Thứ sáu, 22/11/2024 15:23 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/10/2023 14:14 (GMT+7)

Những điểm sáng cho nền kinh tế thành phố Đà Nẵng

Theo dõi KTMT trên

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, trong 9 tháng đầu năm kinh tế Đà Nẵng vẫn giữ được sự thăng trưởng ổn định.

Những điểm sáng cho nền kinh tế

Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức kéo dài chưa được tháo gỡ trong quá trình kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến đất đai nhưng ngay từ đầu năm 2023, UBND TP Đà Nẵng đã chủ động tập trung nguồn lực để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tường Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương và chủ đề năm 2023 của TP Đà Nẵng là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế TP Đà Nẵng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, nhưng nền kinh tế - xã hội của địa phương vẫn giữ được ổn định và tiếp tục đà phát triển, đạt được một số kết quả nhất định.

Theo UBND TP Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) 9 tháng đầu năm 2023 của thành phố ước tăng 2,83% so với cùng kỳ năm 2022. Trong mức tăng 2,83% toàn nền kinh tế 9 tháng qua, khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất là 4,44%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung của thành phố; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,54%, đóng góp 0,15 điểm; khu vực lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,13%, mức đóng góp không đáng kể.

Những điểm sáng cho nền kinh tế thành phố Đà Nẵng - Ảnh 1
Lĩnh vực dịch vụ, du lịch tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thành phố Đà Nẵng.

Quy mô nền kinh tế thành phố trong 9 tháng theo giá hiện hành ước đạt hơn 97.581 tỷ đồng, mở rộng gần 7.088 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, quy mô giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với hơn 6.412 tỷ đồng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng gần 113 tỷ đồng, khu vực công nghiệp - xây dựng thu hẹp hơn 24 tỷ đồng trong đó, riêng lĩnh vực công nghiệp tăng 413 tỷ đồng, lĩnh vực xây dựng giảm 437 tỷ đồng.

Cơ cấu trong quy mô nền kinh tế TP Đà Nẵng 9 tháng năm 2023 tiếp tục có sự dịch chuyển nhẹ giữa 3 khu vực so với cùng kỳ năm trước theo xu hướng khu vực dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn, từ 68,38% của cùng kỳ năm 2022 tăng lên 69,98% trong 9 tháng năm 2023; ngược lại khu vực công nghiệp - xây dựng 20,46% thu hẹp còn 18,94%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,27% (thu hẹp 0,07 điểm phần trăm); khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định với tỷ trọng 1,81% (cùng kỳ 1,82%).

Khu vực thương mại và dịch vụ tiếp tục là điểm sáng đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của TP Đà Nẵng. 9 tháng đầu năm 2023  khu vực dịch vụ ước tăng 4,44 %, đóng góp 3,07 điểm phần trăm vào mức tăng GRDP chung, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,54% đóng góp 0,5 điểm, khu vực lâm nghiệp thuỷ sản tăng 0,13%, riêng khu vực công nghiệp xây dựng giảm 2,02% làm giảm 0,4 điểm phần trăm ủa mức tăng trưởng GRDP chung.

Trong đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP với nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội đặc sắc, sản phẩm du lịch liên tục được tổ chức, đặc biệt Lễ hội Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng 2023, Chương trình “Tận hưởng Đà Nẵng 2023”…, góp phần thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế đến với thành phố.

Nhờ các chương trình lễ hội đặc sắc giúp doanh thu lữ hành và các dịch vụ hỗ trợ du lịch ước đạt gần 3.777 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số khách du lịch do các cơ sở lữ hành phục vụ 9 tháng ước đạt 1,145 nghìn lượt, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 340,7 nghìn lượt, cao gấp 9,2 lần; khách trong nước đạt 752,1 nghìn lượt, gấp 2,1 lần; khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 52,1 nghìn lượt, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm 2022.

Doanh thu ngành dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Doanh thu 9 tháng ngành dịch vụ vận tải, kho bãi; bưu chính và chuyển phát ước đạt 23.805 tỷ đồng, tăng 25,2% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng qua, một số ngành trong khu vực dịch vụ có giá trị tăng thêm khá cao như: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 54,55%; dịch vụ khác tăng 34,98%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 26,98%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 18,49%...

Về thương mại hàng hóa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 tăng 19,5% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 38,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 139,9% (là một trong những nhóm ngành có mức tăng cao nhất so với cùng kỳ năm trước); dịch vụ tiêu dùng khác tăng 27,7%.

Về hoạt động du lịch, cộng dồn 9 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 17.347 tỷ đồng, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 7.575 tỷ đồng, tăng 65,2%; lĩnh vực ăn uống đạt 9.772 tỷ đồng, tăng 22,9%. VA toàn ngành lưu trú và ăn uống 9 tháng ước tăng 24,53%, đóng góp 0,81 điểm phần trăm, với tỷ trọng đóng góp đạt 31,4% trong mức tăng GRDP chung 9 tháng năm 2023.

Nhiều lĩnh vực còn khó khăn, hạn chế

Bên cạnh kết quả đã đạt được TP Đà Nẵng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mà nền kinh tế thành phố vẫn đang phải đối mặt. Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng trưởng âm, giảm 2,02% so với cùng kỳ năm  2022,  làm giảm 0,4 điểm phần trăm của mức tăng GRDP chung của thành phố. Quy mô đầu tư lĩnh vực công nghiệp - xây dựng thu hẹp hơn 24 tỷ đồng trong đó, riêng lĩnh vực xây dựng giảm 437 tỷ đồng.

Nguyên nhân chủ yếu tác động đến sự tăng trưởng, sụt giảm của ngành công nghiệp - xây dựng ngoài ảnh hưởng từ tình hình khó khăn, nhiều biến động của nền kinh tế thế giới thì còn phải kể đến thị trường trong nước sức mua không lớn, phục hồi chậm, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp đi vào thực thi nhưng cần có thời gian để phát huy hiệu quả; còn chậm các thành phần hồ sơ liên quan để đảm bảo thủ tục cấp phép xây dựng như hồ sơ thẩm duyệt PCCC, hồ sơ về môi trường do quy định mới; công tác lựa chọn chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội còn chậm.

Những điểm sáng cho nền kinh tế thành phố Đà Nẵng - Ảnh 2
Dù có nhiều khó khăn và thách thức nền kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng vẫn giữ vững đà phát triển và ổn định.

Ngoài ra, một số ngành công nghiệp liên quan đến xây dựng cũng giảm mạnh như sản phẩm từ khoáng khí phi kim loại khác (chiếm 0,7%GRDP) giảm 23,8% (clanhke xi măng giảm -43.6%; xi măng portland đen giảm -13.1%; gạch và gạch khối xây dựng bằng xi măng, bê tông hoặc đá nhân tạo giảm -18.2%; bê tông tươi giảm -24.5%...

Lĩnh vực dịch vụ, hoạt động bán buôn hàng hóa tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa không thuận lợi và chưa được cải thiện, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới, nhất là các thị trường lớn giảm mạnh.   

Nguồn vốn thu hút đầu tư nước ngoài thấp hơn năm 2022 do các tập đoàn lớn đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu. Kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao… càng khiến dòng đầu tư thêm chững lại.

Bên cạnh đó, nguồn quỹ đất của thành phố khá hạn chế, chủ yếu thu hút vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, tuy nhiên chưa có nhiều giải pháp tích cực để thu hút nhà đầu tư vào khu vực này. Quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp còn hạn chế. Quỹ đất sạch nằm ngoài các khu công nghiệp hầu hết là diện tích nhỏ nên khó kêu gọi thu hút các nhà đầu tư FDI lớn. Một số dự án đã có quỹ đất, có nhà đầu tư quan tâm nhưng quá trình thực hiện các thủ tục hồ sơ để tổ chức đấu giá dự án theo quy định pháp luật khá dài.

Nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023, thành phố Đà Nẵng tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn, có tốc độ tăng trưởng tốt nhằm bù đắp cho các ngành, lĩnh vực đang có xu hướng giảm sâu bởi tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước. Đồng thời tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có tiềm năng, đóng góp lớn để có giải pháp, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế Thành phố.

Ngoài ra, Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023; thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đô thị, bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch phân khu, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật... Hoàn chỉnh hồ sơ và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung Quy hoạch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 7/2023.

Trọng Nghị - Bình Dương

Bạn đang đọc bài viết Những điểm sáng cho nền kinh tế thành phố Đà Nẵng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới