Thứ bảy, 23/11/2024 03:38 (GMT+7)
Thứ ba, 26/04/2022 08:24 (GMT+7)

Nhìn lại Kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Đánh giá Kinh tế Việt Nam thường niên 2021 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân lựa chọn chủ đề “Ổn định kinh tế vĩ mô và lành mạnh tài chính trong bối cảnh đại dịch Covid-19” nhằm mục tiêu tổng kết toàn diện kinh tế Việt Nam năm 2021.

Được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định

Nền kinh tế năm 2021 khó khăn rất nhiều so với năm 2020, đặc biệt là tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo Đảng, sự giám sát của Quốc hội và sự triển khai quyết liệt của Chính phủ, chúng ta đã nỗ lực duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực. Nền kinh tế tiếp tục được đánh giá là nền kinh tế phát triển ổn định với 7/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch theo Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Cụ thể:

- Tăng trưởng GDP đạt 2,58%, thấp hơn mức 2,91% của năm 2020 và cũng là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây. Quy mô nền kinh tế đạt 363 tỷ USD năm 2021, tăng so với năm 2020 (270,9USSD). GDP bình quân đầu người đạt 3.680 USD cao hơn năm 2020 (2.587 USD).

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80% (công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%); khu vực dịch vụ trong năm 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh dẫn đến chỉ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

Một số ngành dịch vụ quan trọng tăng trưởng âm như: bán buôn, bán lẻ, vận tải, kho bãi và dịch vụ lưu trú, ăn uống. Tuy nhiên, có một số ngành lại tăng, thậm chí là tăng cao như: ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,42%; ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng cao, đạt 42,75%.

Nhìn lại Kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu - Ảnh 1

Mặc dù trong bối cảnh giá cả xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa cơ bản… thế giới tăng cao nhưng các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, lạm phát vẫn được kiểm soát tốt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với năm 2020 tăng 1,84% (đây là năm thứ tư liên tiếp dưới 4% và là mức thấp nhất kể từ năm 2016). Có thể thấy rằng, lạm phát được kiểm soát sẽ tạo điều kiện để Chính phủ thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Nhìn lại Kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu - Ảnh 2

Năm 2021, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác đã được điều hành đồng bộ, hiệu quả bên cạnh việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đồng thời cũng đã góp phần giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng an toàn, điều chỉnh ổn định các mức lãi suất. Thị trường tiền tệ phát triển ổn định, chất lượng tín dụng được cải thiện, thanh khoản và an toàn hệ thống được bảo đảm.

Có được kết quả này là do Ngân hàng Nhà nước đã điều hành lãi suất phù hợp, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tính đến cuối tháng 12/2021, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,93% so với cuối năm 2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,44% và tăng trưởng tín dụng đạt 12,97%.

Thị trường ngoại hối năm 2021 luôn được điều hành linh hoạt đảm bảo vận hành thông suốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp, người dân, dù đồng đôla Mỹ trên thị trường thế giới tăng và do nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu tăng làm chỉ số giá đôla Mỹ tháng 12/2021 tăng 0,84% so với tháng 11/2021; giảm 0,58% so với tháng 12/2020, tuy nhiên, bình quân năm 2021 giảm 0,97% so với năm 2020.

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định và vẫn duy trì tăng trưởng khả quan tăng 15,6% so với năm 2020. Tính tới cuối năm 2021, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 710.002 tỷ đồng, tăng 23,86% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 577.069 tỷ đồng, tăng 22,24% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm năm 2021 ước đạt 455.606 tỷ đồng, tăng 24,89% so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, thị trường chứng khoán phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng cao trong năm 2021 đã lập được kỷ lục mới cả về điểm số lẫn thanh khoản và ngày càng chứng tỏ là kênh huy động vốn hiệu quả của doanh nghiệp, đưa thị trường chứng khoán Việt Nam lọt top 7 chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trên thế giới (tính đến ngày 31/12/2021, chỉ số VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng gần 35,73% so với cuối năm 2020) với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng gần 46% so với cuối năm 2020, đạt khoảng 7.729 nghìn tỷ đồng, tương đương với 122,8% GDP năm 2020.

Giá trị giao dịch bình quân cả năm tăng 258% so với năm 2020, đạt 26.564 tỷ đồng/phiên. Quy mô niêm yết của thị trường trái phiếu đạt 1.510 nghìn tỷ đồng (trong đó trái phiếu Chính phủ đạt 1.480 nghìn tỷ đồng, chiếm 98,3% toàn thị trường) tăng 8,9% so với cuối năm 2020; quy mô giao dịch tăng 10% so với 2020 với giá trị giao dịch bình quân một phiên là 11.250 tỷ đồng.

Nhìn lại Kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu - Ảnh 3

Trong hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN): thu NSNN đạt 1.365.530 tỷ đồng, đạt 101,7% so với dự toán; tổng chi NSNN ước đạt 1.709.200 tỷ đồng, đạt 101,3% với dự toán. Bội chi NSNN khoảng 343.670 tỷ đồng, ước đạt dưới 4%, giảm so với nghị quyết của Quốc hội (do việc quyết định cắt giảm các khoản vốn ODA bị giải ngân chậm). Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 16,1% GDP; thuế, phí đạt 13,2% GDP. Nợ công trong giới hạn cho phép trong khoảng 43,7% GDP (trong đó nợ Chính phủ khoảng 39,5% GDP; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 39,0% GDP).

Nhìn lại Kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu - Ảnh 4

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với 2020, tương đương 34,4% GDP (vốn khu vực nhà nước đạt 713,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng vốn và giảm 2,9% so với năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 1.720,2 nghìn tỷ đồng, bằng 59,5% và tăng 7,2%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 458,1 nghìn tỷ đồng, bằng 15,8% và giảm 1,1%). Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2017 nhưng có thể thấy rằng, đây vẫn được coi là kết quả khả quan trong bối cảnh của năm 2021.

Đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) ước đạt 37,13% tính cả giai đoạn 2016-2020 đạt 45,21%, cao hơn giai đoạn 2011-2015 là 33,6%.

Nhìn lại Kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu - Ảnh 5
Nhìn lại Kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu - Ảnh 6

Một số khó khăn, hạn chế

Có thể nói, năm 2021 là một năm Việt Nam phải đương đầu với nhiều khó khăn và chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng toàn cầu, cả về kinh tế, xã hội và nhất là trong lĩnh vực y tế.

Mặc dù vậy, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân, chúng ta cũng đã dần thích ứng, từng bước đưa nền kinh tế vượt khó khăn và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu không đạt như Nghị quyết số 124/2020/QH14 ngày 11/11/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Nghị quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ đề ra. Điều này được thể hiện qua một số vấn đề, tồn tại, hạn chế sau:

Một là, năm 2021, do đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát và tác động lớn đến các địa bàn trọng điểm, trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn của cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và khiến cho kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro, nền tảng vĩ mô chưa thực sự vững chắc, nền kinh tế có độ mở cao và phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu, dịch bệnh gây đứt gãy nguồn cung khiến việc kiểm soát lạm phát trong nước tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức.

Hai là, tăng trưởng kinh tế đạt thấp hơn so với mục tiêu Quốc hội giao cũng như thấp hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ: tăng trưởng kinh tế và phát triển các ngành, lĩnh vực, nhất là khu vực công nghiệp, dịch vụ, gặp rất nhiều khó khăn; cơ cấu kinh tế chuyến dịch chậm, chưa đạt yêu cầu; chất lượng tăng trưởng của các khu vực còn hạn chế; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp không đạt mục tiêu đề ra làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch 2021 - 2025.

Ba là, xuất khẩu giảm tốc thấp hơn nhiều so với năm 2020, trong khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh và chủ yếu do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, máy móc, thiết bị. Cả đầu vào và đầu ra của chế biến, chế tạo đều phụ thuộc vào nước ngoài, hàm lượng giá trị gia tăng chủ yếu thuộc về khu vực đầu tư nước ngoài.

Bốn là, thị trường vốn và thị trường tiền tệ phát triển chưa cân đối, tỷ lệ tín dụng so với GDP ở mức cao, vốn trung, dài hạn của nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào hệ thống ngân hàng. Dòng vốn có xu hướng tập trung vào các hoạt động đầu cơ, tích trữ như: bất động sản, chứng khoán, tiền số... dễ tạo ra rủi ro.

Năm là, năm 2021 là năm vô cùng đặc biệt do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp, nhất là đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Điều này làm lãng phí nguồn lực, đồng thời cũng làm tốc độ tăng trưởng kinh tế bị chậm lại.

Sáu là, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm và không đạt được theo kế hoạch đề ra (mới thoái vốn tại 16 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 1.652 tỷ đồng, thu về 4.356 tỷ đồng). Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả vẫn còn hạn chế.

Bảy là, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được khắc phục triệt để. Việc làm, đời sống người dân, người lao động bị ảnh hưởng rất nặng nề. Công tác an sinh xã hội có lúc, có nơi còn bất cập cùng với việc giãn cách kéo dài đã làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu.

Cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất cập và mất cân đối. Nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp vẫn xảy ra, số lao động thực hiện rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ hộ nghèo tuy ở mức thấp nhưng lại là đối tượng hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội và không có khả năng thoát nghèo. Cơ cấu đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường; chất lượng nguồn nhân lực (nhất là nhân lực chất lượng cao) chưa đáp ứng đủ yêu cầu phát triển và chưa sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp 4.0.

Các chính sách, các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội liên tục được ban hành và triển khai nhằm thực hiện công tác phòng, chống dịch cấp bách, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thực hiện công tác giảm nghèo. Điển hình là Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 cho phép Chính phủ quyết định một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để kịp thời áp dụng các biện pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau đó đã ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24/9/2021 về miễn, giảm thuế, phí, chi trực tiếp hỗ trợ các lao động, chủ sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất - kinh doanh; Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung dự phòng ngân sách trung ương từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của ngân sách trung ương năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Nhìn lại Kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới