Thứ sáu, 06/12/2024 05:30 (GMT+7)
Thứ hai, 08/08/2022 07:00 (GMT+7)

Nhiều vướng mắc khiến nhà ở xã hội luôn thiếu hụt

Theo dõi KTMT trên

Việc thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội có nhiều nguyên nhân, lợi nhuận bị khống chế, khó khăn khi tiếp cận các gói tín dụng cho vay ưu đãi để phát triển phân khúc nhà ở này khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà khi tham gia vào các dự án nhà ở xã hội.

7,8 triệu m2 nhà ở xã hội đã hoàn thiện

Cả nước mới hoàn thành 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội, chỉ đáp ứng hơn 40% chỉ tiêu đã đề ra. Hiện còn nhiều vướng mắc khiến nguồn cung này luôn thiếu hụt.

Sau 12 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, đến nay cả nước đã hoàn thành 7,8 triệu m2 nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động. Kết quả này mới đáp ứng khoảng 42% chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Lợi nhuận đầu tư thấp, trong khi khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi được cho là nguyên nhân dẫn tới thiếu hụt nguồn cung của phân khúc này.

Nhiều vướng mắc khiến nhà ở xã hội luôn thiếu hụt - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ ngần ngại đầu tư nhà ở xã hội vì xin dự án khó, pháp lý phức tạp mà lợi nhuận cũng không cao. (Ảnh: Quỳnh Danh).

Có thể nói, tại mô hình khu nhà ở xã hội trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội có 2 loại căn hộ để người mua lựa chọn là căn 54 m2 và 69 m2 với giá khoảng 8,5 triệu đồng cho 1 m2. Theo đánh giá chung, mô hình nhà ở giá rẻ với mức giá như vậy, cùng với sự đồng bộ theo tiêu chuẩn sẽ đảm bảo mọi nhu cầu sống cho người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên số lượng căn hộ như vậy hiện chỉ đáp ứng trên 40% nhu cầu đăng ký.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, nhà đầu tư Dự án nhà ở xã hội: "Để thu hút đầu tư cho nhà ở xã hội, chúng tôi mong có được quỹ đất sạch và hạ tầng xung quanh đồng bộ, để đảm bảo những cư dân sống tại những khu nhà đó được hưởng những công trình phúc lợi như những đô thị khác".

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nói: "Muốn phát triển nhà ở xã hội, giữ được phát triển lâu bền và nâng cao chất lượng sống thì việc thay đổi mấu chốt là cần có quỹ đất rộng hàng chục, thậm chí hàng trăm ha mới có thể giúp cho có được hạ tầng, hạ tầng đó sẽ giúp cho dự án có tuổi thọ lâu dài và làm quy mô lớn mới giúp tiết kiệm chi phí đầu tư".

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra khi thiếu hụt nguồn cung nhà ở xã hội với Nhiều ý kiến cho rằng, việc lợi nhuận bị khống chế và khó khăn khi tiếp cận các gói tín dụng cho vay ưu đãi để phát triển phân khúc nhà ở này đã khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà khi tham gia vào các dự án nhà ở xã hội.

"Khi tỷ suất lợi nhuận được hoạch toán là không quá 10%, rồi 20% quỹ nhà ở xã hội sau khi xây xong không được bán mà để cho thuê ít nhất trong 5 năm, sau đó mới được đưa vào bán hàng… đây là một trong những lý do khiến cho nhiều chủ đầu tư cảm thấy rằng hiệu quả về mặt tài chính không được cao", ông Nguyễn Minh Nguyên,nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội cho hay.

Nhằm giải quyết sự hạn chế này, nhiều giải pháp đã được tính tới, hướng tới mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 15 triệu m2 nhà ở xã hội vào năm 2025.

Ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho hay: "Hiện nay Bộ Xây dựng đang đề xuất với chính phủ 2 gói tín dụng đó là gói cho các đối tượng nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp, với gói tín dụng là 15.000 tỷ thông qua ngân hàng chính sách và các gói tín dụng cho chủ đầu tư đầu tư phát triển nhà ở xã hội được vay thông qua ngân hàng thương mại, nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại".

Theo mục tiêu phát triển nhà ở quốc gia tầm nhìn đến năm 2030, với trọng tâm là phát triển nhà ở xã hội hướng tới người nghèo, đến năm 2030 sẽ có ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp được hoàn thành.

Tháo gỡ vướng mắc phát triển nhà ở xã hội

Thị trường bất động sản vài tháng gần đây, đón nhận những chuyển biến lớn khi nhiều doanh nghiệp bất động sản có tên tuổi đã tuyên bố sẽ tham gia phát triển nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp. Đó là những căn hộ có giá chỉ từ 300 triệu tới trên dưới 1 tỷ đồng.

Cùng với các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, hay vay ngân hàng với lãi suất thấp, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội còn rất thuận lợi trong khâu bán hàng, có thể xây tới đâu bán hết tới đó. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện mục tiêu xây 15 triệu m2 nhà ở xã hội vào năm 2025 và 1 triệu căn hộ cho công nhân vào năm 2030.

Theo ghi nhận từ một số đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, giá bán căn hộ chung cư trong quý II tại Hà Nội bình quân là khoảng 49 triệu đồng/m2. Còn tại TP.HCM, con số này đã vọt lên ngưỡng 65 triệu đồng/m2. Vì vậy, thông tin một số doanh nghiệp lớn tham gia phát triển nhà ở xã hội đã khiến không ít người dân cảm thấy vui mừng.

"Tìm mua một căn chung cư ở Hà Nội giá thấp rất là khó, rất may là có nhà ở xã hội", chị T (Hà Nội) cho biết.

"Tìm mua chung cư ở nội đô tại Hà Nội với mức giá dưới 30 triệu đồng/m2 hiện rất khó tìm", anh B (Hà Nội) chia sẻ.

Theo tính toán của các chủ đầu tư, với chi phí hiện nay, một căn hộ nhà ở xã hội tại nội thành Hà Nội sẽ có giá khoảng 18 triệu đồng/m2. Còn ngoại thành là 12 triệu đồng /m2. Tuy nhiên, quá trình triển khai trong thực tế vẫn đang gặp một số vướng mắc.

Công ty Hòa Bình cho biết, rất mong mỏi được xây dựng nhà ở xã hội trên khu đất ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Đại diện doanh nghiệp cho rằng, các bước thủ tục thực hiện dự án cần được đẩy nhanh hơn nữa, để giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư.

Ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Công ty Hòa Bình cho hay: "Mong muốn chính quyền sẽ hưởng ứng và thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng để giải quyết các thủ tục cấp phép chủ trương đầu tư cho dự án nhanh nhất".

Nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra quan điểm thủ tục pháp lý đang là vướng mắc lớn nhất đối với nhà ở xã hội. Thông thường, riêng việc làm thủ tục đã mất từ 2-3 năm, thậm chí gặp khó khăn hơn cả so với làm nhà ở thương mại. Sau đó lại mất thêm khoảng 2 năm nữa để xây dựng. Như vậy, trung bình một dự án nhà ở xã hội phải mất tới 5 năm mới hoàn thành.

Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản G6 nói: "Riêng thủ tục pháp lý 2-3 năm, mà định biên lợi nhuận có 10%, không cẩn thận là lỗ vốn".

Hiện nay đang có 2 chính sách lớn về vốn để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội: Thứ nhất là gói 15.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà; Thứ hai là các doanh nghiệp được hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, đại diện Bộ Xây dựng cho hay

Mặt khác, theo các doanh nghiệp, việc giải ngân gói vay ưu đãi cần phải được đẩy nhanh và tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận, để người thu nhập thấp sớm có nhà ở.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc mới đây cho rằng: "Phải xem xét quy định liên quan 20% diện tích trong khu đô thị, khu nhà ở thương mại cho triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, việc phát triển triển nhà ở xã hội ở nước ta cần nghiên cứu, học tập và áp dụng các mô hình phát triển tại một số nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam đã làm hiệu quả”.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Nhiều vướng mắc khiến nhà ở xã hội luôn thiếu hụt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới