Khánh Hòa: Thống nhất giải pháp phục hồi rạn san hô vịnh Nha Trang
Trước việc hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang bị suy giảm nghiêm trọng, UBND TP. Nha Trang đề xuất kế hoạch thực hiện giải pháp tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có buổi làm việc và nghe UBND TP. Nha Trang đề xuất kế hoạch thực hiện giải pháp tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang. Theo UBND TP. Nha Trang, Vịnh Nha Trang là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia, là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam, một trong những nơi có hệ sinh thái rạn san hô đa dạng sinh học cao thuộc hàng đầu của Việt Nam và thế giới.
Mặc dù hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia nhưng theo nghiên cứu của các chuyên gia, năm 1994 độ phủ trung bình san hô vịnh Nha Trang khoảng 30%, nhưng nay chỉ còn 22,8%; diện tích rạn san hô giai đoạn 2002-2015 giảm 117,5ha. Một số khu vực độ phủ san hô cứng suy giảm nhiều như: Hòn Tằm từ 56,8% (năm 2017) giảm xuống 12,5%, bãi Sạn suy giảm hơn 70%. Kết quả công bố năm 2020 cho thấy tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%. Nhiều khu vực tại Hòn Mun và một số địa điểm khác trong vịnh Nha Trang, tình trạng san hô chết, gãy bị sóng đánh lên bờ thành từng lớp dày; quan sát từ tàu đáy kính, có thể thấy ở vùng lõi Hòn Mun, nhiều rạn san hô bị gãy, chết ngổn ngang dưới đáy biển.
Có hai nguyên nhân chính được các cơ quan quản lý, nhà khoa học nhận định: Một là đến từ nguyên nhân khách quan. Cụ thể là việc suy giảm rạn san hô tại vịnh Nha Trang là một quá trình chịu tác động tích lũy từ nhiều năm. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021.
Còn về nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang còn hạn chế, thiếu sót; nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời như: Khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản, du lịch, ô nhiễm nguồn nước từ 2 con sông Cái, sông Quán Trường…
Nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng, bảo vệ kịp thời hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang nhất là tại vùng lõi Hòn Mun, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành nhiều cuộc họp, tham vấn ý kiến các nhà khoa học và chỉ đạo UBND TP. Nha Trang triển khai đồng bộ các biện pháp để bảo vệ, phục hồi. Một trong những vấn đề được lãnh đạo tỉnh đặt ra là phải xây dựng kế hoạch tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang.
Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND tỉnh Khánh Hòa về công tác bảo tồn biển ngày 12/8 vừa qua, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam bày tỏ ý kiến: “Nếu không hành động ngay, hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang sẽ suy thoái nghiêm trọng. Bên cạnh làm rõ nguyên nhân gây suy giảm hệ sinh thái rạn san hô tại đây để có giải pháp ứng phó phù hợp, cần thiết phải có kế hoạch tổng thể để triển khai công tác phục hồi. Một khi tỉnh có kế hoạch tổng thể đủ tốt thì sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân chung tay thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang. Trong kế hoạch tổng thể này, tỉnh cần xác định đâu là giải pháp ngắn hạn trước mắt, đâu là giải pháp lâu dài, phải giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị chịu trách nhiệm triển khai…”.
Tại cuộc họp nghe UBND TP. Nha Trang đề xuất kế hoạch thực hiện giải pháp tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang diễn ra chiều ngày 25/8, ông Huỳnh Bình Thái - Trưởng Ban quản lý vịnh Nha Trang cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tập trung triển khai nhiều biện pháp như: Tạm dừng các hoạt động lặn biển có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô; khoanh vùng tạm thời để bảo vệ các khu vực đang phục hồi đối với san hô, bãi giống, bãi đẻ dễ xảy ra nguy cơ xâm hại như: khu vực Hòn Mun, Hòn Chồng - Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải; tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác kiểm tra giám sát của đội công tác liên ngành trên vịnh để xử lý các hành vi vi phạm… Đơn vị đã và đang thử nghiệm phục hồi san hô ở khu vực Hòn Mun bằng phương pháp giá thể Ribbon; áp dụng phục hồi san hô bằng công nghệ Biorock tại vịnh Nha Trang, triển khai các biện pháp bảo vệ chất lượng môi trường để phục hồi san hô bị suy thoái theo hình thức phục hồi tự nhiên.
Bên cạnh các giải pháp trên, kế hoạch tổng thể được UBND TP. Nha Trang đề xuất còn có các giải pháp lâu dài như: Xây dựng, kiện toàn các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với công tác bảo tồn biển vịnh Nha Trang; bảo vệ, giám sát môi trường vịnh; phát triển sinh kế cho người dân trong và xung quanh Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang; nâng cao năng lực Ban quản lý vịnh Nha Trang. Riêng đối với việc phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái vịnh Nha Trang về lâu dài phải tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn biển; xây dựng đề án phát triển hệ sinh thái đầu nguồn trên các sông đổ ra vịnh Nha Trang; xây dựng thử nghiệm công trình chắn sóng ngầm kết hợp rạn nhân tạo tại các khu vực có tính đa dạng sinh học cao, cần được bảo vệ; có kế hoạch dài hơi bảo tồn biển vịnh Nha Trang trong 5-10 năm tới; phối hợp với các tổ chức quốc tế để bảo vệ đa dạng sinh học, nâng cao sinh kế cho người dân trong khu vực bảo tồn…
Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa tham dự cuộc họp cơ bản đồng ý thống nhất với đề xuất của UBND TP. Nha Trang về kế hoạch tổng thể phục hồi hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang. Ông nhấn mạnh những vấn đề cần làm ngay là tiếp tục dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô; thực hiện công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn biển, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô vịnh Nha Trang; tiến hành phân vùng chức năng Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang để xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng tạm dừng các hoạt động, vùng được phép tổ chức các hoạt động; thí điểm các biện pháp phục hồi rạn san hô; rà soát, kiện toàn hoạt động Ban quản lý vịnh Nha Trang. Về lâu dài, cần tập trung xây dựng đề án bảo tồn, khai thác bền vững vịnh Nha Trang; đề án tạo sinh kế cho người dân sinh sống trong và lân cận khu bảo tồn; ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý vịnh Nha Trang hiệu quả…
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho biết, cơ quan quản lý đưa ra tám nguyên nhân gây ra hiện tượng san hô tại vịnh Nha Trang bị chết hàng loạt. Cơ quan quản lý cho rằng san hô chết vì lý do thiên tai, địch họa hay con người xâm lấn… đều đúng. Vấn đề suy thoái môi trường biển, đất liền gây ra hiện tượng san hô chết phải có dự án nghiên cứu sâu và có giải pháp, chính sách.
PGS.TS Nguyễn Tác An cho rằng, kết cục vẫn do chính sách quản lý, xử lý của Nhà nước không hợp lý. Hiện vẫn chưa có chính sách quản trị biển đúng và hợp lý. Chúng ta có ban quản lý, quản trị, các đội kiểm soát chỉ mới ở hình thức.
“Điều dễ thấy nhất là việc phát triển dự án du lịch trên các đảo gây tác động đến môi trường biển” - PGS.TS An nhận định.
Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cũng cho hay, hệ sinh thái vịnh Nha Trang đang chịu áp lực lớn từ phát triển kinh tế. Trước mắt cần dừng ngay việc khai thác tài nguyên biển trong khu vực vịnh, kiểm soát chặt chẽ các dự án san lấp biển để làm sạch khu vực.
Thư Anh