Nhóm dân số khỏe mạnh không cần tiêm vaccine mũi thứ 4?
Dù liều vắc xin thứ tư có thể bảo vệ người trên 60 tuổi khỏi nguy cơ bệnh nặng khi mắc Covid-19 gấp 3 lần so với liều thứ ba nhưng tại một số quốc gia nhóm dân số khỏe mạnh vẫn được khuyến khích không cần thiết tiêm mũi vaccine thứ 4.
Tờ Nature dẫn lời nhà miễn dịch học Miles Davenport từ Đại học New South Wales (Sydney - Úc) cho hay các kết quả hiện tại cho thấy vaccine Covid-19 đã đạt đến mức miễn dịch giới hạn sau liều thứ 3. "Bạn không thể thúc đẩy phản ứng kháng thể mãi" - ông Davenport nhấn mạnh.
Theo dự báo của tiến sĩ Davenport, các liều tiêm tiếp theo, nếu có, có thể là sau nhiều tháng hoặc thậm chí vài năm, chủ yếu sẽ chỉ cần để phục hồi khả năng miễn dịch đã mất theo thời gian chứ không phải liều tiêm tăng cường gần để chống lại biến thể mới nữa.
Tiến sĩ Gili Reveg-Yochay từ Trung tâm Y tế Sheba (Ramat Gan - Israel), đồng tác giả của nghiên cứu trên, cho hay các kết luận này được rút ra từ nghiên cứu dựa trên 274 nhân viên y tế đã được tiêm liều thứ tư (mũi tăng cường thứ 2) cuối năm 2021. Họ được chủng ngừa bằng vaccine Pfizer hoặc Moderna. Một nhóm chỉ tiêm 3 mũi khác cũng được tập hợp để đối chứng.
Kết quả cho thấy bất kể nhãn hiệu vaccine là gì, liều thứ tư có nâng cao mức độ kháng thể trung hòa của người được tiêm nhưng không đáng kể và không vượt qua mức quan sát được ngay sau liều thứ 3, cũng không kích hoạt được tế bào T thêm nữa như kỳ vọng trước đó.
Vào cuối tháng 1-2022, có 52 người tiêm 4 mũi trong cuộc thử nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; ở nhóm tiêm 3 mũi là 73 người. Cho dù tiêm 3 hay 4 mũi thì hầu hết họ đều bệnh nhẹ, không ai phát triển triệu chứng Covid-19 nghiêm trọng.
Tuy nhiên, theo Medical Xpress, nhóm nghiên cứu cũng lưu ý một số người cao tuổi hoặc mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch (ví dụ bệnh nhân HIV) có thể sẽ cần đến liều thứ tư khi có làn sóng dịch bệnh gia tăng đột biến ở khu vực. Bởi lẽ, với nhóm này, khả năng bảo vệ của các liều vaccine sẽ không được như người khỏe mạnh.
Tại Việt Nam, mũi tiêm thứ 3 ở nhóm người bị suy giảm miễn dịch cũng được coi như liều bổ sung cho 2 mũi tiêm trước, không được coi là mũi tăng cường như nhóm dân số khỏe mạnh.
Trước đó, nghiên cứu của Đại học Y khoa Washington ở St. Louis - Mỹ cũng cho rằng nếu đã tiêm vaccine Covid-19 đủ mũi, không nên quá lo lắng khi thấy số lượng kháng thể giảm dần theo thời gian. Bởi lẽ, tuy chúng giảm về số lượng nhưng lại tăng về chất lượng, chiến đấu mạnh mẽ hơn và nhắm mục tiêu chính xác hơn vào mầm bệnh.
Nghiên cứu cho thấy sau 6 tháng kể từ liều tiêm vaccine cuối cùng, nhóm tình nguyện viên vẫn tiếp tục cải thiện chất lượng kháng thể của mình tốt hơn, tạo ra một dạng miễn dịch bền vững.
Israel đã bắt đầu tiêm liều thứ tư vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer cho những người trên 60 tuổi từ đầu tháng 1-2022. Dù có số ca mắc COVID-19 tăng mạnh khi biến thể Omicron bùng lên, Israel không có ca tử vong nào do biến thể mới.
Nghiên cứu của Israel cho kết quả tương đồng với các nghiên cứu trước đó ở Mỹ, Đức, Nam Phi và Anh, đều cho thấy các loại vắc hiện nay kém hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron, nhưng liều tiêm bổ sung có thể giúp tăng đáng kể khả năng này.
Trước đó, một nghiên cứu sơ bộ từ Trung tâm Y học Sheba của Israel cho rằng liều vắc xin thứ tư giúp tăng kháng thể nhưng có thể không đủ để chống lại biến thể Omicron. Kết quả dựa trên nghiên cứu các nhân viên y tế đã tiêm liều thứ tư bằng vắc xin của Pfizer và Moderna.
"Chúng tôi phát hiện sau khi tiêm mũi thứ tư hai tuần, vắc xin Pfizer làm tăng lượng kháng thể và kháng thể trung hòa. Nó cao hơn một chút so với sau khi tiêm liều thứ ba. Tuy nhiên, có lẽ như vậy chưa đủ để chống lại Omicron", ông Gili Regev-Yochay, giám đốc Đơn vị Ngăn ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y học Sheba, nói.
Những điều cần lưu ý sau khi tiêm chủng:
* Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
* Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ. Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin.
* Nếu thấy sưng, đỏ, đau, mỏi, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
* Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có sốt dưới 38,5 độ C thì cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại nhiệt độ sau 30 phút. Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên cần sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế, nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Nguyễn Linh (T/h)