Nha Trang: Bị phản ánh lợi dụng nạo vét sông để khai thác khoáng sản, chủ đầu tư dự án nói gì?
Trước phản ánh của người dân về việc đơn vị thi công dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc – sông Quán Trường (TP. Nha Trang – Khánh Hòa) thực hiện sai biện pháp thi công, nạo vét sông để khai thác khoáng sản, Chủ đầu tư (CĐT) khẳng định là “hiểu nhầm”.
Dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc – sông Quán do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Trong đó, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Trọng Anh 86 là đơn vị trực tiếp nhận thầu thực hiện dự án. Đơn vị giao thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng Đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương.
Liên quan đến dự án này, trong thời gian gần đây, nhiều người dân lên tiếng phản ánh về tình trạng đơn vị nhận thi công đã trang bị và đặt cố định máy bơm hút cát tại khu vực giữa lòng sông để thực hiện quy trình nạo vét, sau đó dùng đường ống để đưa cát về bãi tập kết tại điểm Khu đô thị An Bình Tân, rồi dùng xe vận chuyển đi nơi khác. Điều này có dấu hiệu khai thác, vận chuyển cát trái phép, vi phạm pháp luật về khoáng sản.
Theo một số nhận định, dựa trên hồ sơ thiết kế, biện pháp thi công ban đầu mà các bên thống nhất để thực hiện nạo vét lòng sông là thi công bằng công cụ tàu hút hoặc bằng máy đào, sau đó vận chuyển đến bãi đổ thải.
Tuy nhiên, hoạt động đơn vị này đang làm ở hiện trường được giao nạo vét không đúng với biện pháp thi công ban đầu theo thống nhất quy trình nạo vét giữa các bên khi tiến hành thực hiện dự án Chỉnh trị hạ lưu sông Tắc – sông Quán Trường.
Trả lời Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường về sự việc trên, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa – Quách Thanh Sơn xác nhận, có sự việc đặt máy bơm hút giữa hồ để thực hiện nạo vét. Tuy nhiên, chỉ hút các chất thải bùn, cát dư thừa để hoàn thiện dự án.
Cụ thể, việc thực hiện nạo vét bằng máy bơm hút tại khu vực dự án này đã được cho phép làm và phải làm thì mới có thể mang lại hiệu quả trong việc giải quyết triệt để vấn đề còn tồn đọng sâu dưới lòng sông.
Ông Sơn lý giải, với khu vực giữa lòng sông, đơn vị thi công thực hiện rất khó khăn, không thể dùng xuồng để múc lên được, buộc phải dùng máy để hút và đổ lên bờ để đem đi nơi khác.
“Các thứ hút lên là chất thải có trộn lẫn bùn và cát, chứ không phải chỉ có cát như lời phản ánh. Xem xét hình ảnh người dân đưa ra thì cát được để tại khu vực thuộc dạng cát xây dựng, do xe ô tô ở nơi khác mang đến đổ, cát cũng rất trắng và sạch chứ không phải dạng đất bùn như ở lòng sông”, ông Sơn khẳng định.
Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa cũng cho biết, về việc đổ thải, trước kia, hai bên đường khu vực chưa được đưa vào thi công thì đơn vị có thể đổ thải ở hai bên. Tuy nhiên đến hiện tại, hai bên khu vực đã triển khai làm đường và có trải nhựa, nên buộc phải tìm địa điểm khác để đổ và xử lý.
Cũng theo ông Sơn, dự án này đã được đơn vị thi công gần chục năm, đến nay đã hoàn thiện gần như toàn bộ quy trình. Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa đã có văn bản gửi cho Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh đề nghị kiểm tra chất lượng để nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Bên cạnh đó, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Khánh Hòa khẳng định, cho đến hiện tại thì dự án đã hết thời gian thực hiện, qua quá trình kiểm tra còn 2 hạng mục chưa hoàn thiện hoàn toàn nên đơn vị vẫn đang tiếp tục thực hiện những công việc cuối cùng. Cụ thể, tại dự án còn tồn tại một số cồn cát nhỏ nên chưa đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện theo như kế hoạch.
Nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ một phần là do những năm trước diễn ra thiên tai như lũ lụt khiến đất bị bồi lắng, gây ảnh hưởng đến chất lượng dự án. Buộc Ban quản lý dự án phải rà soát lại và đưa cơ quan nghiệm thu theo đúng thiết kế.
Ngoài ra, người dân xung quanh có hoạt động cắm hàng loạt cọc xuống khu vực để thực hiện nuôi vẹm. Đối với việc này thì Ban quản lý dự án đã phối hợp cùng với chính quyền TP. Nha Trang để tổ chức tác động người dân, yêu cầu khẩn trương dọn dẹp khu vực để sớm bàn giao lại hiện trạng ban đầu.
Trước tình hình này, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh cũng đã tổ chức cuộc họp với đơn vị thi công để yêu cầu đơn vị này nhanh chóng hoàn thiện toàn bộ các hạng mục mặt cắt để phục vụ cho công tác kiểm tra của Sở trong thời gian tới.
Đồng thời, sử dụng công cụ phát tín hiệu siêu âm để đo độ sâu, kịp thời phát hiện những phần còn chưa hoàn chỉnh, còn nhiều phần gờ nhô lên và tiến hành xử lý triệt để.
Huỳnh Mai