Giữa hạn mặn khốc liệt, người dân Bến Tre nhận nguồn nước ngọt miễn phí
Ngay sau khi trạm cấp nước ngọt miễn phí được bàn giao, hàng trăm người dân xã An Khánh, huyện Châu Thành, đã mang can, thùng đến lấy nguồn nước về sử dụng.
Người dân xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đến nhận nguồn nước ngọt miễn phí. |
Hạn hán và xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 đang gây nhiều thiệt hại tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bến Tre là một trong 5 tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp về hạn, mặn. Trong khi đó, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó khăn như chồng chất khó khăn đối với mỗi người dân nơi đây.
Để kịp thời hỗ trợ đồng bào giảm bớt khó khăn, mới đây Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (QH&ĐTTNNQG) đã bàn giao cho Sở TN&MT tỉnh Bến Tre và UBND huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre điểm cung cấp nguồn nước ngọt miễn phí phục vụ nhân dân trong mùa khô năm 2020.
Được biết, chỉ trong hai ngày (3 và 4/4/2020), Trung tâm QH&ĐTTNNQG đã nỗ lực tiến hành lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống khai dẫn có khả năng cung cấp nước với lưu lượng 300m3/ngày và đã cung cấp ngay cho người dân trong xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Theo kết quả điều tra, đánh giá của các chuyên gia, vùng Châu Thành, tỉnh Bến Tre có 7 tầng chứa nước ở các độ sâu khác nhau từ 20 đến 450m, trong đó lượng nước nhạt chủ yếu tập ở 03 tầng chứa chính (Pliocen giữa, Pliocen dưới và Miocen) ở độ sâu từ 300 đến 450m với tổng trữ lượng tiềm năng nước nhạt khoảng 70.000m3/ngày, trong đó trữ lượng có thể khai thác khoảng 6.000m3/ngày.
Nguồn nước được lựa chọn để triển khai lắp đặt Điểm cấp nước ở xã An Khánh từ 3 giếng khoan của các tầng chứa nước (Pliocen giữa, Pliocen dưới và Miocen) ở các độ sâu từ 300 đến 450m, có chất lượng nước tốt đảm bảo đủ điều kiện cấp cho ăn uống sinh hoạt, lưu lượng có khả năng khai thác của các giếng khoan hiện hữu đạt 300m3/ngày.
Sau khi nước được khai thác lên từ giếng khoan ở độ sâu từ 300 - 450m từ các tầng chứa nước dưới lòng đất, nguồn nước được đưa vào bồn lắng rồi qua hệ thống cột lọc xử lý ngược đảm bảo đáp ứng các chỉ tiêu chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước ăn uống, sinh hoạt theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Nước sau khi được xử lý vẫn còn nóng trên 35 độ, nước có hàm lượng khoáng chất, rất tốt cho sức khỏe.
Niềm vui của bà con khi có nước ngọt. (Ảnh: Báo TN&MT) |
Ngay sau khi trạm cấp nước ngọt miễn phí được bàn giao, hàng trăm người dân xã An Khánh, huyện Châu Thành, đã mang can, thùng đến lấy nguồn nước về sử dụng.
Đây là địa phương bị nước mặn xâm nhập cao độ. Người dân phải mua nước sinh hoạt, ăn uống được vận chuyển đến nhưng chi phí đắt đỏ. Vì thế, việc có được nguồn nước ngọt miễn phí này đã khiến người dân nơi đây rất vui mừng, “giải cơn khát” nước ngọt mùa hạn mặn.
Theo kế hoạch, riêng xã An Khánh mỗi ngày trung bình người dân trong xã cần lấy khoảng 70 ngàn lít nước từ nguồn nước này, cung cấp cho khoảng 1.200 người dân trong xã.
Trong những ngày tới, Trung tâm QH&ĐTTNNQG sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền huyện Châu Thành và các đơn vị liên quan để thông báo cho các xã lân cận, lực lượng công an, quân đội, dân quân sử dụng các xe bồn lớn với công suất từ 5-10m3 để chuyên chở phân phối cho nhân dân các xã lân cận, sử dụng hiệu quả nguồn nước quý giá nhằm phó khẩn cấp tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng trên địa bàn.
Được biết đây là một hoạt động thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về việc hỗ trợ giải quyết nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về lâu dài, Trung tâm QH&ĐTTNNQG và chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre sẽ phối hợp để xây dựng các giải pháp quan trắc, giám sát và bảo vệ nguồn nước dưới đất quý giá này như một nguồn tài nguyên chiến lược cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, sắp tới Trung tâm sẽ triển khai đồng thời 4 điểm nữa trên địa bàn các tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu.
Mai Anh