Nhiều địa phương hối hả bảo đảm điều kiện thi công cao tốc Bắc - Nam
Để bảo đảm tiến độ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam, nhiều địa phương đang hối hả triển khai chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, cấp điểm mỏ mới (đất san lấp)...
Khánh Hòa: Phê duyệt 10 điểm mỏ đất san lấp phục vụ cao tốc Bắc - Nam
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Khánh Hòa bổ sung 10 mỏ vào danh mục các khu vực khoáng sản được quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại quyết định số 25QĐ –UBND ngày 18/1/2018 với diện tích 237,9 ha. Các mỏ bổ sung này có trữ lượng tài nguyên 10.948.000 m3 đất. Cùng với đó, địa phương cũng đã thực hiện thủ tục để cấp mới 3 giấy phép khai thác khoáng sản (đất san lấp) cho nhà đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm qua địa phương.
Để triển khai, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định, trong đó có dự án đường cao tốc Bắc - Nam qua địa phương.
Tại báo cáo mới nhất gửi Chính phủ về tình hình thực hiện Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến ngày 24/3, dự án vẫn còn thiếu 6,53 triệu m3 đất đắp. Riêng đối với dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm, lượng đất đắp còn thiếu 0,8 triệu m3 (địa bàn Khánh Hòa).
Hiện, doanh nghiệp dự án đang phối hợp với địa phương hoàn thiện các thủ tục để cấp phép hai mỏ (tại xã Suối Tân và xã Cam An Bắc), dự kiến hoàn thành các thủ tục cấp phép trong tháng 3/2022. Dự án Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa có chiều dài 49,11 km, đi qua huyện Diên Khánh dài 8 km, huyện Cam Lâm dài 30,5 km và thành phố Cam Ranh dài 10,6 km với tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng.
Dự án thành phần này có quy mô bước đầu 4 làn xe trên nền đường rộng 17 m và giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe rộng 32,25 m, được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng. Dự kiến quý III/2023 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Quảng Ngãi đề xuất chuyển mục đích 43,4 ha rừng để làm đường cao tốc Bắc - Nam
UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng 43,4 ha rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án thành phần xây dựng đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025).
Theo đó, Dự án thành phần xây dựng đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn do Ban quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư. Địa điểm thực tại tỉnh Quảng Ngãi với chiều dài 60,3km, đi qua các huyện Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.
Tổng diện tích rừng bị ảnh hưởng là 43,4 ha (rừng sản xuất). Trong đó, diện tích rừng trồng đã thành rừng là 16,63 ha; diện tích chưa thành rừng là 28,77 ha. Tổng trữ lượng các lô rừng trong khu vực dự án là 1.914,2 m3. Nguồn gốc hình thành là rừng trồng, nguồn vốn của hộ gia đình và cá nhân. Loại cây trồng là keo.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến nay, Dự án thành phần xây dựng đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021 - 2025) cơ bản đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý theo quy định hiện hành. Dự án thành phần xây dựng đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, thuộc Dự án xây dựng công trình đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2021-2025) phù hợp Quy hoạch sử dụng đất các huyện đã được phê duyệt.
Trước đó, theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết số 18/NQ-CP, UBND các tỉnh, thành phố tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên, tổ chức thẩm định các nội dung thuộc thẩm quyền đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 31/3/2022 để thẩm định, trình Chính phủ.
Tuy nhiên, đến ngày 25/3/2022, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, mới nhận được báo cáo của 5/12 tỉnh, thành phố, còn lại 7 tỉnh gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng chưa gửi báo cáo.
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã có Công văn số 1305/UBND-KTN yêu cầu UBND các huyện: Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên phục vụ Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu UBND Tỉnh để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải trước ngày 27/3/2022.
Trên kết quả rà soát và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng 43,4 ha rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án thành phần xây dựng đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư xây dựng giai đoạn 2021 - 2025 gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353km) và Cần Thơ - Cà Mau (109km) với tổng chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, với sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.
PV