quy hoạch phân khu Cảng tổng hợp Cà Ná. Đồng thời, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch phân khu Khu công nghiệp Cà Ná.

Trước đó, tháng 8/2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành vùng kinh tế động lực, tăng trưởng xanh, trở thành khu kinh tế ven biển của cả nước, có sức lan tỏa lớn để phát triển các vùng kinh tế khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững. Tỉnh cũng tập trung ưu tiên phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo; cảng và dịch vụ cảng; nông nghiệp công nghệ cao; phát triển các ngành công nghiệp thân thiện, không gây ô nhiễm môi trường.

Một trong những định hướng đáng chú ý là tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung phát triển các đô thị tại khu vực phía Nam của tỉnh. Theo đó, Ninh Thuận sẽ hình thành nhiều khu đô thị theo hướng hiện đại, với tam giác phát triển đô thị là Phước Nam - Cà Ná - Sơn Hải. Từ đó, tập trung thu hút, tạo nguồn lực để đầu tư các khu đô thị mới như: Khu đô thị mới Đầm Cá Ná, Khu đô thị mới phía Đông - Tây Quốc lộ 1A, Khu đô thị mới Phước Diêm, các khu dân cư Sơn Hải, Phước Nam… Tỉnh cũng quan tâm phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách, lực lượng lao động và người dân trong vùng.

Khu vực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận gồm 7 xã của huyện Thuận Nam và 2 xã của huyện Ninh Phước. Đây là khu vực cửa ngõ của tỉnh, tiếp giáp với khu vực Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của cả nước; có các trục giao thông quan trọng đi qua, có cảng nước sâu Cà Ná có thể đón tàu 100.000 tấn đang triển khai xây dựng.

Đặc biệt, khu vực này cũng có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch - dịch vụ, phát triển năng lượng sạch (điện gió, điện mặt trời)…

Lam Anh

Bạn đang đọc bài viết Ninh Thuận: Xây dựng Khu Kinh tế ven biển phía Nam quy mô 43.900 ha. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.