Hà Nội: Cận cảnh homestay xây dựng trái phép trước cửa vào Vườn Quốc gia Ba Vì
Hàng loạt công trình theo kiểu homestay được xây dựng trên đất khai hoang giáp ranh với Vườn Quốc gia Ba Vì (thôn Nghe, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội).
Những năm gần đây, tình trạng “sốt đất” diễn ra khắp nơi, giá đất tăng cao từng ngày, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì, TP.Hà Nội) cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Các khu đất trên địa bàn xã Vân Hòa được người dân Hà Nội, các nhà đầu tư quan tâm, giao dịch mua bán nhờ vị trí đắc địa nằm sát bên Vườn Quốc gia Ba Vì. Ngoài đất thổ cư thì đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất khai hoang cũng nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư.
Cùng với đó là tình trạng đào đất, san lấp, xây dựng resort, homestay diễn ra ồ ạt trên địa bàn trong nhiều năm qua nhất là khu vực đồi giáp ranh với Vườn Quốc gia Ba Vì.
Tại thôn Nghe (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội) hiện tượng người dân các nơi đổ về đây mua bán đất diễn ra cũng rất sôi nổi. Trên đường vào Vườn Quốc gia Ba Vì thuộc địa phận thôn Nghe, xuất hiện hàng loạt resort, homestay đủ loại. Đáng chú ý, tại khu vực đất triền đồi giáp ranh với Vườn Quốc gia Ba Vì (cách cổng vào Vườn Quốc gia Ba Vì không xa) cũng đang mọc lên gần chục căn nhà được xây dựng theo mô hình homestay.
Theo quan sát của Phóng viên, trong khuôn viên khu đất này có bể bơi và các căn hộ có diện tích to nhỏ khác nhau. Các căn nhà được thiết kế xây dựng theo phong cách riêng, dạng homestay. Hiện ngoài hồ bơi đã hoàn thiện thì cả nhà chính và các căn hộ đang chờ hoàn thiện các hạng mục và sẽ cho khách thuê.
Tiếp xúc với Phóng viên, một người dân địa phương cho biết khi đất này trước đây được trồng cây lâu năm, sau đó được bán cho một người ở địa phương khác. Sau khi hoàn thiện thủ tục mua bán, họ tiến hành xây dựng homestay như hiện tại.
“Tôi cũng không biết khu đất này có phải đất thổ cư không hay đất canh tác và cũng không biết họ xây dựng thành khu du lịch có được chính quyền cho phép không? Việc xây dựng thế thì có đảm bảo mỹ quan, an toàn phòng chống xói mòn, cháy nổ không bởi đây gần với Vườn Quốc gia Ba Vì”, một người dân thôn Nghe thắc mắc.
Liên quan đến nội dung trên, ngày 19/10, trao đổi thêm với Phóng viên ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND xã Vân Hòa cho biết chủ công trình đã thừa nhận hành vi xây dựng sai phép trên đất khai hoang của mình, tự nguyện tháo dỡ toàn bộ công trình sai phạm.
“Chủ đầu tư cam kết tự nguyện tháo dỡ trong một tuần, tuy nhiên do con ốm nên chủ nhà xin lùi thời gian tháo dỡ. Tuần vừa rồi đồng chí Lan và đồng chí Ước (Phó Chủ tịch UBND xã) tiếp tục lên đôn đốc chủ nhà tháo dỡ theo cam kết. Việc xử lý sai phạm tại công trình xây dựng này đã xong, vấn đề là thời gian”.
Theo biên bản làm việc do ông Nguyễn Phi Long cung cấp, khu đất trồng cây lâu năm trên của bà Bùi Thị Quỳnh Hợp (hộ khẩu thường trú tại thôn Nghe xã Vân Hòa), khu đất có nguồn gốc đất khai hoang.
Cũng theo biên bản làm việc của UBND xã Vân Hòa với bà Hợp thì qua tiến hành kiểm tra tổ công tác đã xác nhận chủ đầu tư đã tiến hành tháo dỡ điều hòa, thiết bị vệ sinh, cửa kính. Một căn 7m2 đã tháo dỡ ván ốp ngoài, chưa tháo dỡ mái tôn. Hoàn thành tháo dỡ các công trình sai phạm trước ngày 21/10. Tuy nhiên theo ông Long do con bị ốm nên bà Hợp xin lùi thời gian hoàn thiện tháo dỡ trước ngày 23/10.
Xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép
Ngày 25/8/2022, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc tăng cường công tác chỉ đạo khắc phục tồn tại, xử lý vi phạm các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động và các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Sở Xây dựng được giao thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy khi có văn bản góp ý về giải pháp, giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy; chỉ nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng khi có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy.
Sở này cũng phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan, UBND quận, huyện, thị xã trong việc xử lý các công trình xây dựng không phép, trái phép (đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện, hành lang bảo vệ rừng, sai mục đích sử dụng đất) và các công trình có vi phạm về trật tự xây dựng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động trên địa bàn thành phố. Đồng thời tham mưu, báo cáo đề xuất UBND thành phố có biện pháp, giải pháp khắc phục, xử lý các công trình vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố theo thẩm quyền (đặc biệt là các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động).
Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!
Nhóm PV