Những điều thú vị ở 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới
Đây chính là những điều thú vị của 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2020.
Diện tích rừng bao phủ rộng lớn, không có bất cứ con muỗi nào, người dân cao lớn nhờ uống sữa, phương tiện công cộng hoàn toàn miễn phí. Đây chính là những điều thú vị của 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2020.
Phần Lan: Đất nước có nhiều cây nhất châu Âu
Đất nước đứng đầu danh sách Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này có diện tích rừng trên mỗi dặm vuông nhiều nhất ở châu Âu và đứng thứ 11 trên thế giới. Ước tính có khoảng 73% diện tích của Phần Lan được bao phủ bởi gỗ sồi, linh sam và bạch dương. Tuy nhiên diện tích rừng này chưa là gì so với Cộng hòa Suriname ở Nam Mỹ – đất nước diện tích rừng nhiều nhất thế giới với 95% diện tích là rừng bao phủ.
Đan Mạch: Sở hữu một quần đảo huyền bí với 37 từ nói về sương mù
Đó chính là quần đảo Faroe, một khu vực tự trị của Vương quốc Đan Mạch. Nhà báo Janein Bell viết trên Telegraph Travel rằng người Faroe có 37 từ để nói về sương mù, từ mjorkabelti (làn sương mỏng, dài) và toppamjorki (sương mù trên đỉnh núi) đến kavamjorki (sương mù tuyết). Trong đó, Janein Bell thích nhất là loại pollamjorki – màn sương mù thấp trên biển len lỏi vào vịnh và thung lũng khi thời tiết phía trên quang đãng, tạo nên hiệu hứng huyền bí như thể hòn đảo đang nổi trên không.
Thụy Sĩ: Có nhiều người đoạt giải Nobel
Điểm đặc biệt của quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này là có tới 28 người đoạt giải Nobel trên tổng số khoảng 8 triệu dân. Đây là quốc gia có tỉ lệ giải Nobel trên tổng dân số cao thứ hai thế giới, sau Saint Lucia (Saint Lucia là quốc gia có tỉ lệ giải Nobel trên tổng dân số cao nhất thế giới với 2 người đoạt giải Nobel trên tổng dân số chưa đến 200.000 người). Albert Einstein dù sinh ra ở Đức nhưng đã học tập ở Zurich và sau đó phát triển Thuyết tương đối khi sống ở thủ đô Bern của Thụy Sĩ.
Iceland: Không có bất cứ con muỗi nào
Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này là một trong hai nơi duy nhất trên hành tinh mà không có sự hiện diện của loài muỗi (nơi còn lại là Nam Cực). Một thông tin khác để bạn tham khảo, New Caledonia, Seychelles và Polynesia thuộc Pháp là những nơi có muỗi nhưng không có bệnh sốt rét. Ở đó, những con côn trùng tồn tại nhưng không thể mang virus vì côn trùng cần máu của động vật có vú sống trên cạn nhưng ở đó lại không có loài động vật này.
Na Uy: Chuẩn tướng đội cận vệ Hoàng gia là một chú chim cánh cụt
Một con chim cánh cụt vua tên là Nils Olav tại sở thú Edinburgh đã được đội cận vệ nhận nuôi vào năm 1972 và chú được bổ nhiệm cấp bậc của đội cận vệ. Nils Olav I được thăng cấp hạ sĩ năm 1982 và sau đó là trung sĩ vào năm 1987. Đáng buồn là chú đã chết sau đó và được thay thế bằng một chú chim cánh cụt vua khác là Nils Olav II. Hiện nay, chú chim cánh cụt Sir Nils Olav III là người giữ chức chuẩn tướng của đội cận vệ Hoàng gia. Quyền lực này có nghĩa là chú được thêm nhiều cá thu khi đến giờ ăn.
Hà Lan: Người dân cao lớn nhờ sữa
Ben Coates, chuyên gia người Hà Lan giải thích: Khi dân số Hà Lan phát triển vào thế kỷ 17 và 18, cỏ mọc như trải thảm là nguồn thức ăn hoàn hảo cho gia súc. Đặc biệt, giống bò sữa Holstein Friesian đã trở thành biểu tượng của đất nước này. Sữa được tiêu thụ nhiều, một số được làm thành pho mát và thường được đặt theo tên thị trấn nơi mà chúng được kinh doanh, buôn bán như pho mát Gouda, Edam.
Khi sản lượng sữa tăng lên, mức tiêu thụ sữa cũng có một tác dụng khác đó là khiến Hà Lan trở thành quốc gia của những người khổng lồ. Các nghiên cứu cho thấy, vào giữa những năm 1800, chiều cao trung bình của người Hà Lan khoảng 162cm, thấp hơn hầu hết người châu Âu và người Mỹ. Tuy nhiên, trong 150 năm tiếp theo, khi tiêu thụ sữa tăng, người Hà Lan đã cao vượt những quốc gia khác. Ngày nay, chiều cao trung bình của một người Hà Lan là hơn 182cm, chiều cao trung bình của phụ nữ Hà Lan là hơn 170cm, khiến họ trở thành những người cao nhất thế giới.
Thụy Điển: Bạn có thể du hành thời gian như Doremon
Biên giới giữa Thụy Điển và Phần Lan là một mốc thời gian. Giờ của Phần Lan đi trước 2 giờ so với giờ chuẩn Greenwich (GMT), còn Thụy Điển thì đi trước 1 giờ. Điều này có nghĩa là nếu bạn vượt qua biên giới từ Tây sang Đông, bạn có thể “lấy lại” được 60 phút của cuộc đời mình. Điều thú vị nữa là vào ngày 31/12, bạn được đón năm mới tận 2 lần.
Một địa điểm lý tưởng để bạn du hành thời gian là Karesuvanto, một ngôi làng ở Lapland, Phần Lan, nằm trên bờ sông Munio và đối diện với thị trấn Karesuando của Thụy Điển. Bạn chỉ cần đi bộ qua cây cầu giữa hai bên là bạn đã biến thành Marty McFly - nhân vật chính của bộ phim Back to the Future nói về những chuyến du hành thời gian.
New Zealand: Nơi con người đặt chân đến muộn nhất
Có thể nói rằng New Zealand là khu vực đất đai rộng lớn mà con người định cư muộn nhất. Mãi đến những năm 1300, những người Polynesia đầu tiên mới đặt chân đến New Zealand và phát triển văn hóa Maori độc đáo. Để so sánh về điều này, bằng chứng sớm nhất về con người xuất hiện ở Úc là 65.000 tuổi. Vì sao New Zealand lại không được con người biết đến lâu như vậy?
Có thể do những cơn gió và dòng hải lưu mà những người Polynesia đi biển đã phát hiện ra các quốc gia khác như Vanuatu, Fiji, Tonga, Samoa, Đảo Phục Sinh và Quần đảo Cook trước khi tìm thấy New Zealand. Có một sự thật trớ trêu rằng, Abel Tasman - nhà thám hiểm người Hà Lan là người châu Âu đầu tiên tìm thấy New Zealand vào năm 1642 vì không thể xác định được vị trí của nước Úc trong chuyến đi của mình.
Áo: Có thành phố hạnh phúc nhất thế giới
Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này lại có thủ đô Vienna được xếp hạng là thành phố đáng sống nhất trên thế giới. Vienna đạt điểm cao về môi trường chính trị, xã hội, kinh tế, chăm sóc y tế, giáo dục và các điều kiện cơ sở hạ tầng như giao thông công cộng, cung cấp điện và nước. Mối quan tâm lớn nhất của khách du lịch và các lựa chọn giải trí thì Vienna cũng đạt điểm cao nhất. Nơi đây có những cung điện lớn, phòng trưng bày (như bảo tàng Kunsthistorisches với tác phẩm tinh xảo của Rubens, Titian, Velasquez và Vermeer). Đây là nơi khai sinh của nghệ thuật thưởng thức cafe với bánh và là thủ đô của âm nhạc cổ điển với những nhà soạn nhạc đại tài là Mozart và Beethoven.
Luxembourg: Miễn phí tất cả các phương tiện giao thông công cộng
Đây là nơi duy nhất trên thế giới mà người dân và khách du lịch được tận hưởng hệ thống giao thông công cộng hoàn toàn miễn phí. Từ ngày 29/2 năm nay, vé xe điện, tàu hỏa và xe bus đã được xóa bỏ. Tuy nhiên, có một ngoại lệ là những chuyến tàu quốc tế và chỗ ngồi khoang hạng nhất thì vẫn phải trả tiền.
Lý Nam