Thứ sáu, 27/12/2024 08:58 (GMT+7)
    Thứ ba, 24/01/2023 19:00 (GMT+7)

    Nhận diện điểm nghẽn, kinh tế 2023 tích cực

    Theo dõi KTMT trên

    Nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn.

    Triển vọng kinh tế 2023 tích cực

    Hôm 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022 (từ mức 6,7% theo dự báo trước đó). Đồng thời, lạm phát được dự báo xuống còn 3,5%.

    Trong năm 2023, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu. Đây là mức cao hơn dự báo của tổ chức này đưa ra hồi tháng 4/2022.

    Nhận diện điểm nghẽn, kinh tế 2023 tích cực - Ảnh 1
    Ảnh minh họa

    Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định rằng, châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng các điều kiện toàn cầu đang xấu đi.

    Đại diện ADB cho rằng, thách thức đối với Việt Nam đang giảm đi nhanh chóng. Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất cũng tích cực đối với Việt Nam. WB cũng thừa nhận, đồng USD yếu đi giúp giảm nhẹ áp lực đối với tỷ giá.

    Trước đó, bà Pemba Tshering Sherpa, phụ trách truyền thông IMF, cho rằng, năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với một môi trường bên ngoài đầy thách thức, nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm vẫn đạt khoảng 5,8%.

    Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng. Ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7%. Kịch bản 2, con số chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.

    Thị trường chứng khoán được dự báo khá tích cực. Theo ACBS, triển vọng toàn cầu sẽ tích cực hơn trong năm 2023, đặc biệt nửa sau của năm. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ vượt đỉnh cũ để tiến lên 1.550 điểm vào cuối năm 2023.

    Bà Trần Thị Khánh Hiền cũng cho rằng, nửa đầu 2023 TTCK có thể còn nhiều thăng trầm nhưng cuối năm sẽ tích cực. Theo đó, đầu năm, lạm phát có thể lên do áp lực từ giá điện, vận tải, học phí... Dù vậy, đây đều là các yếu tố có thể kiểm soát được.

    Tháo các điểm nghẽn, thúc đẩy liên kết vùng

    Có thể thấy, những nút thắt về vốn, giải ngân đầu tư công, trái phiếu doanh nghiệp, lạm phát... đã được nhận diện khá đầy đủ trong những đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2023.

    Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, về định tính, năm 2022 nền kinh tế Việt Nam trải qua rất nhiều khó khăn: giá cả hàng hoá leo thang, tỷ giá dao động mạnh, trên 3%, thị trường chứng khoán chao đảo khi VN-Index giảm 30% trong năm 2022; thị trường trái phiếu đóng băng vào những tháng cuối năm vì nhà đầu tư mất lòng tin ở trái phiếu doanh nghiệp.

    “Sang năm 2023, tăng trưởng GDP có thể ở mức 6,5%. Chính phủ cần đưa ra một chương trình hoãn nợ quốc gia (national credit moratorium) để tránh sự đổ vỡ hàng loạt của thị trường trái phiếu. Tôi kỳ vọng nửa sau năm 2023, nền kinh tế sẽ có sự ổn định và phát triển bền vững hơn, với điều kiện Chính phủ phải thúc đẩy đầu tư công và đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ kinh tế 350.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.

    Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Bích Lâm nhận định, quý IV năm 2022 tăng trưởng thấp hơn phản ánh rõ bức tranh thực của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam với độ mở lớn. GDP 6,5% năm 2023 là mục tiêu có tính khả thi, nhưng mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam dự báo rơi vào suy thoái.

    Trong khi đó, năm 2023, vấn đề an ninh năng lượng tiếp tục được đặt ra cấp bách trong bối cảnh Tập đoàn Điện lực Việt Nam thua lỗ nặng do chi phí tăng cao, giá bán chưa được điều chỉnh. Đó cũng là lý do khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 diễn ra cuối 12/2022, đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ (Amcham) đã dành thời gian đánh giá tầm quan trọng của năng lượng, trong đó có năng lượng xanh.

    Hiệp hội này cho rằng, năng lượng xanh là hướng đi, nhưng Việt Nam phải đảm bảo được an ninh năng lượng và phải dành thời gian xây dựng quy hoạch năng lượng để đảm bảo người dân Việt Nam không phải trả nhiều tiền hơn cho năng lượng xanh so với các nước khác trên thế giới.

    Nhìn động lực tăng trưởng kinh tế những năm tới ở tính chất liên kết vùng, TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đề cập đến việc thúc đẩy vai trò của 4 địa phương là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa  - Vũng Tàu.

    TS. Trần Du Lịch phân tích, nếu như triển khai tốt về hạ tầng, thể chế, giai đoạn tới 4 địa phương trên có thể đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, thay vì chỉ 8-9%. Tuy nhiên, phải giải quyết được điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối của các địa phương này, cũng như đẩy mạnh đầu tư giao thông từ TP.HCM đi các tỉnh lân cận.

    Thứ hai về thể chế, ông Lịch lưu ý phải mở rộng phân cấp phân quyền cho chính quyền địa phương, giảm đi cơ chế xin cho để khu vực đầu tàu này tăng tính chủ động.

    “Bố trí không gian phát triển cho từng địa bàn, giao thông kết nối toàn vùng, nguồn nhân lực, môi trường là 4 vấn đề phải được đặt ra và xử lý đồng bộ. Tôi tin rằng, giai đoạn từ nay đến 2035, vùng này sẽ phát triển thành vùng động lực, với tốc độ phát triển hai con số - đây chính là động lực cho nền kinh tế Việt Nam phát triển, cửa ngõ giao lưu quốc tế”, TS. Trần Du Lịch tin tưởng.

    Hồng Nhung 

    Bạn đang đọc bài viết Nhận diện điểm nghẽn, kinh tế 2023 tích cực. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới