Nhiều tỉnh, thành có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
Hiện nguồn nước trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. 44/55 tỉnh có xã thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt.
Người dân Tiền Giang xếp hàng chờ nhận nguồn nước ngọt miễn phí. (Ảnh: Người lao động) |
Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, hiện nguồn nước trên các sông ở nước ta đã và đang tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Cụ thể, tình hình dòng chảy tháng 3/2020 trên sông Đà lớn hơn trung bình nhiều năm (TBNN )13%; trên sông Thao tại Yên Bái thấp hơn TBNN 35%, trên sông Lô tại Tuyên Quang thấp hơn TBNN 82%; hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội ở mức xấp xỉ TBNN. Tổng lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn TBNN cùng kỳ từ 15-65%, riêng sông Cả tại Yên Thượng thấp hơn khoảng 75%, sông Cái Phan Rang tại Tân Mỹ thấp hơn 93%, sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt cao hơn khoảng 14%.
Về hiện trạng nguồn nước và việc vận hành các hồ chứa, trong 11 lưu vực sông thì các lưu vực sông Hồng, Kôn-Hà Thanh, Sê San và Sông Đồng Nai, nguồn nước các hồ chứa cơ bản còn đủ để điều tiết đến hết mùa cạn.
Hiện nay, có 6/11 lưu vực sông về tổng thể còn thiếu nước gồm: Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Ba. Tuy nhiên, chỉ có lưu vực sông Mã là lưu vực mà các hồ chứa đang thiếu lượng nước đáng kể (khoảng 313,7 triệu m3), trong đó hồ Cửa Đạt chỉ còn lại 19% dung tích hữu ích (thiếu khoảng 252 triệu m3), mực nước hồ Trung Sơn đang dưới mực nước chết. Trong các lưu vực sông còn lại thì hiện nay có lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang có mức độ căng thẳng cao do tình trạng xâm nhập mặn ở sông Cầu Đỏ đang diễn biến phức tạp.
Thống kê của Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ TN&MT cho thấy, trên cả nước hiện có 4.416 công trình cấp nước sinh hoạt (1.390 công trình cấp nước mặt; và 2.967 công trình cấp nước ngầm). Tổng lưu lượng khai thác theo thiết kế khoảng 10,9 triệu m3/ngày. Tổng lưu lượng khai thác thực tế đạt 8,3 triệu m3/ngày (đạt 76%). Trong đó, nguồn nước mặt chiếm 87% tổng lượng nước khai thác (ứng với 7,4 triệu m3/ngày).
Về tình hình thiếu nước hoặc nguy cơ thiếu nước cấp cho sinh hoạt, hiện có 44/55 tỉnh có xã thiếu nước hoặc có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, trong đó có khoảng 1.059 xã đang trong tình trạng thiếu nước và có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới (chiếm 10% tổng số xã trên cả nước). Nguyên nhân chủ yếu là không có công trình lấy nước tập trung (các xã ở vùng núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên); nguồn nước bị nhiễm mặn tại các tỉnh ven biển và tình hình xâm nhập mặn trên diện rộng tại ĐBSCL.
Về cơ bản, các nhà máy nước lớn, quan trọng trên phạm vi cả nước vẫn khai thác, sử dụng nước bình thường để cấp cho các mục đích, trong đó có mục đích sinh hoạt, kể cả các nhà máy nước ở khu vực đang bị nhiễm mặn như Tiền Giang (Nhà máy nước Đồng Tâm) vẫn khai thác bình thường; nhiều nhà máy vẫn chưa khai thác hết công suất thiết kế. Tuy nhiên, còn có một số nhà máy nước lớn trong thời gian qua gặp khó khăn trong việc khai thác nước như: Nhà máy nước Sông Đà, Nhà máy nước Cầu Đỏ, Nhà máy nước mặt Võ Cạnh (Khánh Hòa) ....
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tình trạng thiếu nước, hạn hán vẫn tiếp tục ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam thời gian tới. Miền Trung và Tây Nguyên có thể đối mặt mùa khô hạn, xâm nhập mặn kỷ lục. Từ tháng 5 đến tháng 8, tình trạng khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung bộ ở mức tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019, đặc biệt ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt sẽ xảy ra ở ngoài vùng có công trình cấp nước.
Mai Anh