Ninh Thuận: Vinh danh 2 bảo vật quốc gia
Hai bảo vật quốc gia, Tượng thờ vua Pô Klong Garai và Bia Phước Thiện, sẽ được công nhận là di sản văn hóa tại Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI.
Ngày 9/9, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận đã chính thức công bố Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI tại Ninh Thuận năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Chăm, đóng góp vào quá trình bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa của dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Ngày hội năm nay mang chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước" với mục tiêu không chỉ tôn vinh di sản văn hóa, mà còn nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Sự kiện do Bộ VH-TT&DL và UBND tỉnh Ninh Thuận chủ trì, cùng với sự phối hợp của các tỉnh, thành phố khác như Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và TP.HCM. Ngày hội dự kiến triển khai từ ngày 27 đến 29/9/2024 tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Các cơ quan, ban ngành Trung ương sẽ tham gia phối hợp tổ chức, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa, thể thao và nghệ thuật tại sự kiện.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, bà Trịnh Thị Thủy cho biết thêm tại lễ khai mạc Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm lần thứ VI, theo đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ diễn ra lễ công bố và trao chứng nhận di sản văn hóa cho hai bảo vật quốc gia.
Hai bảo vật được công nhận bao gồm: Tượng thờ vua Pô Klong Garai có niên đại từ cuối thế kỷ XIII đến đầu thế kỷ XIV, đây là công trình điêu khắc đá bằng chất liệu sa thạch gồm có bệ Yoni, trụ Linga có hình mặt thần; Bảo vật thứ hai là Bia Phước Thiện có niên đại từ năm 705 thuộc kỷ nguyên Saka, tương ứng với năm 783 sau Công nguyên thuộc giai đoạn cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX. Bia này mang giá trị lịch sử sâu sắc minh chứng cho sự phát triển văn hóa, tín ngưỡng và nghệ thuật của người Chăm trong thời kỳ này.
Theo đại diện Ban tổ chức, Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm không chỉ là cơ hội để tôn vinh và giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm mà còn là dịp để quảng bá hình ảnh của Việt Nam với bạn bè trong nước và quốc tế. Sự kiện này góp phần làm nổi bật tính phong phú và đa dạng của bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong bối cảnh hội nhập và phát triển.
Ngày hội còn nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng bền vững, phù hợp với Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Các hoạt động của ngày hội được tổ chức một cách trang trọng và quy mô, liên kết chặt chẽ với các sự kiện chính trị, văn hóa của cả nước và tỉnh Ninh Thuận. Việc chỉ đạo và phối hợp giữa Bộ VH-TT&DL, UBND tỉnh Ninh Thuận và các tỉnh, thành phố tham gia sẽ được thực hiện một cách thống nhất, khoa học và linh hoạt.
Để đảm bảo chất lượng của các chương trình tham gia, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và luyện tập chu đáo. Nội dung chương trình phải tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thưởng thức của công chúng. Các hoạt động nên chú trọng đến yếu tố cộng đồng, khẳng định vai trò của các chủ thể văn hóa và phát huy giá trị truyền thống, đồng thời gắn bó với yếu tố tiến bộ của thời đại.
Bích Hạnh