Thứ bảy, 04/05/2024 19:36 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/02/2024 13:51 (GMT+7)

Nguyên nhân khiến nhiều địa phương khó phát triển nhà ở xã hội

Theo dõi KTMT trên

Thiếu quỹ đất, thiếu vốn, chính sách ưu đã khó thu hút nhà đầu tư là những nguyên nhân khiến nhiều địa phương khó phát triển nhà ở xã hội.

Sáng ngày 22/2, tại hội nghị Triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” (Đề án) trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, cả nước đã có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô hơn 411.000 căn hộ.

Hiện nay, đã có đã có 28 tỉnh công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Hiện tại, đã có 6 dự án nhà ở xã hội tại 5 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 415 tỷ đồng.

Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội, đến năm 2030 các địa phương phấn đấu hoàn thành khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn.

Nguyên nhân khiến nhiều địa phương khó phát triển nhà ở xã hội - Ảnh 1
Còn nhiều nguyên nhân cản trở địa phương phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Đề án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tập trung quyết liệt giải quyết. Cụ thể: còn nhiều địa phương có kết quả thực hiện chậm so với kế hoạch đăng ký tại Đề án, trong đó, có một số địa phương vẫn chưa có dự án nhà ở xã hội được khởi công mới.

Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân trong tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu của đề án, các bộ ngành và địa phương bám sát và thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ Đề án đã đề ra, đặc biệt là rà soát quy hoạch, bố trí quỹ đất, cải cách thủ tục hành chính… cho các dự án nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, cần rà soát lại việc triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ để có giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy việc tiếp cận, giải ngân gói tín dụng này.

Thảo luận tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương cũng cho rằng, thiếu quỹ đất, thiếu vốn, khó thu hút nhà đầu tư… là những nguyên nhân khiến nhiều địa phương khó phát triển nhà ở xã hội.

Đại diện UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đến hết năm 2023, tính cả số căn nhà xã hội hoàn thành và đang triển khai mới đạt 7% mục tiêu đến năm 2025 của đề án với hơn 2.400 căn. Hầu hết dự án nhà xã hội đều chậm tiến độ. Đến nay, tỉnh còn 5 dự án chưa giải phóng mặt bằng xong và 3 đã có đất sạch nhưng chưa đầu tư xây dựng.

Nói về nguyên nhân, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang chỉ ra nguyên nhân khó khăn nhất đến từ giải phóng mặt bằng do cả UBND cấp huyện và chủ đầu tư chưa chủ động.

“Ngay cả những dự án đã có đất sạch, việc giao, cho thuê vẫn mất nhiều thời gian lập hồ sơ và thẩm định”, đại diện UBND tỉnh Bắc Giang nói.

Ngoài ra, kết quả phát triển nhà xã hội còn thấp do việc thu hút đầu tư còn chậm, thủ tục đầu tư, mua bán còn phức tạp. Thực tế, số dự án được duyệt đầu tư tại tỉnh này mới đạt 25% kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Cùng quan điểm, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, cơ chế ưu đãi hiện nay chưa đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.

Theo vị lãnh đạo này, trước đây Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 49 quy định chủ đầu tư được UBND cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong dự án nhà xã hội. Tuy nhiên, Luật Nhà ở 2023 không còn quy định nêu trên, gây khó trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện UBND TP.HCM cho biết, thành phố có 4 dự án nhà xã hội gần hoàn thành và dự kiến bàn giao nhà trong năm nay nhưng đến nay vẫn chưa có dự án nào được giải ngân trong gói vay ưu đãi. Nhiều doanh nghiệp cũng đánh giá việc triển khai gói 120.000 tỷ đồng chưa đi vào cuộc sống.

Kết luận tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thách thức lớn nhất mà các địa phương gặp phải khi phát triển nhà xã hội là thiếu quỹ đất (do chưa tính toán chính xác cung - cầu) và nguồn vốn đầu tư.

"Tính toán sai thì không ai xây dựng, tính toán thiếu như Hà Nội đến nay gặp nhiều khó khăn", Phó thủ tướng cho biết.

Về pháp lý đất đai, Luật Nhà ở và Luật Đất đai sửa đổi đã góp phần tháo gỡ những khó khăn. Phó thủ tướng yêu cầu cụ thể hóa các luật bằng việc sớm ban hành nghị định về định giá đất hay tháo gỡ quỹ đất đang vướng mắc.

Về việc tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá lại việc triển khai gói ưu đãi và lập kế hoạch, tạm cấp bù, quyết toán cấp bù lãi suất thực hiện cho vay nhà ở xã hội.

"Mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội mới là dự án thí điểm, cần hoàn thành sớm cơ chế chính sách, xác định khó khăn để hoàn thành mục tiêu lớn hơn", Phó thủ tướng nói.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân khiến nhiều địa phương khó phát triển nhà ở xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới