Nhà ở xã hội còn thiếu 'gay gắt'
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt, phát triển nhà ở xã hội hiện nay mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia.
Dân số khu vực thành thị được dự báo tiếp tục tăng nhanh và đạt 47,25 triệu người chiếm khoảng 44,45% dân số vào năm 2030 và khi đó Việt Nam sẽ có 1 đô thị trên 10 triệu dân, 1 đô thị từ 5-10 triệu dân và 4 đô thị từ 1-5 triệu dân.
Việc đô thị hóa nhanh tuy có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội nhưng sức ép gia tăng dân số cũng kéo theo một số hệ lụy. Trong đó có áp lực về nhà ở, không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân sống tại đô thị, đặc biệt là nhu cầu của người lao động thu nhập thấp.
Hàng triệu người khó khăn về nhà ở
Ước tính, cả nước hiện có hơn 1,7 triệu người khó khăn về nhà ở, 1,7 triệu công nhân có nhu cầu chỗ ở. Trong khi đó, giá nhà ở tại các đô thị lại liên tục tăng cao, mà nguồn cung nhà ở xã hội thì ngày càng hạn hẹp.
Theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). Đến nay cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 5,4 triệu mét vuông.
Đồng thời, cả nước đang tiếp tục triển khai 264 dự án, quy mô xây dựng khoảng 219 nghìn căn hộ, 206 dự án với quy mô khoảng 168.700 căn hộ đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Các dự án còn lại chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
Phát triển nhà ở xã hội mới đạt gần 42% mục tiêu
Chương trình phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ đặc biệt quan tâm và người dân đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, kết quả vẫn còn nhiều hạn chế.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, nhà ở xã hội còn thiếu gay gắt, phát triển nhà ở xã hội hiện nay mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia.
"Việc chưa bố trí được đủ nguồn "vốn mồi" từ ngân sách Nhà nước để tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định là một trong 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến không thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020, chỉ đạt 42% kế hoạch đề ra", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) chia sẻ.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp muốn tham gia phát triển nhà ở xã hội còn gặp nhiều vướng mắc về chính sách. "Bất cập lớn nhất là quy định đấu thầu, đấu giá quỹ đất 20% mà chủ đầu tư dự án giao lại cho Nhà nước. Chính quyền muốn phát triển nhà ở xã hội phải đấu thầu quỹ đất này, nếu không thì tự bỏ tiền ngân sách ra đầu tư mà ngân sách ở hầu hết các địa phương hiện đang rất eo hẹp. Trong khi đó, việc đấu thầu, đấu giá quỹ đất này gặp muôn vàn khó khăn bởi gần như không có doanh nghiệp nào tham gia vì không có lãi", ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết.
Do thiếu vốn nên nguồn cung dự án nhà ở xã hội bị sụt giảm rất lớn, kéo theo tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở xã hội làm cho người có thu nhập thấp đô thị càng khó tạo lập nhà ở xã hội hơn. Theo HoREA, người mua, thuê mua nhà ở xã hội gần như không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Theo ông Bùi Xuân Dũng - Cục trưởng Cục quản lý Bất động sản, có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu khiến phát triển nhà ở chưa đạt mục tiêu, đó là thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án và thiếu nguồn lực về tài chính, tín dụng để phát triển nhà ở xã hội.
Cần giải pháp đồng bộ
Thời gian qua, để phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo giữa Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành khác. Kỳ vọng kết quả của việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được phân bổ đến một số lượng lớn người dân là những người có thu nhập thấp, giúp đối tượng này có thể mua hoặc thuê nhà, thông qua việc đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội.
"Xét trong dài hạn, để thị trường bất động sản phát triển ổn định trở lại thì cần phải có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách, về nguồn vốn đầu tư, quy trình thực hiện, đặc biệt là cần có chính sách ưu tiên, vượt trội để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội và nhà thương mại giá thấp", ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận.
Để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, từ năm 2018, Bộ Xây dựng và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam - KOICA đã bắt đầu hợp tác thực hiện dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030". Dự án nhằm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thực tế của Việt Nam để đề xuất cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng phát triển của Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội trong thời gian tới.
“Để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ Việt Nam cần thiết lập một quỹ được chỉ định để cung cấp nhà ở xã hội như ở Hàn Quốc.” Ông Moon Hyogon, Giám đốc nghiên cứu Kế hoạch và Quản lý, Viện nghiên cứu Nhà ở và đất đai Hàn Quốc trao đổi.
Đáng chú ý là đề xuất về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; Cải cách thủ tục mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; Hoàn thiện quy định về ưu đãi, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Điều này được thể hiện ngay trong Nghị định số 49/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Trong thời gian tới, khi đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở và xây dựng Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Xây dựng cũng sẽ tham khảo các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong phát triển nhà ở xã hội và nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá các kết quả của dự án, làm cơ sở để rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, đáp ứng sự kỳ vọng của nhóm đối tượng này.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh như hiện nay, Việt Nam có khả năng ngày càng có nhiều người dân di chuyển tới các thành phố lớn để sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, các dự án nhà ở tại những thành phố lớn của Việt Nam lại thường tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ đắt tiền. Do vậy, cần thiết phải gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở có giá phải chăng để hỗ trợ về nhà ở cho viên chức, nhân viên văn phòng và những người dân bình thường khác.
Thanh Thúy