Thứ hai, 06/05/2024 10:29 (GMT+7)
Thứ ba, 10/03/2020 11:43 (GMT+7)

Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu đợt xâm nhập mặn kỷ lục

Theo dõi KTMT trên

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang chịu đợt xâm mặn sâu nhất kể từ đầu mua khô 2020 đến nay, trong đó, mức độ nặng nhất từ ngày 9 đến 13/3 này, theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT).

Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu đợt xâm nhập mặn kỷ lục - Ảnh 1
Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình hình xâm nhập hạn, mặn lịch sử. (Ảnh: Đại đoàn kết)

Bộ NN&PTNT cho biết, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh từ tháng 12/2019 và liên tục tăng cao cho đến nay, hiện đã ảnh hưởng đến 10/13 tỉnh ở ĐBSCL (trừ An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ).

Trong tháng 2/2020, xâm nhập mặn tăng cao từ ngày 8/2 đến 16/2/2020, với ranh mặn 4 g/l tại vùng 2 sông Vàm Cỏ từ 100-110km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 4-6 km; vùng cửa sông Cửu Long từ 66-75km, sâu hơn cùng kỳ năm 2016 từ 3-10 km.

Đối với tỉnh Bến Tre, xâm nhập mặn bao phủ toàn bộ phạm vi của địa phương, trong các kỳ triều cường, hầu như không có nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất và dân sinh.

Đáng lo ngại, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao Mekong - Lan Thương tại Viên Chăn (Lào) ngày 20/2, các đập thủy điện Trung Quốc trên sông Mekong sẽ xả nước để giúp đỡ các quốc gia láng giềng đối phó với khô hạn. Tuy nhiên, đến nay sau tuyên bố 7 ngày, mực nước Mekong tại Chiang Sean phía sau đập Cảnh Hồng (nước từ Cảnh Hồng về đến Chiang Saen là 2-3 ngày) vẫn chưa có sự biến đổi, việc xả nước chưa diễn biến như tuyên bố.

So với năm 2018, 2019, việc vận hành xả nước của các đập thủy điện Trung Quốc đã chậm khoảng hơn 15 ngày (thường xả khoảng gần giữa tháng 2).

Do lưu lượng từ thượng nguồn về chưa tăng, xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong tháng 3 sẽ tiếp tục tăng cao, đặc biệt đợt từ ngày 7/3 đến 15/3/2020 ở cửa các sông Cửu Long. Cụ thể tại các cửa sông Vàm Cỏ (Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây), phạm vi ảnh hưởng sâu nhất từ 100-110 km. Trên sông cửa Tiểu, cửa Đại, phạm vi ảnh hưởng của mặn sâu nhất khoảng 60 km, sâu hơn khoảng 8-10 km so với mức sâu nhất năm 2016.

Ở Sông Hàm Luông, phạm vi ảnh hưởng sâu nhất khoảng 78 km, sâu hơn khoảng 5 km so với mức sâu nhất năm 2016...Trên sông Hậu, mặn sẽ lấn sâu nhất khoảng 70 km, sâu hơn khoảng 10 km so với mức sâu nhất năm 2016. Còn sông Cái Lớn mặn lấn sâu khoảng 65 km, tương đương so với cùng kỳ năm 2016.

Trong thời gian tiếp theo của mùa khô, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục lên cao theo các kỳ triều cường; do các hồ chứa ở thượng nguồn chưa tăng lượng xả, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 4/2020.

Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu đợt xâm nhập mặn kỷ lục - Ảnh 2
Một con kênh nội đồng tại Tiền Giang sắp trơ đáy. (Ảnh: Zing)

Theo dự báo khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng sẽ phải chịu tình trạng hạn hán, xâm mặn với hàng nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng. Cụ thể, ở khu vực Bắc Trung bộ, Thanh Hóa khoảng 12-15.000 ha, Nghệ An khoảng 4.000-6.000 ha, Thừa Thiên-Huế khoảng 200-500 ha… bị ảnh hưởng do hạn mặn.

Tại Nam Trung bộ, dự báo cuối tháng 3/2020, dung tích các hồ chứa trung bình đạt khoảng 55% dung tích thiết kế. Hiện tình hình thiếu nước phục vụ sản xuất đã xảy ra tại một số tỉnh với tổng diện tích gần 1.500 ha ở Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Đến cuối vụ Đông Xuân, diện tích nguy cơ thiếu nước toàn vùng Nam Trung bộ có thể lên 3.600 ha (Quảng Nam 500 ha, Phú Yên 600 ha, Khánh Hòa 1.000 ha và Bình Thuận 1.500 ha).

Tại Tây Nguyên, dự báo cuối vụ Đông Xuân, tổng diện tích có nguy cơ ảnh hưởng toàn vùng khoảng 3.200 ha (Kon Tum 500 ha, Gia Lai 200 ha, Đắk Nông 1.500 ha và Đắk Lắk 1.000 ha) chủ yếu lúa và cà phê.

Mai Anh

Bạn đang đọc bài viết Đồng bằng sông Cửu Long đang chịu đợt xâm nhập mặn kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới