Thứ bảy, 20/04/2024 22:58 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/04/2022 11:00 (GMT+7)

Nhiều hệ lụy tại dự án KDL Vũng Tàu Paradise

Theo dõi KTMT trên

Dự án KDL Vũng Tàu Paradise đã hết hạn đầu tư từ năm 2018, bỏ hoang gây lãng phí quỹ đất hơn 80ha và đang nợ thuế, tiền thuê đất tới hơn 1.000 tỷ đồng nhưng đến nay tỉnh BR-VT vẫn chưa có hướng xử lý dứt điểm dự án này.

Dự án Khu du lịch (KDL) Vũng Tàu Paradise tại phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) được biết đến là một trong những siêu dự án có tiến độ chậm kỷ lục. Liên quan đến dự án này, nhiều chuyên gia cho rằng, việc dự án này triển khai không hiệu quả đã gây lãng phí nguồn tài nguyên đất, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách, gây mất mỹ quan ngay khu vực trung tâm TP. Vũng Tàu và để lại nhiều hệ lụy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Đất vàng” bỏ hoang kéo theo nhiều hệ lụy

Dự án KDL Vũng Tàu Paradise do Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise làm chủ đầu tư. Đây là một trong 5 dự án liên doanh đầu tư nước ngoài đầu tiên tại tỉnh BR-VT được Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch Đầu tư) cấp phép năm 1991.  

Dự án có tổng vốn đầu tư 97,2 triệu USD; trong đó, phía Việt Nam góp 25% bằng quyền sử dụng đất của 220ha, 75% còn lại phía đối tác Đài Loan góp bằng tiền.

Nhiều hệ lụy tại dự án KDL Vũng Tàu Paradise - Ảnh 1
Dự án KDL Vũng Tàu Paradise bỏ hoang tới 80 ha đất gây lãng phí, ảnh hướng tới phát triển kinh tế - xã hội TP. Vũng Tàu.

Ngày 7/6/1993, Công ty Dịch vụ du lịch Quốc tế Vũng Tàu đã bàn giao trên thực địa 220 ha cho Công ty liên doanh để triển khai xây dựng công trình tại khu vực Bãi Sau, TP.Vũng Tàu. Theo dự kiến, dự án Vũng Tàu Paradise sẽ xây dựng sân golf, khu biệt thự, khu khách sạn, khu thể thao dưới nước, casino…

Đến năm 2016, dự án hết thời hạn theo giấy phép đầu tư. Tháng 12/2016, UBND tỉnh BR-VT ban hành quyết định thu hồi 220ha đất của dự án để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh này quản lý.

Lý do thu hồi là hết thời hạn sử dụng đất để góp vốn trong liên doanh với nước ngoài, không được gia hạn. Tuy nhiên, sau đó, bộ, ngành liên quan và tỉnh BR-VT xác định, tháng 6/1993, Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise mới nhận bàn giao đất trên thực địa nên thời hạn sử dụng đất của dự án sẽ kết thúc vào tháng 6/2018.

Theo tìm hiểu, trong suốt thời gian được giao đất, nhà đầu tư chỉ đưa vào sử dụng khoảng 140 ha (phần diện tích đã đầu tư xây dựng được sân golf 27 lỗ (diện tích 130ha) và một số hạng mục khác như khu nhà rông, khu thể thao dưới nước, 1 khách sạn có quy mô 38 phòng, chỉ bằng 1/10 so với cam kết ban đầu), còn lại 80 ha (quy hoạch xây dựng khu khách sạn và khu văn hóa dân tộc) sử dụng không hiệu quả và bỏ hoang trong thời gian dài, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.

Tính đến tháng 12/2017, Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise lỗ lũy kế hơn 87 tỉ đồng. Doanh thu của dự án cũng chủ yếu dựa vào sân golf, với khoảng 80%. Những vấn đề này đã được chỉ rõ tại Kết luận số 1640/KLTr-BTNMT của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi Trường (TN&MT) năm 2011.

Đến tháng 12/2021, UBND tỉnh BR-VT đã có văn bản hỏa tốc số 19045/UBND-VP ngày 14/12  về việc yêu càu Sở TN&MT khẩn trương tham mưu, đề xuất thu hồi 220 ha đất tại dự án KDL Vũng Tàu Paradise, phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu theo quy định. Đồng thời thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại điểm B, Khoản 1, Thông báo số 774/TB-UBND ngày 2/12/2021. Bên cạnh đó, UBND tỉnh BR-VT giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Cục Thuế tỉnh thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại thông báo 774/TB-UBND ngày 2/12/2021.

Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng chủ đầu tư “ôm” đất bỏ hoang, sử dụng không hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hồ Chí Minh (HoREA) – ông Lê Hoàng Châu cho biết, về khách quan, chủ yếu do doanh nghiệp không hoàn thành các thủ tục đầu tư xây dựng, bởi chồng chéo về pháp luật.

Về mặt chủ quan có thể do doanh nghiệp yếu kém về năng lực, ôm quỹ đất để đầu cơ. Tuy nhiên, Chủ tịch HoREA đánh giá, năng lực của chủ đầu tư không phải là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, mà phần lớn các doanh nghiệp đang thực hiện tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc đầu cơ về đất đai.

Về việc thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, triển khai không hiệu quả thì đối với việc thu hồi cũng sẽ gặp khó khăn. Theo GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, khó thu hồi có thể giải thích bằng lý do là có lợi ích chung gì đó ở đây mà lợi ích đó đã được trao đổi rồi nên bây giờ khó thu hồi. Ngoài ra, cũng có thể do ý chí của nhà kinh doanh không bắt nhịp được ý chí của nhà quản lý (là lợi ích, là hiệu quả của dự án – PV) dẫn đến việc Nhà đầu tư chần chừ triển khai.

Đồng thời, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, việc các dự án chậm tiến độ còn vướng mắc ở chỗ khi nhận giao đất, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó, đến nay thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp nhiều khó khăn.

Cưỡng chế để truy thu hơn 1.000 tỷ đồng tiền nợ thuế, thuê đất

Không chỉ chậm triển khai, bỏ hoang 80ha đất nhiều năm, chủ đầu tư dự án KDL Vũng Tàu Paradise còn đang nợ tiền thuê, tiền thuế đất tới hơn 1.000 tỷ đồng. Để xử lý vấn đề này, Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo đã đề nghị các ngân hàng phong tỏa các tài khoản ngân hàng của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise. Đồng thời, Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo còn ban hành các quyết định cưỡng chế để thu hồi tiền nợ thuế, thuê đất với của công ty.

Theo đó, ngày 20/4/2022, Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo đã ra 04 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise có địa chỉ tại số 01, đường Thùy Vân, phường 8, TP. Vũng Tàu.

Số tiền mà Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise nợ tiền thuê đất và các khoản thuế lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 800 tỷ đồng là tiền thuê 220 ha đất từ tháng 6/2018 đến nay và 200 tỷ đồng là tiền các khoản thuế.

Nhiều hệ lụy tại dự án KDL Vũng Tàu Paradise - Ảnh 2
Hiện dự án KDL Vũng Tàu Paradise hiện chỉ xây dựng sân golf với diện tích khoảng 130 ha.

Theo Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu – Côn Đảo, ngành thuế sẽ cưỡng chế Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của Công ty tại 4 ngân hàng có chi nhánh tại Vũng Tàu gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu, ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam để thực hiện việc truy thu.

Quyết định nêu rõ, yêu cầu các ngân hàng kể trên trích tiền từ tài khoản và phong tỏa tài khoản của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise mở tại ngân hàng. Đồng thời, Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise phải nghiêm chỉnh thực hiện quyết định này.

Những ngân hàng được nêu trong các quyết định có trách nhiệm trích từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với số tiền nêu trên để nộp vào tài khoản mở tại Kho bạc Nhà nước Vũng Tàu.

Trường hợp số tiền trong tài khoản của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise nhỏ hơn số tiền trên quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản. Sau đó tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của doanh nghiệp này trong thời gian quyết định có hiệu lực.

Ngay trong ngày trích nộp tiền vào ngân sách nhà nước, những ngân hàng này có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý thuế (bộ phận quản lý nợ).

Trước đó, vào tháng 3/2022, Chi cục Thuế khu vực Vũng Tàu - Côn Đảo và Cục Thuế tỉnh BR-VT đã phong tỏa các tài khoản của Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise. Sau khi phong tỏa, Công ty liên doanh Vũng Tàu Paradise chưa nộp số tiền trên nên cơ quan thuế ra quyết định cưỡng chế với lý do người nộp thuế có tiền nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Các quyết định cưỡng chế thuế này có hiệu lực 30 ngày, kể từ ngày 26/4/2022.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Nhiều hệ lụy tại dự án KDL Vũng Tàu Paradise. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới