Thứ năm, 25/04/2024 15:32 (GMT+7)
Thứ năm, 12/08/2021 14:12 (GMT+7)

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3)

Theo dõi KTMT trên

Trong các vốn tài nguyên thành phần của tổng mức giàu có, vốn tài nguyên thiên nhiên và vốn sản xuất quốc gia là loại con người dễ nhận thấy nhưng tính toán không phải dễ.

Kỳ 3: Khái quát về vốn sản xuất và tài sản nước ngoài ròng

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3) - Ảnh 1

Trong các vốn tài nguyên thành phần của tổng mức giàu có, vốn tài nguyên thiên nhiên và vốn sản xuất quốc gia là loại con người dễ nhận thấy nhưng tính toán không phải dễ. 

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3) - Ảnh 2

Vốn sản xuất và đất đô thị bao gồm máy móc, tòa nhà, thiết bị, đất đô thị có và  không có khu dân cư, được đo theo giá thị trường. Nói một cách ngắn gọn, thuật ngữ vốn sản xuất được sử dụng bao gồm cả vốn sản xuất và đất đô thị, những cơ sở hạ tầng về vật chất đã được tạo ra phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Thật ra, giá trị của vốn sản xuất và tài sản nước ngoài ròng thường được tính từ các phương pháp được sử dụng rộng rãi dựa trên các giao dịch quan sát được đối với những tài sản này (chẳng hạn giao dịch bất động sản). 

Tuy nhiên, đôi khi thay vì một số phương pháp có độ tin cậy cao nhưng phức tạp và tốn kém (như điều tra cổ phiếu vốn từ các giá trị bảo hiểm, thống kê giá trị kế toán hoặc từ các cuộc điều tra trực tiếp), WB đề xuất một số phương pháp ước tính khác, chẳng hạn như phương pháp tích lũy và đặc biệt, phương pháp kiểm kê vĩnh viễn, rẻ hơn và dễ dàng triển khai hơn vì chúng chỉ yêu cầu dữ liệu đầu tư và thông tin về thời gian sử dụng và các kiểu khấu hao của tài sản. 

Các phương pháp này thu được chuỗi vốn từ việc tích lũy chuỗi đầu tư và là phương pháp phổ biến nhất. Đối với hầu hết các quốc gia, ước tính về vốn vật chất thu được trực tiếp từ cơ sở dữ liệu Penn World Table 9.04, các tác giả của Penn World Table sử dụng phương pháp kiểm kê vĩnh viễn để ước tính lượng vốn dự trữ được sản xuất cho 172 quốc gia từ năm 1970 đến năm 2014. Tuy nhiên, trong các số liệu đầu tư, chỉ có cải tạo đất được đưa ra. Do đó, dự toán vốn cuối cùng không hoàn toàn phản ánh giá trị của đất đô thị. Vì vậy, đơn giản nhất là định giá đất đô thị theo tỉ lệ cố định của giá trị vốn vật chất trên phần đất ấy. Tỉ lệ này thay đổi theo điều kiện riêng của các quốc gia cụ thể, nhưng nhiều công trình đã sử dụng một tỉ lệ không đổi, được giả định bằng 24 phần trăm, khi đó:

Ut = 0,24Kt (A.10)

Trong đó U là giá trị của đất đô thị và K là vốn sản xuất (máy móc, thiết bị và công trình kiến ​​trúc) trong năm t.

Bằng những cách tiếp cận tính toán như trên, WB đã tính được vốn sản xuất cho nhiều quốc gia. Các nước thu nhập cao thuộc nhóm OECD vẫn có vốn sản xuất trên đầu người lớn nhất, giá trị tính cho năm 2014 vượt xa, gấp từ vài lần cho tới 100 lần các nhóm nước còn lại (xem hình 7). 

Về giá trị, vốn sản xuất đầu người của các nước này đạt đến 195.929 USD/người vào năm 2014, trong khi giá trị của các nước thu nhập thấp chỉ là 1967 USD/người còn của các nước thu nhập trung bình ở mức thấp (trong đó có Việt Nam) là 6.531 USD/người. Điều đó chứng tỏ cơ sở hạ tầng vật chất phục vụ phát triển kinh tế và đời sống người dân của các nước thu nhập cao thuộc OECD  đã được hoàn thiện ở mức rất cao. Đi thăm những nước này, hầu như không thấy nhiều công trình đang xây mới, hệ thống công sở nhà máy, các khu công nghiệp, hệ thống giao thông đã đi vào hoạt động ổn định. 

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3) - Ảnh 3
Hình 7. Vốn sản xuất đầu người của các nhóm nước giai đoạn 1995 – 2014.

Trong khi đó ở các nước thu nhập thấp và trung bình mức thấp thì cơ sở hạ tầng còn đang trong giai đoạn xây dựng, chưa biết đến khi nào mới được hoàn chỉnh để đưa vào vận hành ổn định.

Trong báo cáo của WB, vốn sản xuất của Việt Nam đạt 5.530 USD/người, còn thấp hơn so với mức trung bình của nhóm nước thu nhập trung bình mức thấp. Có thể xem xét vốn sản xuất và xu thế phát triển của Việt Nam giai đoạn 2005 - 2014 trong phông chung của một số quốc gia trên hình 8. So với mức năm 2005, vốn sản xuất năm 2014 đã gấp trên 3 lần và ta có thể nhớ lại những năm ấy Việt Nam như là công trường xây dựng lớn, chúng ta đã xây dựng được hạ tầng nhiều khu công nghiệp, đã xây dựng được nhiều hệ thống đường giao thông chất lượng cao, nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất lớn đã đi vào hoạt động trong giai đoạn này. Sau 2014 Việt Nam vẫn đang tiếp tục, nâng cấp cơ sở hạ tầng về cơ sở vật chất với nhiều hạng mục đã hoàn thành và nhiều hạng mục đã và đang xây dựng mới. Hy vọng là lần tính ở giai đoạn sau, vốn sản xuất của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3) - Ảnh 4
Hình 8. Giá trị vốn sản xuất của Việt Nam và một số quốc gia giai đoạn 2005 - 2014.

Đối với vốn tài sản nước ngoài ròng (tiếng Anh: Net Foreign Assets, viết tắt: NFA), có nhiều cách tiếp cận để hiểu như: tài sản nước ngoài ròng (NFA) của một quốc gia là giá trị của tài sản mà quốc gia đó sở hữu ở nước ngoài, trừ đi giá trị của tài sản trong nước mà người nước ngoài sở hữu, vị thế tài sản nước ngoài ròng của một quốc gia phản ánh khả năng mắc nợ của quốc gia đó hay tài sản nước ngoài ròng  là chênh lệch giữa tài sản nước ngoài của một quốc gia trừ đi tài sản quốc gia này được sở hữu bởi người nước ngoài. Ngân hàng Thế giới định nghĩa tài sản nước ngoài ròng (NFA) là tổng tài sản ở nước ngoài được nắm giữ bởi các cơ quan tiền tệ và các ngân hàng nhận tiền gửi trừ đi các khoản nợ nước ngoài của một quốc gia, bằng tổng (đại số) giữa tài sản và nợ bên ngoài của một quốc gia.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3) - Ảnh 5

Cũng có thể hiểu: Tài sản nước ngoài ròng (NFA) của một quốc gia bằng giá trị tài sản ở nước ngoài thuộc sở hữu của quốc gia ấy trừ đi giá trị tài sản trong nước thuộc sở hữu của người nước ngoài, được điều chỉnh theo các thay đổi trong định giá và tỉ giá hối đoái. Và như vậy, tài sản nước ngoài ròng cho biết vị thế quốc gia thuộc quốc gia cho vay ròng hay quốc gia đi vay ròng so với phần còn lại của thế giới. 

- NFA dương cho biết quốc gia là quốc gia cho vay ròng.

- NFA âm cho biết quốc gia là quốc gia đi vay ròng.

Nếu NFA dương thì về cơ bản nó làm tăng giá trị ngoại hối tương đối của tiền tệ, thể hiện nền kinh tế phát triển mạnh, bền vững của quốc gia đó. Ngược lại, sự thâm hụt của tài sản nước ngoài ròng chắc chắn quốc gia đang trong nền kinh tế báo động, bị sụt giảm giá trị tương đối của đồng tiền.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3) - Ảnh 6

Nguồn dữ liệu chính cho tính toán NFA là nguồn được cập nhật và mở rộng phiên bản của cơ sở dữ liệu Sự giàu có bên ngoài của các quốc gia Mark II được phát triển bởi Lane và Milesi-Ferretti (2007). Cơ sở dữ liệu Lane và Milesi-Ferretti, được cập nhật lần cuối vào đầu năm 2016, cung cấp ước tính về NFA giai đoạn 1970 – 2014 cho 211 nền kinh tế. Trong trường hợp các ước tính về NFA và các thành phần của nó không có sẵn trong cơ sở dữ liệu Lane và Milesi-Ferretti, thì dữ liệu bổ sung được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau để mở rộng phạm vi quốc gia.

Trên phạm vi toàn cầu, chỉ có các nước thu nhập cao ngoài/không thuộc OECD có tỉ lệ tài sản nước ngoài ròng trên tổng mức giàu có dương, đồng nghĩa với giá trị NFA dương, phản ánh ưu thế của các nhà sản xuất dầu là chủ nợ ròng của thế giới (đó cũng là lý do tại sao tài sản tự nhiên là đáng kể ở các quốc gia đó). Các nhóm còn lại đều có tài sản nước ngoài ròng tổng thể âm, tuy nhiên trong các nhóm này đều có quốc gia có giá trị NFA dương.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3) - Ảnh 7
Hình 9. Tỉ lệ các vốn thành phần trên tổng mức giàu có ở các nhóm nước có thu nhập khác nhau.

Về giá trị, tài sản nước ngoài ròng của Việt Nam năm 2005 và 2014 đều âm với mức âm năm 2014 khá cao, lên tới -1284 USD/người. Tuy nhiên so sánh với một số quốc gia trên bảng 8 thì không chỉ tài sản nước ngoài ròng của Việt Nam mang dấu âm mà còn có các nước khác như: Thái Lan, Lào, Mỹ... Riêng Na Uy và Trung Quốc có giá trị NFA dương, giá trị tài sản nước ngoài ròng trên đầu người của Na Uy tuy rất lớn nhưng dân số lại ít, còn Trung Quốc thì ngược lại. 

Bảng 8. Tài sản nước ngoài ròng của Việt Nam và một số quốc gia

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3) - Ảnh 8

Nếu lấy GDP đầu người năm 2014 là 2.050 USD/người thì tài sản nước ngoài ròng của Việt Nam chiếm tới 62,6%, ở mức khá cao, cần phải xem xét giảm trong những năm tới. Thật ra, Mỹ cũng là nước vay nợ nhiều nhưng họ sử dụng khoản vốn này hiệu quả nên tăng trưởng vẫn nhanh và có thể trả nợ được.

Thay cho kết luận

1. Mức giàu có và các thành phần của nó được WB tính cho các quốc gia theo hệ phương pháp và số liệu đã được sử dụng khá thống nhất, xuyên suốt theo thời gian từ 1995 đến 2014. Nó cho thấy có sự phân hóa quá rõ nét các giá trị này theo các vùng địa lý, theo các nhóm nước và theo từng nước trên toàn Thế giới. Vấn đề đặt ra là các quốc gia sẽ hiểu, vận dụng được các kết quả này như thế nào, đến đâu lại phụ thuộc và sự quan tâm, phân tích, rút kinh nghiệm của các quốc gia đó.

2. Qua trích rút, phân tích các kết quả tính cho Việt Nam, có thể thấy Việt Nam đã có những nỗ lực phát triển trong giai đoạn 1995 - 2014, được đánh giá thành công trong nhiều mặt như: tăng trưởng cao (qua tăng trưởng mức giàu có), năng suất lao động tăng (qua vốn con người tăng), cơ sở hạ tầng về vật chất (đường xá, cầu cống, bến cảng, khu công nghiệp, khu dân cư đô thị...) được cải thiện thông qua tăng vốn sản xuất, một số tài nguyên thiên nhiên được bảo vệ, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn (qua tăng vốn tài nguyên thiên nhiên) và khả năng đảm bảo sử dụng hợp lý vốn vay nước ngoài (qua tài sản nước ngoài ròng). So sánh với một số nước, chúng ta có thể học tập cách làm của một số quốc gia, đặc biệt là quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Lào... về thành tựu tăng mức giàu có và một số thành phần của nó để áp dụng thực hiện ở Việt Nam, nhằm tăng hơn nữa mức giàu có và các vốn thành phần của đất nước. Nếu chúng ta tiếp cận sâu hơn, học hỏi kỹ hơn về các phương pháp ước tính các giá trị của WB và tiến tới làm chủ được kỹ thuật tính toán các giá trị này thì chúng sẽ có tính ứng dụng cao hơn nữa trong tương lai.

3. Vẫn còn một số giá trị/yếu tố mà WB đang muốn tính đến trong tính toán mức giàu có và các thành phần của nó như tài nguyên biển, dịch vụ hệ sinh thái hay xem xét sự tích lũy của cải, sử dụng dữ liệu về tiết kiệm ròng đã điều chỉnh (Adjusted net saving-ANS). ANS được đo bằng tổng tiết kiệm quốc gia trừ đi khấu hao vốn sản xuất, sự cạn kiệt tài sản dưới lòng đất và tài nguyên gỗ, chi phí ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe con người, cộng với một khoản tín dụng cho chi tiêu giáo dục. ANS được đo lường hàng năm, nó cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách thông tin phản hồi ngay lập tức về hướng đi của nền kinh tế và hành động khả thi mà họ cần thực hiện để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn. Nếu ANS tính theo phần trăm tổng thu nhập quốc dân (GNI) của một quốc gia là âm, quốc gia này đang tiêu dùng nhiều hơn mức tiết kiệm, điều này sẽ làm suy yếu tính bền vững lâu dài; nếu ANS là dương, nó sẽ làm tăng thêm sự giàu có và hạnh phúc của quốc gia trong tương lai. Giá trị ANS âm cho thấy một quốc gia đang giảm nguồn vốn dự trữ và do đó có thể làm giảm phúc lợi xã hội trong tương lai. Ngược lại, ANS dương cho thấy rằng một quốc gia đang tăng thêm sự giàu có của mình và do đó tăng hạnh phúc trong tương lai. Nói cách khác, ANS đo lường phần thu nhập quốc dân không được tiêu dùng của khu vực tư nhân và nhà nước, được điều chỉnh để phản ánh đầu tư vào vốn nhân lực, khấu hao vốn cố định, cạn kiệt tài nguyên và chi phí thiệt hại do ô nhiễm.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023
Khép lại năm 2023, trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.