Nhập khẩu thành công LNG - bước tiến trong chuyển đổi năng lượng
Đầu tháng 7 vừa qua, chuyến hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu đầu tiên đã cập cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu). Sự kiện đánh dấu một trong những bước đi thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong chuyển đổi năng lượng giảm phát thải...
Ổn định hệ thống năng lượng quốc gia
Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo được xem là hướng đi tất yếu của các quốc gia trên thế giới, nhằm tạo ra bước đột phá giải quyết vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu. Trước mắt, các nguồn năng lượng mới chưa lập tức đáp ứng đầy đủ các yếu tố: rẻ, sẵn có, xanh và sạch, an toàn và đáng tin. Vì vậy, trong trung hạn, nhiên liệu hóa thạch chưa thể hoàn toàn bị thay thế và vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu năng lượng.
Giải pháp trước tiên để thực hiện chuyển đổi năng lượng chính là giảm tối đa hàm lượng các-bon trong các sản phẩm dầu khí. Khí tự nhiên với hàm lượng carbon thấp hơn và hiệu suất chuyển đổi thành năng lượng cao hơn dầu, được coi là sản phẩm chủ đạo để thực hiện thành công chiến lược này.
Tại Việt Nam, LNG là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, và nhập khẩu, tiêu thụ LNG chính là ưu tiên hàng đầu trong phát triển ngành năng lượng giai đoạn hiện nay. Điều này đã được thể hiện trong mục tiêu của Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí sẽ “ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ LNG”, đồng thời, “chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng LNG, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”. Cụ thể, Việt Nam phấn đấu đủ năng lực nhập khẩu LNG khoảng 8 tỉ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỉ m3 vào năm 2045.
Với lợi thế chuyên biệt, LNG có tiềm năng thay thế dần các năng lượng truyền thống của các hộ sản xuất công nghiệp gồm than, fuel oil, diesel…, cũng như bổ sung cho các nguồn khí nội địa đang khai thác, hầu hết đã bước vào giai đoạn suy giảm.
Tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Và để thực hiện mục tiêu này, việc giảm phát thải khí nhà kính từ các nguồn sản xuất điện năng là một trong những giải pháp then chốt.
Theo Quy hoạch điện VIII, công suất nhiệt điện sử dụng LNG phục vụ cho nhu cầu trong nước đến năm 2030 sẽ đạt 22.400MW (chiếm 14,9% tổng công suất của toàn hệ thống điện). Trong bối cảnh giảm dần nhiệt điện than dầu, hạ tầng cho nguồn điện từ năng lượng tái tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, LNG là nguồn điện chuyển tiếp hoàn hảo do có khả năng chạy nền, khởi động nhanh, sẵn sàng bổ sung và cung cấp điện nhanh cho hệ thống khi các nguồn điện năng lượng tái tạo giảm phát. Đồng thời, phát thải CO2 và các chất gây ô nhiễm khác thấp hơn nhiều so với điện than.
Sự kiện nhập khẩu thành công lô hàng LNG đầu tiên một lần nữa cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong thực hiện các các cam kết về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện đúng theo lộ trình đã cam kết với quốc tế. Ngay sau sự kiện này, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các địa phương có quy dự án nhà máy điện sử dụng LNG theo Quy hoạch Điện VIII để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2023.
Mang dòng LNG đạt chuẩn về cho Việt Nam
Định hướng phát triển là vậy, nhưng để nhập khẩu thành công LNG đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe. Hiện nay, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) là đơn vị duy nhất được Bộ Công Thương chứng nhận là đơn vị có đủ điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu LNG. Đây là kết quả sau gần 10 năm PV GAS dày công chuẩn bị, với hệ thống đường ống dẫn khí ở khu vực phía Nam gồm 3 tuyến đường ống chính, tổng chiều dài trên 1.000km; các nhà máy xử lý khí, và các kho cảng khí hóa lỏng LNG.
Phó Tổng Giám đốc PV GAS Trần Nhật Huy cho biết: Với việc PV GAS phát hành Hồ sơ chào mua LNG, bên cạnh Shell, các nhà cung cấp LNG hàng đầu thế giới chào bán cũng đã đến đánh giá rất kỹ lưỡng điều kiện tiếp nhận dựa trên các tiêu chuẩn của quốc tế với hàng trăm tiêu chí, trong đó có cả các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý, cũng như hệ thống nhân sự và cảng PV GAS được các nhà cung cấp đánh giá rất cao. Trải qua quá trình đánh giá, lựa chọn nhà cung cấp và các vòng đàm phán, thương thảo hợp đồng, Shell đã được lựa chọn là nhà cung cấp chuyến hàng LNG nhập khẩu đầu tiên đến Thị Vải.
Lãnh đạo PV GAS nhận định, thuận lợi là cảng tiếp nhận đã được nâng cấp sau khi nhận bàn giao cầu cảng số 1 của Bến cảng xăng dầu PETEC Cái Mép từ Tổng Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (PETEC). Đây là hạng mục hết sức quan trọng của Kho cảng LNG Thị Vải, được PV GAS đầu tư, nâng cấp để tiếp nhận tàu LNG trọng tải lên đến 100.000 tấn.
PV GAS cũng đã chạy thử thành công tuyến ống từ Hội Bài đến Thị Vải, dài 6,1km, cũng như đã chạy thử thành công Trạm giảm áp Thị Vải, kết nối với Kho cảng LNG Thị Vải nhằm giảm áp suất tuyến ống Nam Côn Sơn 2 để cung cấp LNG tái hóa khí ở áp suất thấp (25 barg) cho các khách hàng trong KCN Cái Mép, KCN Phú Mỹ 3 và khu vực lân cận.
Bên cạnh đó, PV GAS LNG không ngừng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, định biên lao động, cơ sở vật chất, hệ thống quy trình tác nghiệp nội bộ, hệ thống quản lý An toàn - Chất lượng - Môi trường để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc; Đảm bảo 100% CBCNV được huấn luyện, đào tạo và duy trì hiệu lực các chứng chỉ theo yêu cầu của pháp luật, tập trung các khóa đào tạo chuyên sâu và các khóa trong lộ trình đào tạo dài hạn liên quan đến chuỗi giá trị kinh tế LNG; tích cực tham gia với các Ban, Đơn vị trong Tổng công ty Petrovietnam trong việc nghiên cứu triển khai Dự án mở rộng Kho LNG Thị Vải lên 3 triệu tấn cũng như các dự án mới khác.
Ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, để đưa được chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam là cả một hành trình dài với sự nỗ lực và cố gắng rất lớn của tất cả CBCNV PV GAS.
Với việc xác định nhiệm vụ hàng đầu của PV GAS là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cũng như cam kết là người tiên phong trong lĩnh vực năng lượng xanh sạch cho môi trường, góp phần thực hiện cam kết về giảm phát thải CO2 của Chính phủ tại COP26, PV GAS đã vượt qua rất nhiều những khó khăn, thách thức, trở ngại để đưa chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam. Cùng với đó, PV GAS mong muốn các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan, tạo cơ chế cho ngành công nghiệp LNG có thể phát triển tại Việt Nam.
Để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, PV GAS ưu tiên tiếp tục phát triển đội ngũ nhân sự bài bản thông qua môi trường làm việc đề cao cạnh tranh, chuyên nghiệp, hiệu quả trên tinh thần liên tục đổi mới và mang tính quốc tế cao. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển thị trường tiêu thụ LNG theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và giải pháp năng lượng.
Hiện nay, PV GAS cũng đang xây dựng và đề xuất các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận/phê duyệt các vấn đề liên quan mô hình kinh doanh LNG, chính sách nhập khẩu LNG, phương án tiêu thụ LNG và chính sách giá nhập khẩu/giá bán khí tái hóa. Mục tiêu nhằm mang đến dòng sản phẩm LNG chất lượng cao, giá thành hợp lý cho người tiêu dùng, đóng góp chung vào nỗ lực xanh hóa các hoạt động phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới.
Kông Nguyên