Thứ tư, 15/01/2025 11:21 (GMT+7)
Thứ ba, 23/07/2024 11:50 (GMT+7)

Nhớ lắm vị lãnh đạo bình dị, trọn đời vì nước vì dân

Theo dõi KTMT trên

Dẫu biết rằng sinh lão bệnh tử không thể tránh khỏi nhưng lòng dân sao mà buồn đến thế! Tâm trạng hụt hẫng, bâng khuâng cùng những giọt nước mắt đã rơi khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần.

Thời tiết Thủ đô những ngày này liên tục có những cơn mưa tầm tã, nặng hạt, như những giọt nước mắt nhớ thương của nhân dân Thủ đô và cả nước tuôn trào, bày tỏ sự kính trọng, tiếc thương về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một con người mẫu mực, tận tâm, tận hiến vì Đảng, vì nước, vì dân.

Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII nghẹn ngào chia sẻ: "Tôi thực sự bàng hoàng và hụt hẫng khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất, dù biết rằng sinh, lão, bệnh, tử không từ một ai trong cõi nhân sinh".

Nhớ lắm vị lãnh đạo bình dị, trọn đời vì nước vì dân - Ảnh 1
PGS.TS Bùi Thị An, Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo liêm khiết, trong sạch, trách nhiệm với dân, với nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. (Ảnh: VGP/KL)

Khi đương thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn được nhắc đến là nhà lãnh đạo liêm khiết, trong sạch, dồn hết tâm huyết và trách nhiệm với dân, với nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cầm cờ, người kiên quyết nói là làm, làm đến cùng. Đặc biệt trong công tác xây dựng và phát triển Đảng, Tổng Bí thư luôn cố gắng củng cố các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên…

Nhờ vậy, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã loại bỏ được nhiều đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức, lấy lại niềm tin của nhân dân.

Đối với những nhà trí thức, khoa học, PGS. TS Bùi Thị An cho biết, trong hơn 2 nhiệm kỳ qua, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị quyết 27-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW. Nghị quyết đã tạo ra nền tảng để đội ngũ trí thức Việt Nam có thêm cơ hội cống hiến hết mình cho đất nước phát triển bền vững.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong là người quy tụ được lòng dân. Trong công việc đồng chí rất tận tụy, quan tâm, rất nguyên tắc, dân chủ và nhân văn. Trong cuộc sống, đồng chí là con người thực sự đời thường, thực sự bình dị, khiêm tốn, lắng nghe khi tiếp xúc với nhân dân, bạn bè…", PGS. TS Bùi Thị An chia sẻ.

Nghe tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Nguyễn Văn Thúy, Phó Bí thư Chi bộ - Tổ trưởng Tổ dân phố số 10 (phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội) chia sẻ: Tôi thực sự rất đau buồn và thương tiếc. Một người lãnh đạo mẫu mực, một nhân cách lớn mà chúng tôi rất trân trọng, yêu mến. 

Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – chúng tôi vẫn gọi một từ rất thân thiện là "anh Trọng", bởi vì đồng chí là nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên là người làm báo chí. Với nhân dân, đồng chí cũng giống như người ông, người cha thân yêu... Bởi vậy mà khi nghe tin này, nhiều người không tin rằng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi.

Ấn tượng sâu sắc nhất trong tôi là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất gần gũi với nhân dân. Tình cảm của đồng chí với mọi người dân Việt Nam, mọi tầng lớp nhân dân đều nhận thấy rõ. Đối với nhân dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, các gia đình khó khăn, gia đình thương bệnh binh, đồng chí luôn dành tình cảm đặc biệt quan tâm, thể hiện đúng là người cha mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tôi không thể quên được trong một hội nghị, đồng chí Nguyễn Phú Trọng - khi đó là Chủ tịch Quốc hội bước vào phòng, đồng chí không lên trên luôn mà rẽ phải và đi xuống tận cuối cùng phòng, chỗ ngồi của một số cán bộ trẻ, mới được tuyển vào cơ quan và dành thời gian trò chuyện với các bạn trẻ đó… Qua những việc làm của đồng chí trong thực tiễn, tôi luôn cảm nhận Tổng Bí thư là một vị lãnh đạo khiêm tốn, giản dị và chân thành, gần gũi…

Về công tác phòng, chống tham nhũng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người có tầm chiến lược, đủ tín nhiệm, đủ khả năng để điều hành việc phòng, chống tham nhũng.

Đảng viên Chi bộ 10 phần lớn là cán bộ trung, cao cấp ở các cơ quan Trung ương. Khi nghĩ về đồng chí Tổng Bí thư, đều có cảm nhận rằng: "Hãy nghe đồng chí nói thế nào và hãy cố gắng nhìn kỹ những việc đồng chí đã thực hiện. Hai điều đó đã thuyết phục và hướng các đồng chí đảng viên học tập, noi theo".

Trong buổi sinh hoạt chi bộ, Chi bộ 10 cũng đã giới thiệu cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" tới hơn 100 đảng viên. Qua đó, thấy rõ tâm huyết, trăn trở, hành động quyết liệt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tích cực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hết lòng, hết sức phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân…

Nhớ lắm vị lãnh đạo bình dị, trọn đời vì nước vì dân - Ảnh 2
Ông Cao Xuân Minh (nguyên Thượng tá Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam- Bộ Quốc phòng). (Ảnh: VGP/TT)

Ông Cao Xuân Minh (nguyên Thượng tá Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng) xúc động bày tỏ: Chiều ngày 19/7, trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- nhà lãnh đạo tài ba, trí tuệ, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam đã ngừng đập!... Ngoài trời mưa tầm tã, hàng triệu người dân cúi đầu rơi lệ. Sự ra đi của Tổng Bí thư là một tổn thất vô cùng to lớn cho đất nước và nhân dân ta.

"Khi tôi nghe thấy các kênh thông tin truyền thông, thông báo về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, tôi rất bàng hoàng, buồn bã… Mới ngày nào còn nhìn thấy đồng chí khỏe mạnh, tiếp đón các đoàn khách quốc tế, chỉ đạo hội nghị, đưa ra các quyết sách chiến lược... Vậy mà, một vì sao sáng đã vụt tắt", ông Minh nghẹn ngào chia sẻ.

Khi còn đương thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều quyết sách cũng như những câu nói thể hiện rõ tư tưởng cách mạng của một người chiến sĩ cộng sản và của một nhân cách lớn. Tổng Bí thư chính là "Vì sao sáng, là tấm đá hoa cương" cho các thế hệ Việt Nam học tập và noi theo.

Không chỉ mưu lược, trí tuệ cùng nhiều cống hiến, thành tựu, đóng góp cho sự nghiệp phát triển hưng thịnh của đất nước trong thời đại mới mà Tổng Bí thư còn rất gần gũi, thân thiện với nhân dân, được nhân dân vô cùng tin yêu và ủng hộ.

Là một giảng viên, TS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trưởng khoa kiến thức cơ bản, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội xúc động chia sẻ: Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một cảm xúc dâng trào trong tôi. Đó là sự hụt hẫng, nỗi buồn nặng trĩu trong tâm.

Không chỉ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, Tổng Bí thư còn là một nhà văn hoá, tư tưởng lỗi lạc, một nhân cách văn hoá lớn, luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá. Những tác phẩm mà Tổng Bí thư để lại là kho tàng tri thức của dân tộc, thể hiện sự am hiểu sâu sắc, tư duy chiến lược, toàn diện của Tổng Bí thư trước những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Qua nhiều kênh truyền thông báo chí khác nhau, tôi luôn dõi theo những hoạt động của Tổng Bí thư và luôn luôn trân trọng những điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm cho đất nước.

Tôi luôn nhận thấy rất rõ những mong muốn mà Tổng Bí thư muốn đạt được là "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng; dân chủ; văn minh". Thực tế cho thấy Tổng Bí thư là người coi trọng dân, đặt lợi ích của dân, của đất nước lên trên hết; đồng chí đã làm được rất nhiều việc dân cần, dân mong mỏi…

Nhớ lắm vị lãnh đạo bình dị, trọn đời vì nước vì dân - Ảnh 3
Ông Nguyễn Văn Gạo, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ 18 (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy). (Ảnh: VGP/TT)

Ngậm ngùi khi hay tin về sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nguyễn Văn Gạo, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận tổ 18 (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cho biết, cảm thấy vô cùng đau buồn dù trước đó, tôi và bà con trong tổ dân phố cũng như nhiều người dân khác đã nghe về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư và biết "sinh, lão, bệnh, tử" là quy luật của cuộc đời mỗi người phải trải qua, nhưng khi nghe thông báo về sự ra đi của Tổng Bí thư, tôi không thể nào kìm nén được nỗi đau buồn.

Đó là sự mất mát lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân… Sự ra đi ấy đã để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với người dân Việt Nam! Từ nay non sông đất nước đã mất đi một chiến sĩ cộng sản kiên trung, hết lòng vì dân vì nước.

Chúng ta, những người ở lại, sẽ luôn dõi theo hình bóng của Tổng Bí thư để sửa mình, răn mình, cống hiến và làm việc hết mình để phụng sự cho Tổ quốc thân yêu.

Dù Tổng Bí thư đã ra đi, nhưng tinh thần, sự nghiệp của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục là niềm tin, động lực để mỗi người dân nguyện noi theo, đóng góp sức mình cho sự phát triển đất nước mãi phồn vinh.

Nhớ lắm vị lãnh đạo bình dị, trọn đời vì nước vì dân - Ảnh 4
Nhà văn Nguyễn Vũ Quỳnh (TP.HCM).

Theo nhà văn Nguyễn Vũ Quỳnh (TPHCM), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương tiêu biểu cho việc học tập tu dưỡng và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Từ một học sinh nghèo ở ngoại thành Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn chăm chỉ học tập vượt khó đi lên, được tuyển chọn vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 22 tuổi khi còn trên ghế giảng đường đã được kết nạp vào Đảng. Đây là điều rất hiếm có thời ấy, bởi sinh viên được kết nạp Đảng cũng như chiến sĩ được kết nạp tại mặt trận, phải có thành tích xuất sắc.

"Ở góc độ cá nhân, điều tôi nhận thấy rõ nhất ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là trong suốt 13 năm giữ cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, ông luôn giữ vững được sự đoàn kết thống nhất ý chí trong Đảng. Trước tình hình quốc tế có nhiều biến động, chiến tranh ở nhiều nơi, kinh tế thế giới khó khăn, đại dịch COVID-19…, ông cùng với Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề ra được những đường lối, chủ trương, nghị quyết trong xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và bảo vệ Tổ quốc đúng đắn qua các kỳ đại hội Đảng, đưa đất nước vượt qua khó khăn, giữ vững được sự ổn định về mọi mặt, phát triển kinh tế bền vững ở mức cao được cả thế giới nhìn nhận", nhà văn Nguyễn Vũ Quỳnh bày tỏ.

Công cuộc phòng chống tham nhũng, đẩy lùi cái xấu, tiêu cực trong Đảng, làm trong sạch bộ máy của Đảng mà Tổng Bí thư là người đứng đầu với phương châm: Đánh chuột không làm vỡ bình; ai không làm đứng ra một bên cho người khác làm; chống tham nhũng tiêu cực không có vùng cấm, bất kể người đó là ai…, được nhân dân đồng lòng ủng hộ, tạo dựng được niềm tin của nhân dân với Đảng.

Một ấn tượng nữa của nhà văn Nguyễn Vũ Quỳnh đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - đó là phương châm phát triển văn hóa, với quan điểm: Văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất; phát triển kinh tế xã hội phải song song với phát triển văn hóa, nâng tầm văn hóa đi lên, không để văn hóa thụt lùi, ảnh hưởng đến giá trị văn hóa con người Việt Nam.

Nhớ lắm vị lãnh đạo bình dị, trọn đời vì nước vì dân - Ảnh 5
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm.

Từ góc độ văn hóa, theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, sức mạnh truyền thống của Việt Nam là sức mạnh về văn hóa. Từ xưa đến nay, những người làm nên lịch sử đều là những nhà văn hóa hoặc những người biết sử dụng sức mạnh của văn hóa. Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh… đều là những người như thế.

Là một chính khách xuất thân từ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thổi luồng gió văn hóa vào công cuộc đổi mới để phát huy những thành tựu của cách mạng. Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (ngày 25/7/2018), Tổng Bí thư đã yêu cầu tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa nghệ thuật xứng tầm với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu cao tinh thần quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hay trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xây dựng và phát triển nền đối ngoại Việt Nam hiện đại mang đậm bản sắc dân tộc với trường phái "Ngoại giao cây tre Việt Nam".

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng, quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, ngành văn hóa hiện đang tích cực xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần đưa đất nước tiến đến xã hội hạnh phúc và phồn vinh, văn hóa và văn minh.

Nhớ lắm vị lãnh đạo bình dị, trọn đời vì nước vì dân - Ảnh 6
Tiến sĩ Hồ Bá Thâm.

Chia sẻ về những lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tiến sĩ Hồ Bá Thâm, Viện trưởng Viện Triết học lượng tử và Trí tuệ Việt, TPHCM cho biết: "Lần đầu tiên vào những năm 1973-1976, tôi là nghiên cứu sinh Triết học tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Thời đó anh Nguyễn Phú Trọng là nghiên cứu sinh kinh tế chính trị cùng khóa ấy. Cứ đến chiều, tôi và anh Trọng cùng đánh bóng chuyền ở sân trường. Sau này, có dịp anh còn nhắc lại.

Lần gặp thứ hai, khi tôi ở Kiên Giang (1983-1997), tôi là cộng tác viên cho Tạp chí Cộng sản mà anh Nguyễn Phú Trọng là Tổng Biên tập. Hôm tôi bảo vệ Luận án Phó Tiến sĩ Triết học, trong giờ nghỉ khi Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước họp, thì bất ngờ thấy anh Nguyễn Phú Trọng xuất hiện ở cửa phòng. Anh đến bắt tay và chúc mừng tôi. Anh mỉm cười nắm chặt tay tôi và nói: "Mong tân Phó Tiến sĩ Hồ Bá Thâm sẽ cộng tác tốt hơn với Tạp chí". Đó là phong cách thân thiện và thu phục nhân tâm của anh Nguyễn Phú Trọng mà sau này tôi càng hiểu sâu sắc hơn".

Với ông Hồ Bá Thâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận, nhà tư tưởng thức thời, cách tân trong lập trường vững chắc, sáng tạo, vươn lên ngang tầm thời đại; anh là con người gần gũi, bình dị mà sâu sắc, minh triết. Tính cách, đạo đức, phong cách của anh Nguyễn Phú Trọng rất gần gũi với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Bày tỏ tình cảm dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình, TPHCM Lê Thị Thu Trà, chia sẻ: Tổng Bí thư là người đứng đầu của cả dân tộc nhưng luôn giản dị, gần gũi. Những lời phát biểu của ông vừa gần gũi vừa chứa đựng những triết lý sống rất đời thường để ai cũng có thể hiểu và thực hành được.

Tổng Bí thư là người nghiên cứu kỹ về Chủ nghĩa Marx Lenin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với Bộ Chính trị đưa lý luận vào áp dụng phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam nên Việt Nam mới có được vai trò, vị thế như hiện nay.

Công cuộc "đốt lò" của Tổng Bí thư khiến bao người thức tỉnh, đem lại niềm tin cho người dân Việt. Gần đây, thế giới luôn dõi theo và quan tâm đến Việt Nam cũng do Việt Nam có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những quyết sách đúng đắn trong cả phương diện ngoại giao và việc giải quyết những vấn đề của đất nước một cách đúng đắn, hợp lòng dân.

Từ tấm gương của Tổng Bí thư, sẽ có rất nhiều cán bộ, đảng viên bản lĩnh, kiên định hơn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ta. Là một đảng viên, một báo cáo viên, tôi đã học hỏi được nhiều từ ông và sẽ tiếp tục nghiên cứu các tác phẩm của ông để học hỏi, noi gương ông và sống tốt hơn.

Bạn đang đọc bài viết Nhớ lắm vị lãnh đạo bình dị, trọn đời vì nước vì dân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ông Đặng Xuân Phong làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Bộ Chính trị điều động, chỉ định ông Đặng Xuân Phong - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tin mới