Nhiều ngày sau sự cố vỡ hồ chứa chất thải, Công ty Đại Nam chưa hoàn thiện công tác khắc phục
Sau sự cố, vị trí tường đê bao quanh hồ chứa chất thải bị vỡ đã được Công ty Đại Nam đắp trở lại, tuy nhiên lượng chất thải chảy tràn ra môi trường vẫn chưa được bơm hút trở lại để xử lý như yêu cầu.
Ngày 03/11, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có mặt tại khu vực hồ chứa chất thải của Công ty TNHH Sản Xuất Thương mại Đại Nam (Công ty Đại Nam) bị vỡ vào chiều 28/10. Theo ghi nhận, toàn bộ lượng chất thải trong hồ chứa rộng hàng ngàn m2 theo khu vực tường bao vỡ đã bị chảy tràn ra ngoài môi trường.
Theo quan sát, đoạn tường đê bao (bờ đất và tường gạch bê tông) bị vỡ dài hàng chục mét đã được Công ty Đại Nam khắc phục, đắp gia cố lại. Đáy hồ chứa chất thải của Công ty Đại Nam phần lớn diện tích đã trơ đáy và chỉ còn bùn thải đặc phía dưới.
Từ trên cao có thể quan sát thấy lượng chất thải chảy ra môi trường có màu đen. Xuôi theo địa hình, một lượng chất thải đã chảy vào mương nắn suối (theo dòng chảy, tiếp tục chảy ra suối Giao Kèo), lượng chất thải còn lại đang dần thấm xuống đất.
Tiếp cận gần với khu vực chất thải bị tràn, Phóng viên cảm nhận được mùi hắc nồng và hôi. Trên diện tích chất thải bị tràn hầu hết không có dấu hiệu sinh sống của bất kì loài sinh vật nào và cây cối cũng đang có dấu hiệu rụng lá, chết dần.
Khu vực mương nắn suối (ngoài khuôn viên) bên cạnh hồ chứa chất thải và khu vực chất thải bị tràn cũng bị đổi màu và có dấu hiệu ảnh hưởng bởi nguồn chất thải vừa mới chảy tràn ra môi trường.
Sử dụng thiết bị chuyên dụng, Phóng viên còn ghi nhận được khu vực hồ chứa chất thải sâu khoảng 3 -4 mét, bờ hồ được đắp bằng đất cát đơn giản, phần mép trên bờ hồ được phủ bằng một lớp bạt nhựa chống thấm chiều cao khoảng hơn 2 mét. Toàn bộ phần thành bờ hồ dưới phía trong và đáy hồ chưa thấy được lót bạt
Theo như nội dung báo cáo sự cố và phương án xử lý của ngành chức năng thì sau khi thực hiện gia cố, Công ty Đại Nam được yêu cầu phải bơm hút toàn bộ nước đã chảy tràn ra môi trường xung quanh để chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Thời gian thực hiện việc khắc phục trước ngày 1/11/2022. Tuy nhiên, theo ghi nhận trực tiếp của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, đến chiều ngày 3/11/2022 lượng nước, chất thải tràn ra môi trường vẫn chưa được Công ty này bơm hút và chuyển giao xử lý như yêu cầu của ngành chức năng.
Sáng ngày 04/11/2022, Phóng viên đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Nghệ - Phó Giám đốc Nhà máy Chi nhánh Công ty Đại Nam. Phản hồi Phóng viên về công tác khắc phục sự cố, ông Nghệ cho biết đến nay Công ty đã thực hiện hoàn thiện việc đắp, gia cố phần tường bao bị vỡ.
Tuy nhiên, khi được hỏi về công tác bơm hút toàn bộ nước đã chảy tràn ra môi trường xung quanh để chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định (theo yêu cầu của cơ quan chức năng) thì ông Nghệ thể hiện thái độ khá gay gắt với Phóng viên. Cụ thể, “Ai ra công văn mà các ông nói giao cho đơn vị khác xử lý, hút về đơn vị khác, ai ra công văn? Em là em hỏi cho đúng, chứ anh là mấy bữa nay anh cũng bực mình với lại mấy đồng chí báo chí lắm rồi đấy! Ai ra công văn? Nếu có công văn thì em xuống đây trực tiếp làm việc với anh, ok anh sẽ thoải mái và anh sẽ tới nơi chỉ tường tận, từng chỗ cho em. Anh cũng báo cáo với em là máy (điện thoại – PV) anh luôn trong trạng thái ghi âm nha, anh nói thẳng.
Em có biết rằng chất thải bên anh là chất thải gì không? Em hỏi thì phải hỏi cho đúng chứ em không mang vẫn đề đó ra, anh là anh kỵ vấn đề đó lắm. Em có biết chất thải bên anh là chất thải gì không? Ở Bà Rịa – Vũng Tàu có bao nhiêu đơn vị xử lý giống bên anh không?” – ông Nghệ liên tục gay gắt với Phóng viên. Khi Phóng viên đề nghị hỏi cụ thể những vẫn đề ông Nghệ đang nêu thì ông này đề nghị Phóng viên xuống làm việc trực tiếp và không tiếp chuyện qua điện thoại.
Trong khi đó, một trong những đơn vị quản lý được giao trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình khắc phục sự cố tại Công ty Đại Nam là UBND xã Tóc Tiên. Thế nhưng, khi Phóng viên nêu vấn đề, dù đã quá thời gian UBND thị xã Phú Mỹ yêu cầu nhưng Công ty Đại Nam vẫn chưa thực hiện công tác bơm hút toàn bộ nước đã chảy tràn ra môi trường xung quanh để chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý theo quy định. Một lãnh đạo xã Tóc Tiên cho biết “Cấp xã chỉ có giám sát để báo cáo thôi. Còn công tác đôn đốc theo chỉ đạo của thị xã thì trực thuộc Phòng Tài nguyên Môi trường và Khu Quản lý xử lý chất thải tập trung của tỉnh”.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong những bài viết tiếp theo!
Thanh Tùng