Nhóm ngành hàng nào giúp Việt Nam hưởng lợi từ RCEP?
Các ngành viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp được cho là những lĩnh vực hưởng lợi khi Việt Nam tham gia RCEP.
Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và các nước đối tác khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Astralia và New Zealand.
Đây được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới do Cộng đồng ASEAN khởi xướng tính đến thời điểm này.
Ngay khi được ký kết và đi vào thực thi, hiệp định sẽ hình thành khu vực kinh tế lớn nhất từ trước tới nay với GDP chiếm 32% tổng GDP toàn cầu, tương đương với khoảng 32.000 tỉ USD và thị trường chiếm 47,5% dân số thế giới.
Đại diện Chính phủ cùng nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đều kỳ vọng, Hiệp định RCEP sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam và các nước thành viên nhờ vào các cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư….
Theo Bộ Công Thương, bên cạnh thúc đẩy các doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường xuất khẩu, RCEP sẽ giúp mở cửa để nhập khẩu hàng hóa rẻ hơn, đặc biệt là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất.
Các số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính riêng ASEAN, nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Việt Nam hằng năm vượt 30 tỉ USD. Ngoài ra, Việt Nam vẫn đang nhập siêu từ các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc với nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp xuất khẩu quan trọng như điện tử, máy tính, dệt may, giày dép, ô tô…
Cùng với giúp cắt giảm 10% các chi phí giao dịch thương mại, nguồn nguyên liệu dệt may vô cùng rộng lớn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cho phép Việt Nam vừa mở rộng khả năng đáp ứng tiêu chí xuất xứ, vừa tiếp cận sâu rộng hơn các thị trường tiêu dùng giàu có của Singapore, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội ưu đãi với nguồn cung linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại… từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, hay linh kiện, phụ tùng ô tô từ Thái Lan, Indonesia…
Với nhóm hàng công nghệ thông tin, hiện thuế nhập khẩu linh phụ kiện máy tính, vi mạch... từ nhiều nước về Việt Nam hay giữa các nước khác nhau đều rất thấp, gần như bằng 0%. Do đó nếu theo quy tắc tính gộp xuất xứ, doanh nghiệp tại Việt Nam mua linh kiện từ các nước thành viên tham gia RCEP về lắp ráp, sản xuất rồi xuất khẩu sang các nước này thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan.
Theo Bộ Công Thương, đối với Việt Nam, RCEP mang lại một số lợi thế nhất định khi đưa ra các quy tắc xuất xứ nhất quán trong khu vực. Điều này giúp loại bỏ nhu cầu tham chiếu nhiều FTA và điều chỉnh các thủ tục khác nhau cho các quốc gia khác nhau trong RCEP đối với cùng một loại hàng hóa. Ngoài các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, do đó tăng tỉ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường RCEP.
RCEP cũng xóa bỏ một số hạn chế nhất định trong lĩnh vực viễn thông, tài chính và dịch vụ chuyên nghiệp, giúp các nhà cung cấp dịch vụ của các quốc gia thành viên dễ dàng cung ứng qua biên giới ở các quốc gia thành viên khác. Việc bổ sung các mức thuế mới đối với hàng hóa bị cấm và đảm bảo đầu tư được hệ thống hóa để duy trì nguồn vốn FDI xuyên biên giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì RCEP cũng đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam. Bộ Công Thương cho hay, các nhà sản xuất Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Điều này sẽ buộc các nhà sản xuất Việt Nam phải giảm giá và giảm lợi nhuận để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn. Cùng với đó, việc giảm thuế quan cũng giúp những hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia được nhận nhiều lợi ích từ RCEP, nhất là có những mặt hàng nhiều lợi thế như nông, thủy sản đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của hầu hết các thành viên.
"Trong các Hiệp định thương mại tự do đã có trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài FTA mà không đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế. Giờ đây, Trung Quốc và Hàn Quốc và những nước vốn là nguồn cung nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam đều nằm trong Hiệp định RCEP nên vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan của RCEP trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết", bà Trang nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2018, việc thực thi RCEP có thể giúp tổng sản phẩm quốc dân (GDP) của VN tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.
Trong khi đó, theo ông Trần Tuấn Anh, khi RCEP được thực thi với 15 thành viên sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn với quy mô khoảng 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới.
Nhật Hạ