Những tấm lòng thơm thảo trong cơn hạn mặn khốc liệt ở Bến Tre
Trong hoàn cảnh hàng chục nghìn người dân ở Bến Tre thiếu nước ngọt, những tấm lòng thơm thảo đã xuất hiện, tham gia hỗ trợ nước ngọt giúp bà con vùng hạn mặn vượt qua cơn khát.
Nhiều ngày qua, Bến Tre là một trong những địa phương bị thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất nặng nhất ở ĐBSCL, cuôc sống của người dân cũng vì thế mà gặp muôn vàn khó khăn.
Mùa khô năm 2020, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 20.000 hộ rơi vào cảnh thiếu nước ngọt. Hiện nhiều hộ dân phải đổi nước ngọt với giá cao, các hộ nghèo còn thiếu dụng cụ trữ nước và nước sạch để phục vụ sinh hoạt. Hệ thống nước máy đã bị nhiễm mặn toàn bộ với độ mặn hơn 3‰.
Trong hoàn cảnh đó, những tấm lòng thơm thảo đã xuất hiện, tham gia hỗ trợ nước ngọt giúp bà con vùng hạn mặn vượt qua cơn khát.
Cụ bà Nguyễn Thị Hưởn (76 tuổi, ngụ xã Phú Hưng, TP.Bến Tre) dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày vẫn vui vẻ chia sẻ nguồn nước ngọt miễn phí cho rất nhiều bà con. Giếng nước của bà Hưởn cho 27.000 lít nước ngọt mỗi ngày. Hàng ngày gia đình bà thay nhau trực bên máy bơm, để bơm nước lên bồn chứa liên tục để mọi người đến lấy về.
Theo bà Hưởn, cách đây 20 năm gia đình bà tình cờ đào được giếng tầng nông với độ sâu khoảng 8m. May mắn thay, giếng đào trúng mạch nước ngọt trong lành, có nước ngọt dùng quanh năm mà không hề bị nhiễm phèn hay nhiễm mặn.
Bà Hưởn bơm nước ngọt phục vụ người dân vượt qua “cơn khát”. (Ảnh: SGGP) |
Dù gia đình ở địa phương không giàu sang hay khá giả gì nhưng bà Hưởn quyết không bán dù chỉ một giọt nước mà cho người dân dùng miễn phí. Đặc biệt, gia đình cụ bà còn chấp nhận mỗi tháng mất hơn 1 triệu đồng tiền điện để giúp mọi người có nước ngọt sử dụng.
“Gia đình tôi có nguồn nước “lộc trời” cho nên muốn chia sẻ cho bà con sử dụng. Dù nhiều người đều ngỏ ý muốn trả một phần tiền để gia đình trang trải chi phí tiền điện hàng tháng, nhưng tôi không lấy vì muốn chia sẻ khó khăn thiếu nước với người dân xung quanh trong mùa hạn mặn”, bà Hưởn tâm sự.
Bên cạnh cụ bà có tấm lòng thơm thảo, một nam thanh niên ở Bến Tre cũng đã trở thành ân nhân của nhiều người khi đầu tư khoảng 160 triệu đồng mua máy lọc nước mặn thành ngọt, để tặng nước miễn phí cho người dân. Đó là anh Trần Phước Hòa (ngụ xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách). Bình quân mỗi ngày dàn máy lọc nước mặn thành ngọt của anh Hòa lọc khoảng 7 khối nước.
Anh Trần Phước Hòa bên dàn máy lọc nước của mình. (Ảnh: Tiền Phong) |
Không chỉ tự trả chi phí tiền điện, anh Hòa còn phải mua nguồn nước từ nhà máy với mức giá khá cao để lọc thành nước ngọt. Thế nhưng, anh vẫn cảm thấy rất vui và không hối hận về việc làm của mình. “Trước tình hình khó khăn về nước sạch, tùy theo sức mình làm được gì giúp mọi người thì mình làm thôi”, anh Hòa chia sẻ.
“Giờ nước sông mặn đắng, sáng sớm rửa mặt còn rát, trong khi mua nước ngọt giá đắt đỏ nên đến đây xin về để dành nấu ăn chứ không dám tưới cây” - bà Hồ Thị Ngọc (ấp Nhơn Phú, xã Hòa Nghĩa) chia sẻ với Tiền Phong khi ghé nhà anh Hòa xin 3 can nước về xài.
Người dân đến chở nước miễn phí. (Ảnh: Tiền Phong) |
Chung tay với người dân khắc phục ảnh hưởng hạn, mặn, chiều 10/3, hai tàu chở nước ngọt của Cục Hậu cần, Quân khu 9 đã đưa khoảng 500 m3 nước ngọt từ Vĩnh Long về xã Phước Long (huyện Giồng Trôm) và ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long (huyện Châu Thành) của tỉnh Bến Tre để cấp miễn phí cho người dân, theo TTXVN.
Người dân ở đây "khát" nước ngọt rất nhiều vì thế khi có tàu chở nước ngọt của Cục Hậu cần, Quân khu 9 cập bến, họ vui mừng chuẩn bị dụng cụ, thùng để đi chở nước ngọt. Mỗi hộ được cấp 1 m3 nước ngọt, đây là nguồn nước ngọt rất lớn đối với mỗi hộ gia đình hiện nay.
Đây là đợt cung cấp nước ngọt thứ hai do Cục Hậu Cần, Quân khu 9 hỗ trợ người dân tỉnh Bến Tre. Trước đó, tàu chở nước ngọt của Cục Hậu cần, Quân khu 9 đã chở nước ngọt cung cấp miễn phí cho người dân ở 2 xã Hòa Lộc (huyện Mỏ Cày Bắc) và An Đức (huyện Ba Tri).
Người dân ấp Tiên Lợi, xã Tiên Long vui mừng khi tiếp nhận được nguồn nước ngọt vào thời điểm thiếu nước trầm trọng. (Ảnh: TTXVN)) |
Trước đó, Tư lệnh Vùng 2 Hải quân hỗ trợ các chuyến tàu vận chuyển nước ngọt và dụng cụ trữ nước; Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn tặng 200 bồn trữ nước loại 500 lít, 500 bình nước uống loại 20 lít và chuyến tàu cấp 250 m3 nước ngọt…
Nhiều cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cũng đã trao tặng hàng nghìn dụng cụ chứa nước cho gia đình chính sách, người nghèo tại tỉnh Bến Tre.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 3, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục tăng cao tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hạn mặn được dự báo sẽ đạt mức cao nhất, vượt mức năm 2016, năm hạn mặn kỷ lục, đặc biệt đợt từ ngày 7/3 đến 15/3/2020 ở cửa các sông Cửu Long. Cụ thể tại các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), phạm vi ảnh hưởng sâu nhất từ 100-110 km, sông cửa Tiểu, cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 60 km, sông Hàm Luông khoảng 78 km, sông Hậu khoảng 70 km… Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường; do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020. 5 tỉnh là Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn. Hiện có khoảng 95.600 hộ dân đang gặp khó khăn trong thời gian diễn ra hạn, mặn về nước sinh hoạt (tổng số hộ dân bị gặp khó khăn năm 2015-2016 là 210.000 hộ). Các hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt đang được các địa phương tăng cường giải pháp để cung cấp đủ nước. |
Mai Anh