Thứ bảy, 27/04/2024 03:09 (GMT+7)
Thứ ba, 11/04/2023 10:14 (GMT+7)

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì

Theo dõi KTMT trên

Vườn quốc gia Ba Vì với đặc điểm khí hậu, địa hình, cảnh quan hệ sinh thái đa dạng là một trong những điểm du lịch sinh thái thu hút khách du lịch.

Áp dụng mô hình DPSIR và dựa trên kết quả khảo sát trên 100 khách du lịch đến Vườn quốc gia Ba Vì đã cho thấy một số tác động của hoạt động du lịch tại VQG: xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động của nhà hàng, khách sạn, ăn uống, lưu trú và đốt lửa trại của khách du lịch. Hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan, đa dạng sinh học Vườn quốc gia Ba Vì chịu tác động không nhỏ từ các hoạt động du lịch. Tác giả đã đưa ra một số đáp ứng cần thiết phù hợp cho các áp lực gây ra.

1. Đặt vấn đề

Hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, coi trọng tính hiệu quả, bền vững trong khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển phải tôn trọng các quy luật tự nhiên, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Trong Quyết định số 1216/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: Tầm nhìn đến năm 2030 là “Ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững đất nước”. Ngoài chức năng bảo tồn, các khu rừng, các hệ sinh thái tự nhiên còn có một tiềm năng rất lớn để thu được lợi ích kinh tế cho người quản lý và cho cả xã hội.

Vườn quốc gia Ba Vì là một trong những khu bảo tồn, tham quan, giải trí đẹp, thuộc xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, nằm cách thủ đô Hà Nội 60km về phía Tây. Tổng diện tích Vườn quốc gia Ba Vì rộng 11.372 ha; trong đó, rừng nguyên sinh trải rộng 2.752 ha, ở độ cao từ 100 – 1.296m của dãy núi Ba Vì hùng vĩ, có hệ thực vật nhiệt đới trên núi thấp khá điển hình ở Việt Nam. Được sự ưu ái của thiên nhiên về địa hình, khí hậu, da dạng sinh học đã tạo cho Vườn quốc gia Ba Vì trở thành một trong bốn khu du lịch sinh thái vùng núi nổi tiếng (Đà Lạt, Sa Pa, Ba Vì, Tam Đảo). Không những thế, vùng núi Ba Vì còn là nơi du lịch tâm linh của người Việt. Hàng năm, Vườn quốc gia Ba Vì đón vài trăm nghìn lượt người đến tham quan và học tập. Ba Vì đang ngày càng trở thành khu nghỉ dưỡng, tham quan của nhiều bộ phận khách du lịch nội địa và quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động du lịch đã gây ra tác động lớn tới môi trường và cảnh quan tại Vườn quốc gia. Nhiệm vụ cần thiết đặt ra là cần phải nghiên cứu các tác động của hoạt động du lịch đến cảnh quan, môi trường, tài nguyên thiên nhiên... tại đây để có cái nhìn tổng quan về tác động của du lịch nhằm phục vụ cho công tác quản lý và đưa ra được một số giải pháp bảo vệ môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Ứng dụng mô hình DPSIR

Mô hình DPSIRlà mô hình mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa Động lực - D (phát triển kinh tế - xã hội, nguyên nhân sâu xa của các biến đổi môi trường) - Áp lực - P (các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm và suy thoái môi trường) - Hiện trạng - S (hiện trạng chất lượng môi trường) - Tác động - I (tác động của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe cộng đồng, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái) - Đáp ứng - R (các đáp ứng của nhà nước và xã hội để bảo vệ môi trường). (Khoản 7, điều 2, TT 08/2010/TT-BTNMT)

Các bước thực hiện:

Bước 1: Thu thập các tài liệu cần thiết bao gồm: Điều kiện tự nhiên và tình hình phát triển du lịch của Vườn quốc gia Ba Vì; các tài liệu, số liệu liên quan đến thực trạng du lịch và công tác bảo vệ môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì.

Bước 2: Khảo sát thực tế và điều tra cán bộ quản lý và khách du lịch tại Vườn quốc gia Ba Vì theo bảng hỏi đã chuẩn bị.

Bước 3: Thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp về hiện trạng phát triển du lịch và hiện trạng môi trường Vườn quốc gia Ba Vì.

Bước 4: Tính toán, xử lý số liệu phân tích.

Bước 5: Lập báo cáo đánh giá ảnh hưởng từ hoạt động du lịch tới hiện trạng môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì.

2.2. Phương pháp thu thập và kế thừa tài liệu

Thu thập, thống kê và tổng hợp thông tin cần thiết từ những tài liệu, các báo cáo, các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài

Kế thừa số liệu về tổng lượng khách du lịch, thống kê lượng vé bán, bảng giá dịch vụ… từ Ban quản lý Vườn quốc gia Ba Vì.

2.3. Phương pháp điều tra xã hội học

a. Phiếu điều tra

Thực hiện thu thập thông tin, sự quan tâm, hiểu biết của khách du lịch và cán bộ quản lý về ảnh hưởng của hoạt động du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì thông qua các phiếu điều tra với số lượng mẫu phiếu tính theo công thức xác xuất thống kê theo tác giả Sloven và cộng sự (2007): n = N/(1 + Ne2)

Trong đó: N là tổng lượng khách du lịch tại khu vực nghiên cứu; n là số lượng phiếu; e là sai số tiêu chuẩn ( e = 0.1)

Qua kết quả điều tra, tổng số lượng du khách đến tham quan Vườn quốc gia Ba Vì năm 2019 là 412.124 lượt khách. Vậy số phiếu điều tra là:

n =    ≈ 100 (phiếu)

b. Công cụ SWOT

Qua công cụ SWOT (S - Điểm mạnh, W – Điểm yếu, O – Cơ hội, T – thách thức) phân tích các điểm mạnh điểm yếu về giá trị đa dạng sinh học, tài nguyên DLST tại Vườn quốc gia Ba Vì.; phân tích cơ hội và thách thức đối với bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì.

2.4. Phương pháp ma trận tác động

Sử dụng phương pháp ma trận định lượng. Các mức độ tác động của hoạt động du lịch tới môi trườngvđược tính theo thang điểm từ 0 đến 3, trong đó quy ước 0 – không tác động; 1 – tác động ít; 2 – tác động trung bình; 3 – tác động mạnh. Tổng số điểm càng cao thì tác động tiêu cực càng mạnh và sẽ cho thấy được hoạt động nào gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới môi trường. Tổng số điểm hàng dọc sẽ cho thấy hoạt động nào gây ảnh hưởng nhiều nhất đến môi trường và hệ sinh thái. Tổng số điểm hàng ngang thể hiện  nhân tố môi trường nào bị tác động mạnh nhất.

2.5. Phương pháp phân tích và xử lý số liệu

Phân tích các số liệu từ phiếu điều tra, tổng hợp các số liệu, tính toán số liệu dựa vào phần mềm Excel để đưa ra kết quả.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Sức ép của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường Vườn quốc gia Ba Vì (Động lực - D)

3.1.1. Du khách

Du khách được coi là một trong những động lực chi phối quan trọng đối với môi trường và hệ sinh thái Vườn quốc gia.

Hình 3.1. Sơ đồ phân tích chuỗi DPSIR đối với động lực Du khách

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 1

Hình 3.2. Sơ đồ phân tích chuỗi DPSIR đối với động lực Xây dựng đường giao thông và cơ sở hạ tầng

3.1.2. Đường giao thông

Từ năm 2019, Vườn xây dựng hoàn thành trục đường chính vào vườn dài 13,7km; nối từ đường 87 đến cốt 1100m. Các tuyến nối trong Vườn, mặt đường bằng chủ yếu là trải bê tông xi măng. Chiều dài các tuyến đường nội Vườn là 7,7km. Tuyến đi bộ lên các điểm tham quan Nhà xương rồng, khu cắm trại rừng thông, khu di tích cốt 600m đều được trải bê tông và đường lên Đền Thượng, Tháp Bảo Thiên, Đền Thờ Bác Hồ... đều có bậc thang.

Tuyến đường từ Phúc Tiến đi Viên Nam được đầu tư xây dựng, dài 8km.

Cơ sở hạ tầng

- Tại khu cốt 400m, năm 2015 đã cải tạo, nâng cấp một số nhà nghỉ dưỡng, phòng hội thảo, có thể tiếp được 200 khách/1 ngày.

- Vườn đã xây dựng một Trung tâm GDMT&DV tại địa điểm cốt 400m với diện tích 500 m2 x 2 tầng để phục vụ du khách.

- Dịch vụ ăn uống: Nhà ăn có thể tiếp khoảng 200 khách

- Dịch vụ vui chơi giải trí: Trong Vườn có 2 khu nghỉ dưỡng là Ba Vì Resort (cốt 400m) và Melia Bavi Mountain Retreat (cốt 600m).

3.1.3. Hoạt động của các khu nghỉ dưỡng

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 2

Hình 3.3. Sơ đồ phân tích chuỗi DPSIR đối với động lực Hoạt động của các khu nghỉ dưỡng

Dựa trên kết quả từ phiếu khảo sát khách du lịch tại Vườn quốc gia Ba Vì, tác giả tổng hợp bảng phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng môi trường như sau:

Bảng 3.1. Phân tích các yếu tố động lực ảnh hưởng đến chất lượng môi trường dựa vào phiếu khảo sát từ du khách tại VQG Ba Vì

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 3

Kết quả khảo sát cho thấy số lượng khách du lịch có ảnh hưởng nhiều nhất đến môi trường của Vườn quốc gia.

3.2. Áp lực từ hoạt động phát triển du lịch tới môi trường Vườn quốc gia Ba Vì (Áp lực – P)

3.2.1. Áp lực từ du khách

Khách du lịch đến tham quan Vườn quốc gia chủ yếu là khách nội địa. Theo thống kê năm 2020, lượng khách nội địa gấp 71,2 lần khách nước ngoài, chiếm 98,6% lượng khách tham quan Vườn quốc gia. Trung bình mỗi ngày Vườn quốc gia đón 1129 lượt khách. Theo Ban quản lý Vườn quốc gia, có những ngày cao điểm Vườn tiếp khoảng 7.000 khách du lịch/ngày.

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 4

Hình 3.4. Biểu đồ lượng khách du lịch đến VQG Ba Vì 2019

Tuy nhiên, lượng khách du lịch tăng cũng kéo theo các vấn đề về rác thải, khí thải và tiếng ồn:

- Rác thải:

Rác thải chủ yếu là túi nilon, chai nhựa, lon... từ đồ ăn, đồ uống của du khách khi tham quan Vườn hay từ nhà hàng, khách sạn trong các khu nghỉ dưỡng và các điểm tham quan. Vào những ngày cuối tuần, nghỉ lễ lượng khách tham quan Vườn tăng đột biến làm công tác vệ sinh, thu gom và quản lý bị quá tải khiến thùng rác tại các điểm tham quan không đủ để chứa rác bị tràn ra ngoài, bốc mùi gây mất mỹ quan.

- Khí thải và tiếng ồn:

Các phương tiện di chuyển trong Vườn quốc gia chủ yếu là các phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy hoặc xe khách du lịch. Đặc biệt vào các tháng 2,3 và tháng 10,11,12 trong năm, lượng du khách đông do tháng 2,3 vào dịp Tết, khách du lịch đến dâng hương tại Đền thờ Bác Hồ, Đền Thượng, Đền Trung; tháng 10,11 là mùa hoa dã quỳ nở thu hút hàng ngàn lượt tham quan mỗi ngày. Điều  này gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng không khí và động vật hoang dã tại Vườn quốc gia.

3.2.2. Áp lực từ xây dựng đường giao thông và cơ sở hạ tầng

Các tuyến đường giao thông, các công trình phục vụ giải trí việc san ủi mặt bằng, xẻ vách núi và mở đường rừng làm mất diện tích rừng, làm thay đổi cảnh quan, phá vỡ hệ sinh thái vốn có. Các hoạt động san lấp, vận chuyển vật liệu xây dựng làm thay đổi địa mạo, tính chất đất dễ dẫn đến tình trạng sạt lở đất đá khi có mưa lớn.

Mật độ đường giao thông cùng hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ tác động đến hệ sinh thái tự nhiên và các loài động vật, trong nhiều trường hợp phương tiện giao thông di chuyển có thể làm chết các loài động vật nhỏ. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tu sửa các công trình, di tích lịch sử phát sinh một lượng lớn chất thải xây dựng, lượng chất thải này nếu đổ trực tiếp ra rừng sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường đất và hệ sinh thái. Quá trình di chuyển của các phương tiện giao thông chở vật liệu xây dựng cũng làm thay đổi cấu trúc đất, thải ra lượng khí thải và bụi lớn làm môi trường không khí bị ảnh hưởng.

3.2.3. Áp lực từ hoạt động của các khu nghỉ dưỡng

Dựa trên kết quả từ phiếu khảo sát khách du lịch tại Vườn quốc gia Ba Vì, tác giả tổng hợp bảng phân tích các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường như sau:

Bảng 3.2. Phân tích các yếu tố áp lực ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng môi trường dựa vào phiếu điều tra khách du lịch tại VQG Ba Vì

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 5

Kết quả khảo sát cho thấy tất cả các hoạt động dịch vụ từ các khu nghỉ dưỡng đều gây tác động đối với môi trường Vườn quốc gia. Trong đó, hoạt động liên quan đến dịch vụ ăn uống, nhà hàng và hoạt động xây dựng gây nhiều tác động nhất.

3.3. Hiện trạng dịch vụ du lịch và các vấn đề môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì (Hiện trạng - S)

3.3.1. Hiện trạng dịch vụ du lịch của Vườn quốc gia Ba Vì

Vườn quốc gia Ba Vì gồm các tuyến tham quan bao gồm: 08 tuyến du lịch tâm linh và du lịch khám phá phế tích thời Pháp thuộc và các tuyến du lịch khám phá thiên nhiên phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu, học tập. Bên cạnh đó, Vườn có 3 khu du lịch phục vụ du khách ăn uống, nghỉ ngơi.

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 6

Hình 3.5. Sơ đồ tuyến điểm du lịch của VQG Ba Vì   Nguồn:[9]

3.3.2. Hiện trạng các vấn đề môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì

Vấn đề chất thải rắn

Hiện trong khu vực vườn có 2 đơn vị thuê môi trường rừng để tổ chức hoạt động du lịch đó là Ba Vì Resort (cốt 400m) và Melia Bavi Mountain Retreat (cốt 600m). Những khu nghỉ dưỡng này bao gồm các nhà hàng, khách sạn, bể bơi,…và các hoạt động giải trí khác, thải ra một lượng rác thải tương đối lớn. Tất cả đều được thu gom, vận chuyển ra khỏi Vườn rồi xử lý.

Vườn ký hợp đồng thu gom rác thải với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Minh Quân, tất cả các loại rác thải sẽ được thu gom và vận chuyển ra khỏi Vườn để xử lý với tần suất 2 lần/tuần. Riêng có di tích Nhà Thờ Cổ tại cốt 800m thường có khách du lịch cắm trại và xả rác, do ở xa trục đường chính và đường đi khó khăn, nên Ban quản lý thường phải xử lý sơ bộ (đốt) rồi đem bỏ vào tải và vận chuyển đến điểm thu gom.

Vấn đề khí thải và tiếng ồn

Khách đến tham quan Vườn quốc gia vấn đề khí thải và tiếng ồn là không thể tránh khỏi, vào những ngày đông khách, phương tiện di chuyển nhiều không chỉ làm môi trường không khí bị ảnh hưởng mà còn làm động vật sống trong rừng hoảng sợ.

Vấn đề nước thải

Theo kết quả điều tra thực tế, chưa phát hiện thấy các tác động xấu của nước thải đến môi trường và đa dạng sinh học.

Bảng 3.3. Phân tích hiện trạng chất thải rắn dựa vào phiếu điều tra khách du lịch tại VQG Ba Vì

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 7

Kết quả khảo sát cho thấy: đa số khách du lịch đều cho rằng số lượng thùng rác, vị trí đặt thùng rác, phân loại chất thải rắn chưa hợp lý. Theo ý kiến của khách du lịch, cần bổ sung thêm thùng rác ở các tuyến đi bộ và điểm cắm trại, thùng rác nên được chia ngăn để phân loại ngay khi xử dụng xong để thuận tiện cho khâu xử lý.

Bảng 3.4. Phân tích thống kê hiện trạng chất lượng môi trường dựa vào phiếu điều tra khách du lịch tại VQG Ba Vì

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 8

Kết quả khảo sát cho thấy: chất lượng môi trường tổng thể tại Vườn quốc gia ở mức tốt.

3.3.2. Điểm mạnh, điểm yếu , cơ hội thách thức (SWOT)

Kết quả phân tích SWOT và phỏng vấn lãnh đạo được thống kê dựa trên ma trận bảng sau:

Bảng 3.5. Ma trận phân tích SWOT

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 9

3.4. Tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường Vườn quốc gia Ba Vì (Tác động – I)

3.4.1. Tác động tích cực từ hoạt động du lịch tới môi trường Vườn quốc gia Ba Vì

Góp phần khẳng định giá trị của Vườn quốc gia: Việc phát triển du lịch sinh thái giúp lan truyền hình ảnh về Vườn quốc gia Ba Vì, những bản sắc văn hóa của người dân bản địa mang lại những lợi ích to lớn về văn hóa, lịch sử và giáo dục môi trường.

Bảo tồn các phần diện tích rừng, tài nguyên sinh vật tự nhiên

Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng: Du lịch có thể cung cấp các sáng kiến cho việc cải tạo môi trường thông qua việc kiểm soát môi trường không khí, đất, nước, tiếng ồn và rác thải thông qua các kế hoạch quy hoạch, đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý và trùng tu các công trình kiến trúc.

Tận dụng tối đa lợi thế thiên nhiên phát triển du lịch tạo ra giá trị kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đệm

Tăng cường hiểu biết về môi trường của cộng đồng địa phương thông qua đề cao các giá trị văn hóa và thiên nhiên của các điểm du lịch làm cho cộng đồng địa phương tự hào về di sản của họ và gắn liền vào hoạt động bảo vệ các di sản văn hóa du lịch đó.

3.4.2. Tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch tới môi trường Vườn quốc gia Ba Vì

Dựa vào điều kiện tự nhiên và các loại hình phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Ba Vì, xây dựng được bảng ma trận tác động đánh giá ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động du lịch đến môi trường và hệ sinh thái Vườn quốc gia Ba Vì theo thang điểm như sau:

0: không có tác động                       

1: tác động tiêu cực ít

2: tác động tiêu cực trung bình       

3: tác động tiêu cực mạnh

Bảng 3.6. Ma trận tác động của hoạt động du lịch ảnh hưởng đến  môi trường và hệ sinh thái VQG Ba Vì

Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì - Ảnh 10

Từ bảng 3.6 có thể thấy hoạt động du lịch ảnh hưởng tiêu cực nhiều nhất đến môi trường và hệ sinh thái bao gồm các hoạt động: xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động của nhà hàng, khách sạn, ăn uống, lưu trú và đốt lửa trại của khách du lịch.

3.5. Giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì (Đáp ứng – R)

3.5.1. Đáp ứng động lực

- Du khách: Phổ biến nội quy. Cung cấp cho du khách bản đồ về tuyến tham quan khi mua vé, lưu ý và cảnh báo những đoạn đèo, vực, ngoặt nguy hiểm. Cán bộ quản lý tăng cường kiểm soát các hoạt động của du khách.

- Xây dựng đường giao thông và cơ sở hạ tầng

- Hoạt động của các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và khách sạn: tạo điều kiện hết mức để các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và khách sạn hoạt động đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bảo vệ rừng, tăng cường kiểm tra, giám sát nếu có phát hiện các hành vi xả rác và nước thải ra môi trường trái phép cần lập biên bản xử phạt.

3.5.2. Đáp ứng áp lực

- Bổ sung số lượng thùng rác trên tuyến đường đi bộ, các khu cắm trại và các điểm tham quan. Xử phạt hành chính đối với các hành vi xả rác bừa bãi, bẻ cành, chặt cây, đốt lửa.

- Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để tập trung nước thải của các nhà hàng, khách sạn vào một nơi xử lý rồi sau đó thải ra môi trường.

- Bố trí hệ thống và thiết bị phòng cháy chữa cháy tại khu vực văn phòng, nhà hàng, khách sạn để xử lý kịp thời khi không may có cháy xảy ra, không để đám cháy lan rộng.

- Bố trí các phương tiện đưa đón từ cổng lên các điểm tham quan vào những ngày cao điểm để giảm các loại phương tiện cá nhân.

3.5.3. Đáp ứng hiện trạng

- Bổ sung thùng rác có chia 3 ngăn hoặc 3 thùng rác cạnh nhau chia thành ngăn đựng rác thải hữu cơ, rác thải tái chế và rác thải không tái chế.

- Các nội quy, khẩu hiệu bảo vệ môi trường cần bổ sung thêm ở khu vực khách du lịch qua lại và yêu cầu khách du lịch thực hiện nghiêm chỉnh.

- Tăng tần suất thu gom, vận chuyển rác

- Lồng ghép giáo dục môi trường vào các hoạt động và dịch vụ của Vườn để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của khách du lịch khi tham quan.

- Cần xây nhà trung tâm thông tin và giáo dục môi trường.

- Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

3.5.4. Đáp ứng tác động

Nhóm giải pháp tới Ban quản lý

- Tổ chức các lớp tập huấn chuyên đề về công tác quản lý dịch vụ du lịch, dịch vụ văn hóa, quy định của pháp luật về quản lý môi trường rừng nói chung, môi trường rừng.

- Kết hợp chặt chẽ với người dân vùng đệm và doanh nghiệp trong công tác bảo vệ rừng.

- Ưu tiên phát triển các dự án ít tác động tiêu cực đến môi trường, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng năng lượng thay thế; tiết kiệm năng lượng và nước.

- Tăng cường công tác hướng dẫn, giám sát, kiểm tra đột xuất hoạt động du lịch đối với các đơn vị liên kết, thuê môi trường rừng, các điểm xả rác và nước thải của nhà hàng, khách sạn để phát hiện kịp thời các nguồn tác động xấu đến môi trường.

- Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường rừng.

Nhóm giải pháp tới cộng đồng địa phương

- Xây dựng và tổ chức chương trình giáo dục môi trường cho người dân các thôn xóm giáp rừng, các trường học trong địa bàn nâng cao hiểu biết về rừng, tình yêu thiên nhiên, pháp luật bảo vệ rừng

- Định hướng cho người dân các ngành nghề như kinh doanh, chăn nuôi bò sữa, thuê người dân vào làm việc tại các điểm du lịch trong Vườn...

Nhóm giải pháp tới các đơn vị thuê môi trường rừng

- Bắt buộc tất cả các dự án đầu tư trước khi xây dựng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường của dự án trong quá trình xây dựng và khi dự án đi vào hoạt động.

- Tất cả các dự án phải tuân thủ các chính sách, luật pháp quy định về bảo vệ môi trường rừng và có kế hoạch bảo vệ môi trường riêng khi dự án hoạt động.

- Sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế tái sử dụng, tiết kiệm năng lượng và nước.

- Các đơn vị kinh doanh cần phối hợp cùng Ban quản lý và người dân địa phương trong việc bảo vệ các di sản, môi trường và hệ sinh thái, đóng góp ý tưởng phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.

Nhóm giải pháp tới khách du lịch

- Nâng cao nhận thức của khách du lịch về bảo vệ môi trường và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường.

- Tăng thêm mức đóng góp của du khách để có kinh phí bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử.

Nhóm giải pháp gìn giữ, phát triển du lịch văn hóa

- Xây dựng phương án bảo tồn và hỗ trợ đồng bào trong sinh kế.

- Liên kết với chính quyền địa phương sở tại trong việc bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, Dao sống quanh vùng đệm của Vườn, tạo thành một điểm thu hút khách du lịch về văn hóa truyền thống.

4. Kết luận và kiến nghị

Dựa trên các kết quả khảo sát 100 phiếu đối với 100 du khách đến Vườn quốc gia Ba Vì, tác giả xác định các áp lực đối với môi trường Vườn quốc gia là: chất thải rắn, khí thải và tiếng ồn. Các tác động chính của hoạt động du lịch đến môi trường Vườn quốc gia gồm:

+ Tích cực: góp phần khẳng định giá trị của Vườn quốc gia, bảo tồn các phần diện tích rừng, các giá trị văn hóa, lịch sử, phát triển hệ thồng cơ sở hạ tầng, tạo ra giá trị kinh tế cải thiện đời sống nhân dân và có giá trị lớn trong giáo dục môi trường.

+ Tiêu cực: hoạt động du lịch ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí và sinh vật.

Tác giả đã đưa ra được một số giải pháp nhằm phát triển du lịch sinh thái bền vững ứng với các yếu tố động lực (D), áp lực (P), hiện trạng (S), tác động (I).

Tài liệu tham khảo

[1] Luật Bảo vệ môi trường 2014

[2] Luật Du lịch 2017

[3] Nghị định 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 về tổ chức quản lý rừng đặc dụng.

[4] Thông tư 08/2010/TT-BTNMT ngày 18/03/2010 quy định việc xây dựng báo cáo môi trường quốc gia, báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực và báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh.

[5] Tống Thị Lan Anh (2019), “Ứng dụng mô hình DPSIR trong đánh giá tác động của hoạt động phát triển du lịch sinh thái tới môi trường tại Vườn quốc gia Cúc Phương”, Đại họcTài nguyên và Môi trường Hà Nội.

[6] Trần Nho Đạt (2015), “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Cúc Phương và Xuân Thủy”, Luận văn thạc sĩ khoa học môi trường, Hà Nội.

[7] Nguyễn Thế Đồng (2015), “Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, Tạpchí Môi trường số 7-2015.

[8] Lưu Đức Hải (chủ biên), Phạm Thị Việt Anh, Nguyễn Thị Hoàng Liên, Vũ Quyết Thắng (2007), “Cẩm nang quản lý môi trường”, NXB. Giáo dục, Hà Nội, tr.6.

[9] Nguyễn Phi Hùng (2015), “Nghiên cứu chức năng, dịch vụ văn hóa tại Vườn quốc gia Ba Vì và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý”, Luận văn thạc sĩ môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội.

[10] Nguyễn Văn Hợp (2014), “Giải pháp quản lý và khai thác du lịch sinh thái ở các Vườn quốc gia Việt Nam theo hướng Phát triển bền vững (nghiên cứu điểm Vườn quốc gia Cúc Phương)”, Luận án tiến sỹ kinh tế, Hà Nội.

[11] Bùi Hữu Long, Phí Phương Mai (2013), “Đánh giá tác động của việc phát triển DLST đến các thành phần môi trường tại khu du lịch sinh thái Mỹ Lệ”, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh.

[12] Phạm Hồng Nga (2008), “Phương pháp đánh giá tổng hợp DPSIR ở vùng bờ biển Thừa Thiên – Huế”, Đại học Thủy lợi, Hà Nội.

[13] Bùi Thị Minh Nguyệt (2012), “Giải pháp phát triển du lich sinh thái bền vững tại Vườn quốc gia Ba Vì”,TạpchíKhoa học vàCông nghệLâm nghiệp số 1 – 2012, tr. 158-159.

[14] Nguyễn Văn Thắng (2014), “Nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Hòa Bình”, Đại học Tây Bắc.

[15] VFEJ (2012), “Các khái niệm về du lịch sinh thái”, Diễn đàn Môi trường 24h.

[16] https://123doc.net/document/3136538-cac-khai-niem-co-ban-ve-du-lich.htm

[17] https://vuonquocgiabavi.com.vn/dieu-kien-tu-nhien

Bùi Thị Thu Trang*, Nguyễn Bích Ngọc, Trương Đức Cảnh, Vũ Thị Hiền

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu tác động của hoạt động phát triển du lịch tới môi trường tại Vườn quốc gia Ba Vì. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới