Thứ ba, 23/04/2024 23:39 (GMT+7)
Thứ ba, 10/08/2021 13:41 (GMT+7)

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1)

Theo dõi KTMT trên

Loạt bài viết mới của GS.TS Hoàng Xuân Cơ, UVBTV TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam về Nhận dạng tổng tài sản, vốn sản xuất, vốn con người của Việt Nam để định hướng phát triển kinh tế xã hội trong tương lai, qua nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 1
Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 2

Tổng mức giàu có (còn có thể coi là tổng tài sản/của cải) là thước đo nguồn lực tổng hợp của mỗi quốc gia trong một giai đoạn nào đấy (thường lấy khoảng 10 năm), hết giai đoạn này sẽ tính cho giai đoạn tiếp theo.

Ngân hàng Thế giới (WB) đã tính tổng mức giàu có cho nhiều nước năm 2000 (xuất bản năm 2006), nhưng do có một vài thay đổi trong cách tính nên tổng mức giàu có năm 2011 lại được tính (xuất bản năm 2014) rồi tổng mức giàu có năm 2014 lại được tính (xuất bản năm 2018). Lần tính tổng mức giàu có năm 2000, Việt Nam không có số liệu. Thật ra, WB đã tính các giá trị đặc trưng cho mức giàu có các quốc gia từ năm 1995, được trình bày trong lần xuất bản năm 2018 để xét xu thế biến đổi giai đoạn 1995 – 2014.

Tổng mức giàu có trong cách tiếp cận mới được tính bằng cách lấy tổng các ước tính của từng thành phần của cải: vốn sản xuất, vốn tự nhiên, vốn con người và tài sản nước ngoài ròng. Điều này thể hiện một sự khác biệt đáng kể so với các ước tính trước đây, trong đó tổng tài sản được ước tính bằng (1) giả định rằng tiêu dùng là lợi nhuận trên tổng tài sản và sau đó đó (2) tính trở lại tổng tài sản từ tiêu dùng ổn định hiện tại (“cách tiếp cận từ trên xuống”). 

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 3
Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 4

Sự giàu có của một đất nước bao gồm một danh mục tài sản đa dạng, chúng cùng nhau tạo thành cơ sở sản xuất của nền kinh tế quốc gia. 

Những tài sản này bao gồm: 

  • Vốn tự nhiên - bao gồm năng lượng (dầu, khí đốt tự nhiên và than đá), khoáng sản, đất nông nghiệp (đất trồng trọt và đồng cỏ), các khu bảo tồn và rừng (gỗ và một số lâm sản ngoài gỗ);
  • Vốn sản xuất - bao gồm máy móc, kết cấu, thiết bị và đất đô thị;
  • Vốn con người - bao gồm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thể hiện trong lực lượng lao động; và
  • Tài sản nước ngoài ròng (NFA) - bao gồm vốn chủ sở hữu danh mục đầu tư, nợ chứng khoán , đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn tài chính khác được tổ chức ở các quốc gia khác. 

Tổng tài sản được tính bằng cách cộng từng thành phần của tài sản (“phương pháp tiếp cận từ dưới lên”):

Tổng của cải = Vốn tự nhiên + Vốn sản xuất + Vốn nhân lực + Tài sản nước ngoài ròng

Trong các ước tính trước đây, vốn sản xuất, vốn tự nhiên và tài sản nước ngoài ròng được tính toán trực tiếp, sau đó trừ vào tổng tài sản để thu được giá trị còn lại. Phần còn lại không giải thích được, được gọi là “vốn vô hình”, phần lớn là do vốn con người cũng như tài sản bị thiếu hoặc bị đánh giá sai. Giờ đây, với phép đo trực tiếp vốn con người, tổng tài sản có thể được ước tính bằng tổng của tất cả các loại tài sản.

WB đã thiết lập phương pháp tính, được chỉnh sửa ít nhiều theo thời gian nhưng vẫn đảm bảo có thể so sánh các giá trị theo các năm của các vốn tài nguyên thành phần và tổng mức giàu có. Hình 1 trình bày mức giàu có đầu người trên toàn thế giới và của một số nhóm quốc gia năm 2014. Qua đó cho thấy mức chênh lệch rất lớn giữa các nhóm quốc gia giai đoạn 1995 - 2014. Mức giàu có chung toàn Thế giới năm 2014 là 168.580 USD/người nhưng ở các nước thu nhập thấp chỉ là 13.629 USD/người, ở  các nước thu nhập trung bình ở mức thấp (trong đó có Việt Nam) cũng chỉ là 25.948 USD/người, trong khi ở các nước thu nhập cao không thuộc nhóm OECD, giá trị này lên tới 264.998 USD/người, thậm chí ở các nước thu nhập cao thuộc nhóm OECD đạt 498.399 USD/người, gấp tới trên 36 lần so với nhóm thu nhập thấp.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 5
Hình 1. Mức giàu có đầu người của một số nhóm quốc gia năm 2014. [1, 2, 3]
Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 6
Hình 2. Tổng mức giàu có trên đầu người và tỉ lệ phần trăm một số vốn thành phần.

Để hiểu rõ hơn tại sao có sự chênh lệch quá lớn về mức giàu có giữa các nhóm nước, có thể phân tích tỉ lệ phần trăm một số vốn thành phần (được chỉ ra trên hình 2). Từ hình này cho thấy nhóm nước có mức giàu có nhất cũng là nhóm có tỉ lệ vốn con người và vốn sản xuất cao nhất. Vốn con người chiếm tới 70% tổng mức giàu có ở nhóm quốc gia có thu nhập cao thuộc OECD chứng tỏ vốn con người có thế mạnh áp đảo. Trên hình 2 có đưa cả vốn tài nguyên và vốn carbon nhưng phải hiểu là trong vốn tài nguyên đã có vốn carbon, nhưng tách riêng để thấy, các nước thu nhập cao không thuộc OECD có vốn carbon cao nhất. Các nước có thu nhập thấp vẫn phụ thuộc vào khai thác vốn thiên nhiên nhưng trong vốn này không có nhiều dầu mỏ, khí đốt, than đá (vốn carbon) và tuy mức phần trăm đóng góp lớn nhưng giá trị vốn tài nguyên ở đây cũng rất nhỏ.

So sánh về quy mô dân số và mức giàu có của các nhóm quốc gia càng thấy rõ sự khác biệt quá lớn giữa các nước thu nhập cao thuộc OECD với các nhóm còn lại (hình 3). Chỉ với 15,4% dân số toàn cầu mà các nước này sở hữu tới 64,9% tổng mức giàu có toàn Thế giới. Phần lớn mức giàu có đến từ vốn con người, vậy người dân những nước này là ai mà sao họ có thể sở hữu mức vốn con người, theo cách tiếp cận của WB là: “Vốn con người - giá trị của kỹ năng, kinh nghiệm và nỗ lực làm việc của người dân trong suốt cuộc đời của họ, được phân tách theo giới tính và tình trạng việc làm (đi làm, tự kinh doanh). Vốn con người được đo bằng giá trị chiết khấu của thu nhập trong suốt cuộc đời của một người” cao đến mức như vậy, vẫn là điều nhiều người muốn biết.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 7
Hình 3. Tỉ lệ (%) dân số và mức giàu có của một số nhóm nước năm 2014.

Xét về xu thế, có thể thấy xu thế chung của toàn Thế giới đối với mức giàu có trên đầu người là tăng đều trong giai đoạn 1995 - 2014. Tuy nhiên, những nhóm quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình mức thấp lại có xu thế giảm sau 1995 rồi mới tăng sau đó, ví dụ như nhóm quốc gia thu nhập thấp phải sau 2005 mức giàu có trên đầu người mới bắt đầu tăng, còn những quốc gia thu nhập trung bình ở mức thấp thì sau 2000 giá trị này mới tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến xu thế trên là, sau năm 1995 ở các nước này có mức tăng dân số quá nhanh, nhanh hơn mức tăng các nguồn vốn nên mức giàu có trên đầu người giảm, khi điều chỉnh để mức tăng dân số nhỏ hơn mức tăng trưởng các nguồn vốn thì mức giàu có trên đầu người lại tăng lên. Xu thế tăng ấn tượng nhất đạt được tại các nước có thu nhập trung bình ở mức cao với mức tăng trung bình đạt được là 4,25%/năm, từ 51.142 USD/người năm 1995 đến 112.798 USD/người năm 2014; tiếp đến là nhóm quốc gia thu nhập cao không thuộc OECD với mức tăng 2,56%/năm, từ 163.827 USD/người năm 1995 đến 264.998 USD/ người năm 2014.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 8

Việt Nam thuộc các nước thu nhập trung bình ở mức thấp, trước năm 2005 WB không tính tổng mức giàu có cho Việt Nam nên hiện chỉ có hai mốc tính là 2005 và 2014. 

Thực trạng mức giàu có của Việt Nam

Để phân tích thực trạng mức giàu có của Việt Nam, các số liệu liên quan sẽ được so sánh với một số quốc gia. Trên hình 4 trình bày mức vốn giàu có của Việt Nam và của một số quốc gia, trong đó có các quốc gia láng giềng. Kể ra, nhìn vào hình này có hơi buồn cho một số nước có mức giàu có/tài sản/của cải quá thấp so với một số nước khác. Nếu so với Na Uy thì quả là một trời một vực theo nghĩa đen của từ này trên hình 4, với mức giàu có năm 2014 của Việt Nam chỉ là 27.368 USD/người, trong khi giá trị này của Na Uy lên tới 1.671.756 USD/người. Tuy nhiên, mức giàu có trên đầu người của Việt Nam chưa phải là thấp nhất, còn hơn cả Ấn Độ và đặc biệt là lớn hơn gấp đôi giá trị của Bangladesh. Trong số các nước Đông Nam Á trên hình 4 thì Việt Nam có mức giàu có đầu người thấp nhất, thấp hơn cả Lào, trong khi Malaysia đã đạt mức 239.203 USD/người còn Thái Lan có mức giá trị gấp hơn 2 lần của Việt Nam. 

Có lẽ, chúng ta sẽ yên tâm, thấy vui hơn khi xét đến mức độ tăng trưởng đáng ghi nhận của Việt Nam từ năm 2005 đến 2014; mức tăng trưởng gấp gần 3 lần chứng tỏ chúng ta đã cố gắng từng bước nâng cao các vốn thành phần, giúp nâng cao tổng mức giàu có giai đoạn này. Với những mức tăng trưởng rất lớn của những nước láng giềng như Trung Quốc (5,6 lần), Lào (4,9 lần), Malaysia (3,7 lần) là bài học mà chúng ta cần học tập, xem họ đã có những chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển giai đoạn này như thế nào mà có được mức tăng trưởng cao như vậy (xem bảng 1).

Bảng 1. Mức tăng (lần) của mức giàu có trên đầu người năm 2014 so với 2005 tại một số nước

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 9
Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 10
Hình 4. Tổng mức giàu có trên đầu người của Việt Nam và một số quốc gia.

Hy vọng rằng trong giai đoạn sau 2014, nhất là sau 2020, với những đổi mới, sáng tạo, với chính sách phát triển hiệu quả, với sự cố gắng của toàn hệ thống chính trị, của toàn dân, Việt Nam sẽ bứt tốc tăng trưởng để đạt được mục tiêu đề ra của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Nghị quyết Đại hội XIII.

Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1) - Ảnh 11

“- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.”

Tài liệu tham khảo

[1]. WB, 2006, Where is the Wealth of Nations, Measuring Capital for the 21st Century.

[2]. WB, 2011, The Changing Wealth of Nations: Measuring Sustainable Development in the New Millennium.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ

Thiết kế: Hoàng Việt

Bạn đang đọc bài viết Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 1). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

10 dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023
Khép lại năm 2023, trong bối cảnh thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, tình hình diễn biến bất thường, phức tạp vượt mọi dự báo trước đó, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, nhiều lĩnh vực đạt thành tựu, dấu ấn nổi bật.

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.