Nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường trái phiếu xanh
Từ sau năm 2020 đến nay, số lượng các tổ chức đầu tư vào lĩnh vực xanh tăng nhanh. Đáng chú ý có tới 88% các tổ chức được khảo sát quan tâm tài trợ cho các dự án liên quan đến năng lượng xanh tại Việt Nam.
Cần có tiêu chí môi trường với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất tiêu chí môi trường đối với dự án hoặc hạng mục của dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh như sau:
Tiêu chí môi trường bao gồm: Tiêu chí sàng lọc, tiêu chí ngưỡng và chỉ tiêu và yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác.
Dự thảo cũng nêu rõ yêu cầu không gây hại đáng kể đến các mục tiêu môi trường khác gồm: a- Phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch tỉnh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường địa phương (nếu có); b- Tuân thủ yêu cầu về đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và các yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; c- Phù hợp với hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường áp dụng danh mục phân loại xanh đối với một số dự án hoặc hạng mục dự án đặc thù (nếu có).
Việc xác định dự án hoặc hạng mục của dự án thuộc danh mục phân loại xanh được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh nhưng không có nhu cầu xác nhận dự án hoặc hạng mục của dự án thuộc danh mục phân loại xanh để được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, chủ thể phát hành trái phiếu xanh có trách nhiệm xem xét, xác định để cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo quy định.
Về việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 2 phương án: Phương án 1 - xác nhận thông qua tổ chức đánh giá độc lập; phương án 2 - xác nhận bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Mở lối cho trái phiếu xanh
Dẫn kết quả một khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, số lượng các tổ chức đầu tư vào lĩnh vực xanh từ sau năm 2020 đến nay tăng nhanh. Đáng chú ý có tới 88% các tổ chức được khảo sát quan tâm tài trợ cho các dự án liên quan đến năng lượng xanh tại Việt Nam.
Lý do khiến các tổ chức quyết định tài trợ cho Việt Nam là mong muốn đóng góp cho các vấn đề về môi trường của Việt Nam. Qua đó nâng cao thương hiệu của tổ chức và mở rộng kế hoạch kinh doanh.
Các hình thức tài trợ khá đa dạng như cho vay trực tiếp và hợp vốn, bảo lãnh, góp vốn, mua trái phiếu, tư vấn, hỗ trợ đào tạo, tài trợ gián tiếp qua các TCTD…
Thực tế những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cũng đã có bước đi tích cực trong tiến trình từng bước xanh hóa hệ thống ngân hàng cũng như xanh hóa thị trường vốn.
Đặc biệt về trái phiếu xanh, Bộ Tài chính đã đưa ra các tiêu chí về phát hành loại trái phiếu này của các doanh nghiệp dựa trên bộ tiêu chí chung trái phiếu xanh của các nước ASEAN, ban hành sổ tay về phát hành trái phiếu xanh, ban hành bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt nhất (ESG), đối với các doanh nghiệp niêm yết, hai sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã áp dụng thí điểm chỉ số Index xanh với một số cổ phiếu.
Tuy nhiên theo chuyên gia, bức tranh tổng thể về thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam hiện đang ở dạng sơ khai, chưa phát triển, quy mô, loại hình và nền tảng cung, cầu trái phiếu xanh đều chưa chắc chắn. Hệ thống pháp lý cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu xanh còn mỏng, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.
“Chính sách hiện tại chưa đạt được đích nhắm là mở đường, dẫn dắt và thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển”, vị này cho biết.
Chính vì vậy, để có thể phát huy được tiềm năng của thị trường trái phiếu xanh, giới chuyên môn cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tập trung vào các tiêu chuẩn về sản phẩm xanh, tiêu chuẩn công bố thông tin và tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng xanh cho các tổ chức tài chính.
Đồng thời, phát triển cơ sở hạ tầng và định chế trung gian của thị trường theo hướng hiện đại, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; thúc đẩy đầu tư, giao dịch trái phiếu xanh dựa trên phát triển cơ sở nhà đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài.
Việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế, phí cho phát hành và đầu tư trái phiếu xanh như, miễn giảm thuế liên quan đến lợi tức thu được từ đầu tư trái phiếu xanh cũng được coi là giải pháp thúc đẩy hiệu quả. Cùng với đó là hoàn thiện cơ chế minh bạch thông tin liên quan đến phát hành và giải ngân nguồn vốn từ phát hành trái phiếu xanh.
Trong7/2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận lô trái phiếu xanh đầu tiên được phát hành tại thị trường Việt Nam của EVNFinance. Số tiền thu về dự kiến sử dụng để tài trợ các dự án đạt điều kiện nêu trong Khung Trái phiếu xanh của EVNFinance, dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu xanh của Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA).
FiinRatings đánh giá đây là cú hích lớn đối với thị trường trái phiếu xanh, vốn còn khiêm tốn và mới mẻ. Sự kiện này cũng mở ra tương lai phát triển bền vững của ngành Năng lượng tái tạo của Việt Nam. Quan trọng hơn, việc EVNFinance đi đầu huy động trái phiếu xanh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tìm đến kênh vốn này nhiều hơn, đảm bảo nguồn vốn cần thiết để thực hiện các dự án hướng tới cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Theo nhận định của các chuyên gia FiinRatings, trong thời gian tới, hoạt động trái phiếu xanh sẽ phát triển mạnh, cùng với đó là nhu cầu xác nhận các lô trái phiếu theo tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để có thể đảm bảo việc sử dụng vốn cho các mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện FiinRatings, với vai trò là đơn vị được ủy quyền xác nhận, cũng đang làm việc với một số doanh nghiệp nhằm hỗ trợ họ nhận chứng chỉ trái phiếu xanh theo chuẩn quốc tế của Tổ chức Trái phiếu Khí hậu (CBI) nhằm hướng tới nguồn vốn dài hạn từ các tổ chức quốc tế với chi phí vốn hợp lý.
Hà Lan