Chủ nhật, 24/11/2024 05:12 (GMT+7)
Thứ tư, 11/08/2021 14:28 (GMT+7)

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2)

Theo dõi KTMT trên

Vốn tài nguyên con người là một thành phần nhưng chiếm tỉ trọng rất cao trong tổng mức giàu có của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 1

Vốn tài nguyên con người là một thành phần nhưng chiếm tỉ trọng rất cao trong tổng mức giàu có của mỗi quốc gia và trên toàn Thế giới. Tuy nhiên, đo, tính vốn con người không phải dễ và rất khó áp dụng một công thức chung cho tất cả các quốc gia. 

Chính vì vậy mà trước năm 2011, WB chưa tách được vốn con người ra khỏi vốn “vô hình” mà bao gồm trong đó phần lớn là vốn con người. Trong báo cáo xuất bản năm 2018, WB đã đưa ra cách đo, xác định, tính toán vốn con người, chúng được đo lường bằng giá trị hiện tại của thu nhập trong tương lai của lực lượng lao động thông qua khảo sát hộ gia đình tại 141 quốc gia, và bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có số năm đi học của người dân, quá trình học tập thực tế diễn ra ở trường và sau khi rời ghế nhà trường, và các khoản đầu tư cho sức khỏe. Ngoài ra, còn tính đến thu nhập liên quan đến việc đi học (yếu tố ngầm định đến chất lượng học tập ở trường) và thời gian người lao động có thể làm việc (điều này ngầm tính đến tình trạng sức khỏe thông qua tuổi thọ, trong số những yếu tố khác).

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 2

Theo tính toán của WB, bình quân đầu người của vốn tài sản/của cải con người toàn cầu ở mức 108.654 USD/người vào năm 2014 so với 88.874 USD/người vào năm 1995. Vốn này chiếm khoảng 2/3 tổng tài sản toàn cầu, nhưng tỉ trọng này đã giảm trong hai thập kỷ qua, từ 69% năm 1995 xuống còn 64% năm 2014. Sự sụt giảm này chỉ xảy ra ở các nước tương đối giàu còn ở hầu hết các nước đang phát triển, tỉ trọng vốn con người trong tổng của cải đang tăng lên. Xu hướng tăng này dự kiến ​​sẽ tiếp tục. Nói một cách dễ hiểu, lực lượng lao động có tay nghề cao dường như là chìa khóa cho sự phát triển trong tương lai trong nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa. Trong khi ở một số quốc gia có thu nhập cao, tỉ trọng vốn con người trong tổng của cải đang giảm, ở các quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp, tỉ trọng vốn con người trong tổng của cải đang tăng lên nhanh chóng. Ở các nước thu nhập thấp, tỉ lệ này tăng từ 32% lên 43% trong hai thập kỷ. Ở các nước có thu nhập trung bình ở mức thấp, tỉ lệ này tăng từ 44% lên 52%. Nhiều quốc gia trong số này đang trải qua quá trình chuyển đổi nhân khẩu học và đang thu được những lợi ích từ cổ tức nhân khẩu học khi tỉ lệ tăng dân số đang giảm và người dân được giáo dục, đào tạo tốt hơn.

Xét về ảnh hưởng của giới lên vốn con người, WB cho thấy, trên phạm vi toàn cầu, phụ nữ chỉ chiếm 38% vốn của cải con người, so với 62% ở nam giới, do thu nhập thấp hơn. Trong các loại hình việc làm, sự khác biệt thậm chí còn nổi bật hơn. Những khoản thu nhập thấp hơn này có thể do nhiều yếu tố, bao gồm mức trả lương thấp hơn, sự tham gia của lực lượng lao động thấp hơn, và số giờ làm việc trung bình ít hơn. Tính toán cụ thể hơn còn chỉ ra rằng, nếu đạt được thu nhập bình đẳng giới cao hơn có thể tạo ra sự gia tăng đáng kể vốn của cải con người với mức tăng 18% sự giàu có về vốn con người trên toàn cầu, tiềm năng tăng đáng kể nhất ở vùng Nam Á.

Trên toàn cầu, lao động tự do chỉ chiếm 9% của cải vốn con người, trong khi lao động có việc làm chiếm 91% của cải đó. Các nước có mức vốn con người thấp hơn  thường có tỉ lệ lao động tự do cao hơn vì ở đó vẫn còn sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp và các hoạt động buôn bán, sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 3

Một phát hiện khác rất đáng lưu ý, đó là giá trị ước tính vốn của cải con người có tương quan cao với GDP bình quân đầu người. Sự giàu có về vốn con người trên đầu người thường lớn hơn gấp 7 đến 10 lần so với GDP bình quân đầu người.

Cũng giống như đối với tổng mức giàu có, vốn con người cũng có sự phân hóa rất rõ theo các nhóm quốc gia có thu nhập khác nhau trên Thế giới (xem hình 5). Các nước thu nhập thấp có vốn con người rất thấp, chỉ khoảng vài nghìn USD một người, nhóm quốc gia thu nhập trung bình mức thấp có mức vốn con người cao hơn nhưng cũng chỉ ở mức trên dưới 10.000 USD/người. Trong khi đó, vốn này ở nhóm quốc gia thu nhập cao OECD lên tới vài trăm nghìn USD/người, gấp từ vài lần đến hơn 100 lần các nước khác. 

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 4
Hình 5. Thay đổi vốn con người giai đoạn 1995 – 2004 theo các nhóm quốc gia có thu nhập khác nhau.

Như vậy rõ ràng mức giàu có của nhóm quốc gia này chủ yếu là vốn con người, sự chênh lệch quá lớn với các nhóm quốc gia khác rất cần được lý giải qua cách tính nguồn vốn này. Liệu có khác biệt trong phương pháp tính không hay khác biệt trong hoạt động của hệ thống tài chính (chẳng hạn tính mức lương, thu nhập cho người lao động) hay những nguyên nhân gì nữa rất cần được làm rõ.

Xét về xu thế, có thể thấy xu thế tăng vốn con người giai đoạn 1995 – 2014 xảy ra ở tất cả các nhóm quốc gia nhưng mức tăng rất khác nhau (xem bảng 2). Mức tăng ít nhất xảy ra ở các nước thu nhập cao thuộc nhóm OECD chỉ khoảng 1.05 %/năm nhưng lại quyết định mức tăng chung của toàn Thế giới (1.06 %/năm). Nhìn vào bảng 2 nhiều người lạc quan có thể cho rằng, với mức tăng của các nước còn lại cao hơn nên đến lúc nào đó sẽ đuổi kịp giá trị vốn con người của các nước thu nhập cao thuộc nhóm OECD. Thật ra, điều này rất khó (nếu không muốn nói là không thể) xảy ra vì xuất phát điểm giá trị vốn con người của các nước còn lại rất thấp nên tỉ lệ tăng có cao hơn nhưng mức tăng thật sự về giá trị lại rất thấp. Thậm chí mức tăng của các nước thu nhập cao thuộc nhóm OECD bằng không thì cũng còn rất lâu giá trị vốn con người các nước còn lại mới bằng được giá trị rất cao hiện nay của vốn con người tại các nước này. Và, có thể đưa ra nhận xét tương tự đối với tổng mức giàu có, nghĩa là rất khó để đưa mức giàu có của các nước thu nhập thấp hơn có thể tiếp cận mức giàu có của các nước thu nhập cao thuộc nhóm OECD. 

Bảng 2. Mức tăng trưởng %/năm giai đoạn 1995-2014 theo các nhóm nước

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 5

Vậy nguồn số liệu đang được sử dụng để tính vốn con người trong các nghiên cứu của WB bao gồm những yếu tố, chỉ thị nào, nguồn số liệu ở đâu cần phải được làm rõ. Có thể tham khảo chỉ thị và nguồn số liệu do WB đề xuất trên bảng 3. Từ bảng này cho thấy, nguồn dữ liệu chủ yếu từ các cơ sở dữ liệu thống kê của quốc tế như Cơ sở dữ liệu phân phối thu nhập quốc tế (I2D2) chẳng hạn. Tôi không rõ, có người Việt Nam nào đã tiếp cận các nguồn số liệu này hay không, có số liệu liên quan đến Việt Nam trong đó hay không và nguồn số liệu thô do cơ quan nào của Việt Nam cung cấp. Trong trường hợp chưa tiếp cận được thì vẫn có thể coi nguồn số liệu này có độ tin cậy nhất định và được sử dụng để có thể so sánh kết quả tính các chỉ thị, chỉ số của các quốc gia trên Thế giới. Tuy nhiên, nếu yêu cầu được WB phân tích riêng về số liệu của Việt Nam thì chúng ta mới thật sự hiểu được thực trạng những con số mà WB ước tính cho Việt Nam, kể cả mức giàu có và các thành phần của nó.

Bảng 3. Nguồn số liệu để ước tính vốn con người

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 6

Rõ ràng đội ngũ các nhà khoa học, kỹ thuật viên, nhân viên của WB đã phải xử lý một lượng số liệu lớn thu được của nhiều nước để tính vốn con người cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam. WB cũng đã có nhiều dự án tài trợ cho Việt Nam nhằm tăng cường năng lực cho các hệ thống thống kê, thu thập, phân tích các dữ liệu về hoạt động kinh tế, xã hội. Tổng cục Thống kê của Việt Nam trong những năm qua cũng đã thu thập, xử lý, xây dựng cơ sở dữ liệu cho nhiều ngành kinh tế xã hội, đã xuất bản được những tài liệu quan trọng giúp làm rõ hiện trạng và xu thế phát triển nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề của Việt Nam. Đây cũng là số liệu có thể cung cấp để WB tính mức vốn con người cho Việt Nam, và hy vọng trong thời gian tới, Việt Nam có thể tự tính nguồn vốn này cũng như một số vốn thành phần khác của mức giàu có của Việt Nam.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 7

Theo tính toán của WB thì năm 2005 mức vốn vô hình (có thể coi là vốn con người) của Việt Nam chỉ là 4.196USD/người, chiếm 44,8 % tổng mức giàu có nhưng đến năm 2014 vốn con người đã tăng đến mức 13.740 USD/người, chiếm 50,2 % tổng mức giàu có.

Để phân tích, làm rõ giá trị vốn con người của Việt Nam theo các tính toán của WB, một số giá trị của các nước cũng được đưa vào để so sánh (hình 6). 

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 8
Hình 6. Vốn con người của Việt Nam và một số nước khác.

Rõ ràng, về giá trị, vốn con người trên đầu người của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp, chỉ hơn được Ấn Độ và Bangladesh trong số các nước liệt kê trên hình 6. Là một người dân đất Việt tôi rất ấm ức không hiểu vì sao giá trị vốn này của Việt Nam lại nhỏ như vậy.

Người viết bài này đã phải tham khảo thêm một số số liệu thống kê gần đây về trình độ người lao động, mức thu nhập của lao động để tự giải thích. Và quả thực, chỉ xét trình độ học vấn của người lao động thì cũng phần nào lý giải được ấm ức trên vì có tới 3,6% người lao động có việc làm chưa đi học/đào tạo; 10,2% chưa tốt nghiệp tiểu học, các con số này đối với nữ còn cao hơn (bảng 4). Hay, năm 2017, có 37,1% "Lao động giản đơn" (19,9 triệu người). Các nhóm nghề cơ bản khác bao gồm "Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng" (8,97 triệu người tương đương 16,7%); "Lao động có kỹ thuật trong nông, lâm, ngư nghiệp" (5,2 triệu người tương đương 9,8%) và "Thợ thủ công và các thợ khác có liên quan" (7,05 triệu người tương đương 13,1%). Ngược lại, lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao và lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc trung chiếm tỉ trọng khá khiêm tốn trong tổng số lao động đang làm việc (tương ứng là 7,2% và 3,3%) [4]. Còn trong Niên giám Thống kê 2019 thì tỉ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật cả nước chỉ là 22%, trong đó trình độ sơ cấp: 3,6%; trung cấp 5,2%; cao đẳng 3,7%, đại học trở lên: 10% [5].

Bảng 4. Cơ cấu lao động có việc làm theo trình độ học vấn cao nhất đạt được

và giới tính, năm 2017 [4]

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 9

Xét về năng suất lao động, trong Niên giám Thống kê 2019 đưa ra khái niệm và cách tính như sau:

Năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, thường đo bằng tổng sản phẩm trong nước tính bình quân một lao động trong thời kỳ tham chiếu, thường là một năm lịch.

Năng suất lao động xã hội (VND/lao động) = Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chia cho Tổng số người làm việc bình quân.

Bảng 5 thống kê lao động làm việc trong ngành kinh tế với lượng lớn tập trung vào ngành nông-lâm-thủy sản (tới trên 23 triệu người năm 2015, chiếm gần 50% tổng lao động), nhưng có xu hướng giảm dần cả giá trị và tỉ lệ trong các năm sau, đến năm 2018 chỉ còn khoảng 20,5 triệu lao động hoạt động trong ngành này. Lực lượng đông đảo tiếp theo thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo với tổng lao động năm 2015 là 8.457.500 người và đang tăng dần theo các năm, đạt xấp xỉ 10 triệu người năm 2018. Tiếp đến là lượng lao động ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác. Các lực lượng lao động tiếp theo đều ít hơn 5 triệu người.

Bảng 5. Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm phân theo ngành kinh tế [5]

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 10
Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 11

Bảng 6.Năng suất lao động xã hội phân theo ngành kinh tế [4]

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 12
Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 13

Như vậy, lực lượng lao động Việt Nam vẫn còn tập trung ở những ngành không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng, kiến thức, phần nào vẫn theo kinh nghiệm từ cha ông để lại. 

Xét về năng suất lao động, các ngành có năng suất lao động cao như ngành khai khoáng, đạt 1.747,8 triệu đồng/người năm 2015 và có xu thế giảm năm 2016 rồi lại tăng, sơ bộ đạt trên 2 tỉ đồng/người năm 2019. Tuy nhiên, lực lượng lao động trong lĩnh vực này không nhiều, chỉ có 230.500 người năm 2015, các năm sau đó còn ít hơn. Tiếp đến là hoạt động kinh doanh bất động sản, với giá trị năng suất lao động lên tới trên 1.300 triệu đồng/người năm 2015 nhưng đang giảm rất nhanh ở các năm sau, chỉ còn 974,5 triệu đồng/người năm 2018 và còn tiếp tục giảm. Lực lượng lao động trong lĩnh vực này cũng rất ít, chỉ có 162.700 người năm 2015 tăng đến 260.500 người năm 2018 và còn tăng tiếp ở một vài năm tới. Các ngành có năng suất lao động cao khác như: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đều có lực lượng lao động không lớn, chỉ khoảng vài trăm nghìn người tham gia.

Một điều đáng suy ngẫm là năng suất lao động của nhóm lao động trong các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; quản lý Nhà nước, an ninh quốc phòng; đảm bảo xã hội bắt buộc thuộc loại thấp. Có thể thấy một số khá đông những người lao động trong nhóm này thuộc loại tinh hoa của đất nước, đó là những người lãnh đạo các cấp trong Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, lãnh đạo các địa phương,... mà lại có năng suất lao động thấp? Vì năng suất lao động là tỉ số Tổng sản phẩm trong nước (GDP) chia cho Tổng số người làm việc bình quân nên phải chăng GDP thu được trong lĩnh vực này thấp. Có một thực tế là lương do Ngân sách Nhà nước cấp vẫn theo bậc quy định nên thu nhập từ lương của nhóm người lao động này cũng không cao, kể cả lãnh đạo cấp cao hoạt động trong Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ. Điều này có hợp lý hay không phải xem xét rộng hơn, kỹ hơn về cơ sở hạ tầng, thể chế của nền tài chính quốc gia, về cơ sở tính thu nhập của người lao động, nhất là ở những lĩnh vực đặc thù như lãnh đạo các cơ quan Nhà nước chẳng hạn. Tôi nhớ có lần một nhân viên ở trường đại học lớn hỏi Hiệu trưởng là tại sao chúng tôi phải làm việc 8 tiếng tại trường mà giảng viên (cán bộ giảng dạy khi đó) lại không phải đến làm 8 tiếng như chúng tôi?, GS Hiệu trưởng trả lời một câu rất hay là, giảng viên làm việc ở nhà hiệu quả hơn và tôi tin chắc họ không chỉ làm việc 8 giờ mà nhiều hơn, có thể lên đến 10-12 giờ một ngày. Vì vậy, một số nước có chế độ trả thu nhập cao cho lãnh đạo không phải vì nể sợ họ mà vì công việc, vì tâm trí, sức lực của họ bỏ ra rất nhiều để đơn vị của họ có được sự phát triển nhanh và bền vững.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 14

Như vậy, ở Việt Nam, lao động còn tập trung ở nhóm ngành không đòi hỏi kỹ năng cao, năng suất lao động không cao, giá trị gia tăng trong sản phẩm dịch vụ còn hạn chế thì vốn con người tính trên đầu người thấp cũng có thể lý giải được.

Một vấn đề đang được thảo luận nhiều trên thế giới liên quan đến thời gian làm việc, cường độ làm việc và tác phong làm việc. Trung Quốc có được sự bứt phá ngoạn mục về tăng trưởng mức giàu có và cả vốn con người trên đầu người trong thời gian qua chắc chắn đến từ tác phong làm việc khoa học, mang tính công nghiệp; thời gian làm việc nhiều; cường độ làm việc cao với áp lực lớn. Công thức 9.9.6 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần) của lớp trẻ Trung Quốc là minh chứng cho nhận xét nêu trên. Việt Nam cũng đã cải thiện nhiều về chất lượng lao động, cường độ lao động nhưng chắc còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới có được thành quả mong muốn.

Bàn thêm về đóng góp của giáo dục, đào tạo. Đây là yếu tố mang tính quyết định mức vốn con người của mỗi quốc gia. Muốn có nền giáo dục, đào tạo tốt thì phải đầu tư phát triển nhiều hơn nữa để nâng cao cả về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ thày, cô giáo, những cán bộ quản lý và nhân viên trong ngành. Nguồn lực có thể từ ngân sách nhà nước, mà thực chất là từ thuế thu được từ nhiều tầng lớp dân cư của quốc gia, từ kinh phí xã hội hóa (gia đình, doanh nghiệp) và cả từ hỗ trợ của chính phủ và tổ chức nước ngoài. Những nước giàu có đã phổ cập giáo dục hết trình độ phổ thông (không phải đóng học phí) và rộng cửa để học sinh có thể tiếp tục vào học ở các trường đại học, viện chuyên ngành với mức đóng góp không cao và có thể vay ngân hàng để chi trả. Nghĩa là học hết phổ thông, học sinh có thể tự lo kinh phí học cao hơn, không còn phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ, gia đình như ở Việt Nam. Về nguyên tắc các trường đại học phải thu học phí để chi trả toàn bộ chi phí đào tạo của sinh viên, bao gồm chi trả cho thày (chỉ là một phần) còn chi trả cho cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, hóa chất, mẫu vật, đi thực địa,... lớn hơn nhiều. Nếu coi học phí chỉ là đóng để chi trả cho thầy cô là một sai lầm lớn. Tôi nhớ khi học tiếng Trung Quốc thày giáo nói chữ “học” được viết mô tả một cậu bé đội mâm lễ vật đến thày đồ xin học, chắc lúc đó chỉ là học chữ, học văn, chưa phải học các môn khoa học cần nhiều thực nghiệm như bây giờ. Phải chăng một số người vẫn còn quan niêm đơn giản về sự dạy, sự học như vậy. 

Vừa rồi, cộng đồng mạng lại phân tích rất nhiều về đoạn phát biểu của GS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội trước Quốc hội ngày 25/7/2021: “Chúng ta cũng phải đảm bảo học phí cũng là một rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành học đại”. Tôi cũng đã là một giảng viên đại học nên cũng thấy có những sinh viên đến trường nhưng không chú tâm đến việc học, mà chỉ là “học đại” như GS Lê Quân nói, nhưng phải khẳng định số này không nhiều.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 15

Có lần, tôi đi thỉnh giảng ở một trường đại học tư, đang giảng bài nhìn xuống thấy một cặp sinh viên đang “cấu chí” nhau, tôi xuống nhìn vào thì cậu con trai thản nhiên nhìn tôi như muốn nói thày dạy là việc của thày, chúng tôi đã đóng học phí để trả thày rồi, còn chúng tôi có học hay không là quyền của chúng tôi. Vậy, số sinh viên này thuộc thành phần nào?, giàu hay nghèo?, họ đi học vì nhu cầu tự thân, học để phát triển, hay học vì sắp đặt của bố mẹ và họ chỉ đến để “học đại”. Tuy nhiên, theo tôi, không thể coi học phí là rào cản kỹ thuật để tránh việc học sinh lao vào học đại học và trở thành học đại, mà phải coi học phí đóng cao là để đảm bảo điều kiện giảng dạy tốt, để sinh viên được tiếp xúc với môi trường học tương đương những nước có chất lượng giáo dục, đào tạo tiên tiến trên thế giới. Và, đây cũng là điều thúc đẩy sinh viên phải cố gắng học tốt, có kết quả học tập tốt, có đủ kiến thức để sau này có việc làm nuôi mình và đóng góp cho xã hội, xứng đáng với “đồng tiền bát gạo” mà mình đã bỏ ra. Tất nhiên, vẫn xảy ra hiện tượng một số gia đình có điều kiện kinh tế sẵn sàng đóng học phí cao để cho con vào đại học, thậm chí đại học nước ngoài mà ít quan tâm con mình có học hành đến nơi đến chốn không hay lại rơi vào trường hợp “học đại”. Học phí cao sẽ gây áp lực cho học sinh nghèo nhưng có năng lực/tài năng tốt khi chọn trường để học, nhưng nhà nước, các tổ chức xã hội vẫn có những suất học bổng cho đối tượng này hoặc có cơ chế cho vay để đi học. Thường thì nhóm học sinh này phải rất nỗ lực săn đón các suất học bổng này, kể cả học bổng đi học nước ngoài. 

Tôi nhớ cố GS Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Ngụy Như Kon Tum kể lại rằng, GS sang Nhật (vào những năm 80 thế kỷ 20) và được biết, sinh viên lúc vào trường đại học là 100% thì lúc ra trường có khi chỉ từ 40 đến 60% số ấy thôi và GS hỏi chúng tôi có biết số còn lại họ đi đâu không? Thật tình chúng tôi chỉ nghĩ chắc là bỏ học hoặc bị đuổi học nhưng GS hình như đoán được suy nghĩ của chúng tôi nên mỉm cười trả lời rằng, phần lớn họ học khoảng hai năm là có thể liên hệ đi làm ở các công ty và sau đó, khi có điều kiện sẽ đi học tiếp với sự tài trợ của công ty đó. Việt Nam, hiện có rất ít điều kiện để sinh viên thực hiện điều tương tự. Tôi có đọc một truyện ngắn trên báo Văn nghệ mà trăn trở, ám ảnh mãi về nội dung câu chuyện. Truyện ngắn có tiêu đề rất khêu gợi tò mò của người đọc: “Ma chữ”, càng đọc tôi càng thấy xót xa cho cô sinh viên có bằng Thạc sĩ trong truyện. Đó là cô có học lực chắc chỉ vào loại khá thôi nhưng so với dòng họ ở nông thôn thì đã rất tự hào, tốt nghiệp phổ thông, không thi vào được trường đại học công có học phí thấp nhưng gia đình (mặc dù chẳng giàu có gì) nghĩ về vinh dự dòng họ vẫn cố cho con em mình vào trường tư thục với học phí cao hơn. Và, khi tốt nghiệp đại học, không xin được việc làm, được mấy cô bạn mách nước phải có bằng Thạc sĩ mới dễ xin việc nên tân Cử nhân lại viết thư xin gia đình trợ cấp để học tiếp. Gia đình đã phải chi khoản tiền khá mà ở nông thôn không dễ kiếm để lo ăn học cho cô này 4 năm, nay lại phải đầu tư thêm thì khó lại thêm khó. Nhưng với giấc mơ đổi đời, làm mát mặt gia đình và dòng họ nên những người thân lại bán nhiều thứ để tài trợ cho con em mình học tiếp để có bằng Thạc sĩ. Cho đến khi tốt nghiệp không xin được việc làm ở thành phố lớn cô Thạc sĩ phải về quê xin việc trái nghề ở một cơ sở gần nhà để kiếm sống và phụ giúp gia đình. Lúc ấy, một người già trong gia đình (tôi nhớ là người ông thì phải) có than thở với một thày giáo hàng xóm là đã sai lầm và bị con “ma chữ” mê hoặc nên đã đầu tư khá nhiều cho cháu đi học mà không đem lại mong ước đổi đời đã chờ đợi. Một câu chuyện có phần hư cấu nhưng cũng phản ánh một thực trạng đáng buồn khi xã hội chưa tạo được điều kiện để sinh viên, học viên cao học, thậm chỉ nghiên cứu sinh sau khi nhận bằng có thể tìm được việc làm phù hợp.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 16

Một câu hỏi nữa đang đặt ra là giáo dục phổ thông và cả đào tạo đại học của Việt Nam có nhiều điểm sáng, đã đào tạo được nhiều người có trình độ hiểu biết, có học vấn cao nhưng họ lại không về làm việc ở Việt Nam.

Đây có phải là lỗi của ngành giáo dục không và tại sao lại không khuyến khích họ về Việt Nam cống hiến cho đất nước. Thật ra, trả lời câu hỏi này không dễ. Khi mà nhiều trí thức giỏi Việt Nam di tản những năm 80 của thế kỷ 20 đã có người nước ngoài hỏi tôi lý do họ bỏ Việt Nam ra đi, tôi đã trả lời là những nhà khoa học giỏi rất cần môi trường làm việc tốt mà Việt Nam chưa tạo lập được nên họ muốn ra đi tìm nơi tốt hơn để thỏa mong muốn sáng tạo. Đại đa số những người ra đi không phải là không yêu đất nước Việt Nam nhưng vẫn phải sang nước ngoài để có thể phát triển tốt hơn. Hiện nay cũng vậy, nhiều người tài, nhiều trí thức nổi tiếng của Việt Nam vẫn đang làm việc tại nước ngoài. Nhưng tôi tin rằng khi được tin tưởng giao việc, tạo điều kiện tốt để làm việc thì họ sẽ quay về nước để cống hiến, giống như chính sách của một số nước láng giềng của chúng ta đã thực hiện được. Khi có điều kiện làm việc tốt thì không chỉ trí thức, người tài của Việt Nam quay về làm việc mà các nhà khoa học, bác sĩ giỏi của nước ngoài cũng sẵn sàng sang Việt Nam làm việc. Sang Singapore hay Malaysia, vào các trường đại học, bệnh viện lớn chúng ta có thể bắt gặp nhiều người nước ngoài làm việc, một số còn là lãnh đạo, quản lý đơn vị.

Hiện tại vốn con người của Việt Nam còn thấp (nếu không muốn nói là rất thấp) nhưng mức tăng trưởng vốn này từ 2005 đến 2014 là điểm sáng rất đáng ghi nhận. Vốn con người giai đoạn 2005 - 2014 của Việt Nam đã tăng với mức 2,9 %/năm (bảng 7). Tuy nhiên mức tăng này vẫn còn thua xa các nước như Trung Quốc 5,6 %/năm hay Lào 4,9 %/năm, Malaysia 3,7 %/năm. Việt Nam phải rút kinh nghiệm và học hỏi cách thức tiếp cận của các quốc gia trên để nâng cao hơn nữa mức tăng vốn con người trong những năm tiếp theo.

Bảng 7. Mức tăng hàng năm của vốn con người Việt Nam và một số quốc gia

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2) - Ảnh 17

Đi lên từ một nước nghèo, lại bị chiến tranh tàn phá nên Việt Nam không dễ phát triển nhanh được. Tuy nhiên, với những gì làm được từ khi đất nước quyết tâm đổi mới sẽ là tiền đề, là bàn đạp để Việt Nam sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa, vốn con người chắc chắn sẽ tăng cao trong tương lai gần.

Tài liệu tham khảo

 [3]. WB, 2018, The Changing Wealth of Nations.

[4]. Tổng cục Thống kê, 2019, Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2018, Nhà xuất bản Thống kê. file:///C:/Users/hoang/Downloads/Lao_dong_viec_lam.pdf

[5]. Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2019

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Thiết kế: Hoàng Việt

Bạn đang đọc bài viết Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới