Thứ năm, 28/03/2024 20:17 (GMT+7)
Thứ năm, 30/04/2020 14:03 (GMT+7)

Những điều rút ra từ công tác ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Qua thực tế ứng phó với hạn mặn đã bộc lộ một số mặt tồn tại cần được rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác đối phó với thiên tai thời gian tới.

Trong nhiều tháng qua, tình hình hạn, mặn diễn ra khốc liệt, chính quyền và người dân các địa phương Bến Tre, Tiền Giang rất quyết liệt trong công tác ứng phó với thiên tai. Từ đó, cũng đã rút ra được những kinh nghiệm sâu sắc để phòng chống hạn mặn có hiệu quả trong thời gian tới.

Trong những ngày qua, ngoài các giải pháp đắp đê, làm cống đập ngăn mặn, trữ ngọt, bơm chuyền… tỉnh Tiền Giang, Bến Tre còn vận chuyển hàng triệu m3 nước ngọt để cứu nguy cho vườn cây ăn trái và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Tỉnh Tiền Giang đã vận chuyển được hơn 1,4 triệu m3 nước, phân phối cho gần 20.000 hộ dân. Địa phương này mỗi ngày, có hàng chục đoàn xe của các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện các nơi chở nước ngọt về cấp miễn phí cho vùng “đất khát”. Đến nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre tiếp nhận dụng cụ chứa nước ngọt và máy lọc nước mặn… tổng trị giá hơn 22 tỉ đồng.

Những điều rút ra từ công tác ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL - Ảnh 1
Ruộng rau màu tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vẫn tốt tươi trong mùa khô hạn nhờ có nguồn nước ngọt.

Dù cả hệ thống chính trị và người dân chung sức, chung lòng, thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp ứng phó rất quyết liệt nhưng thiệt hại vẫn nặng nề. Đến nay, vùng ngọt hóa Gò Công của tỉnh Tiền Giang có đến khoảng 7.000 ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại; trong đó có trên 4.000 ha lúa bị chết trắng do thiếu nguồn nước ngọt, hàng nghìn ha cây sầu riêng cũng bị chết khô, hàng chục nghìn hộ dân phía Đông bị thiếu nước sinh hoạt.

Riêng tỉnh Bến Tre có hơn 5.000 ha lúa ở các huyện Ba Tri, Bình Đại, Giồng Trôm bị chết trắng; hơn 20.000 ha cây ăn trái, hoa màu, cây giống, hoa kiểng bị thiệt hại do thiếu nước tưới. Đặc biệt, tỉnh Bến Tre có trên 57.000 hộ dân thiếu nước ngọt trong sinh hoạt. Qua thực tế ứng phó với hạn mặn đã bộc lộ một số mặt tồn tại cần được rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác đối phó với thiên tai thời gian tới.

Tại Tiền Giang, do thiếu chủ động nguồn nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước BOO Đồng Tâm tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành nên vào cao điểm hạn mặn các ao trữ nước của nhà máy thiếu nước. Nhà máy này phải sử dụng nước mặn 1‰ để xử lý cung cấp cho hàng trăm nghìn hộ dân địa phương. Tại nhiều vùng ven biển, vùng sâu của các huyện phía Đông, nguồn nước về rất yếu, không đủ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Ông Đoàn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông cho biết, nước ở nhà máy BOO Đồng Tâm nước rất yếu. Hiện nay, trên địa bàn xã có 9 vòi nước nhưng chỉ có 2 vòi chảy. Trong khu dân cư ven huyện lộ 2 đã 6 ngày nay nước không chảy, nước sinh hoạt rất khó khăn. Nếu nắng hạn kéo dài thì tình hình sẽ còn khó khăn hơn.

Những điều rút ra từ công tác ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL - Ảnh 2
Nguồn nước từ nhà máy BOO Đồng Tâm chảy về vùng Gò Công (Tiền Giang) rất yếu.

Đối với việc thực hiện các công trình ngăn mặn trữ ngọt ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thì vấn đề thời điểm triển khai, thời gian hoàn thành cần khẩn trương, cấp tốc. Cụ thể như công trình làm đập thép ngăn mặn tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành (tỉnh Tiền Giang) và sông Ba Lai (tỉnh Bến Tre) hợp long vào thời điểm nước mặn trên 3‰ đã vào phía trong. Thế nên, hơn 100 tỉ đồng đầu tư cho 2 công trình này đến nay chưa phát huy hiệu quả như yêu cầu đề ra.

Tại huyện Chợ Lách, ông Phạm Anh Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, đã có vài nghìn ha cây ăn quả bị thiệt hại do hạn mặn. Kinh nghiệm của địa phương rút ra là tiếp tục đầu tư khép kín các công trình thủy lợi, chuyển đổi cây trồng theo hướng thích ứng hạn mặn. Theo ông, về lâu dài, tỉnh, Trung ương phải đầu tư hệ thống đê. Huyện Chợ Lách phải chuyển đổi cây theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Trữ nước, chuyển nước thời gian qua người dân huyện Chợ Lách đã làm rất tích cực, nhờ vậy mà hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

Tỉnh Tiền Giang cũng như Bến Tre, việc xuống giống gieo sạ lúa vụ Đông Xuân, việc chuyển đổi mùa vụ một số khu vực chưa bám sát thông tin dự báo của ngành chuyên môn. Ở vùng Gò Công của tỉnh Tiền Giang, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre dù nước đã nhiễm mặn nhưng nhiều nông dân vẫn còn gieo sạ lúa. Công tác chủ động nguồn nước cho diện tích lúa và vườn cây ăn trái cũng cần đặt ra ngay từ đầu mùa khô.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Tiền Giang chia sẻ, nếu năm tới có hạn thì kinh nghiệm rút ra là công tác dự đoán, dự báo. Khi mặn xâm nhập đầu nguồn tại phà Ngũ Hiệp thì phải đoán được chắc chắn dự án ngọt hóa Gò Công hoàn toàn bị ảnh hưởng, không có nguồn. Phải tích trữ ngay từ đầu, không để tới nơi mới bơm trữ thì đã muộn. Ngoài ra, trong khâu sản xuất, từ đầu dự báo đã xảy ra mặn thì phải chủ động chuyển đổi ngay từ đầu, không để xuống giống nước đã mặn. Trong công tác chuyển đổi sản xuất thì yêu cầu những vùng bị ảnh hưởng mặn, đối với diện tích cây ăn trái thì phải tích trữ nước liền, đào ao trữ nước dùng, không thể sử dụng nước có độ mặn cao đối với lúa.

Những điều rút ra từ công tác ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL - Ảnh 3
Nông dân vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) chắt chiu từng khối nước ngọt để cứu lúa Đông Xuân.

Theo ông Võ Văn Thông, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang, công tác phối hợp giữa các ngành chức năng, chính quyền địa phương và cơ quan Khí tượng thủy văn cần chặt chẽ đồng bộ hơn, nhất là đưa ra các thông tin dự báo tình hình hạn mặn, xử lý thông tin, vận dụng vào tình hình thực tế của từng địa phương để thực hiện các giải pháp công trình, phi công trình đạt hiệu quả:

"Qua đợt hạn mặn khốc liệt năm 2019-2020, góc độ chuyên môn rút ra những kinh nghiệm trong đợt hạn mặn sắp tới, cần có những công trình ngăn mặn, trữ ngọt sớm hơn trước đợt xâm nhập mặn vào. Đài khí tượng thủy văn thường xuyên có những nhận định sớm để cho ngành nông nghiệp chủ động đưa ra kế hoạch sản xuất, cũng như những kế hoạch thi công các công trình thủy lợi như: đắp các cống đập ven sông Tiền để không cho mặn vào" - ông Võ Văn Thông cho biết.

Tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang còn có một số vấn đề đã xảy ra như: nhiều người dân tự ý khoan giếng tầng nông để mong lấy được nguồn nước ngọt; người dân chưa tiết kiệm nguồn nước ngọt, đã sử dụng nước máy sinh hoạt để bơm tưới cây trồng, tình trạng cò kéo các dịch vụ bơm nước ngọt vào vườn cây… Những vấn đề này, cần được quan tâm, chấn chỉnh để cùng thực hiện có hiệu quả hơn công tác ứng phó với han mặn trong thời gian tới.

Nhật Trường

Bạn đang đọc bài viết Những điều rút ra từ công tác ứng phó với hạn mặn ở ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Bảo vệ môi trường – Nền tảng để phát triển kinh tế bền vững
Nhiều chuyên gia khẳng định rằng, bảo vệ môi trường chính là một trong những trụ cột để phát triển kinh tế xã hội bền vững. Khi kinh tế xã hội phát triển giúp chúng ta có đủ điều kiện để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữ vững độc lập chủ quyền của dân tộc.

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.