Nghiên cứu sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp
Một số điều trong Luật Khoáng sản đang được nghiên cứu sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan việc sử dụng nguồn đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các công trình xây dựng.
Ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1079/CĐ-TTg về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xem xét nhiều vấn đề vướng mắc về luật trong phạm vi toàn quốc, có xét báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc sử dụng nguồn đất đá thải mỏ để san lấp mặt bằng các công trình xây dựng.
Trong đó, Chính phủ có chỉ đạo Bộ TN&MT nghiên cứu, đề xuất và sửa đổi, bổ sung ngay danh mục những quy định trong Luật Khoáng sản gây vướng mắc trong xây dựng theo các hướng danh định lại đất san lấp, đất đồi không phải là khoáng sản để trình Quốc hội sửa đổi khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản, hiện quy định “Khoáng sản bao gồm cả đất đá thải loại ở bãi thải mỏ than” là không phù hợp.
Lý do, đất san lấp, đất đồi là tài nguyên đất, nên xếp riêng khác với tài nguyên khoáng sản, cũng như các loại tài nguyên khác như tài nguyên nước, tài nguyên sinh thái… để đảm bảo tính khoa học và thuận lợi cho công tác quản lý tài nguyên. Nếu định danh đất là tài nguyên khoáng sản thì phát sinh nhiều bất cập như: Tại Điều 65, Luật Khoáng sản quy định về khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình, đều sử dụng cụm từ "phát hiện" có khoáng sản trong quá trình thi công thì cơ quan quản lý có thẩm quyền phải cấp phép theo quy định. Như vậy, hầu hết tất cả các dự án đầu tư xây dựng công trình (không chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, mà còn trên cả nước) đều có hoạt động đào - đắp (đào móng, san nền…), đều "phát hiện" tài nguyên đất, đất san lấp.
Do đó, nếu khái niệm tài nguyên đất, đất san lấp là khoáng sản thì hầu hết tất cả các dự án xây dựng công trình đều phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản. Như vậy, thực tế việc đầu tư xây dựng hầu hết các công trình hiện nay (bao gồm cả xây dựng nhà ở của dân, dự án đào đắp đê điều, cống rãnh…) đều đang vi phạm các quy định của Luật Khoáng sản.
Nếu xem đất là khoáng sản thì việc quy hoạch thăm dò khoáng sản phải được triển khai thực hiện trên toàn bộ diện tích của cả 1 tỉnh, 1 quốc gia vì trên toàn bộ diện tích của tỉnh hay quốc gia đều có đất (đất, bùn đất, đất dưới mặt nước ao hồ, sông, suối, biển…). Điều này đang mâu thuẫn với thực tiễn đang triển khai thực hiện, quản lý và sử dụng tài nguyên đất.
Định danh lại đất đá thải mỏ than không phải là khoáng sản mà là chất thải rắn công nghiệp thông thường, bởi trong định nghĩa về khoáng sản tại Luật Khoáng sản có quy định, khoáng sản bao gồm cả khoáng chất ở bãi thải của mỏ.
Đất đá thải mỏ thực chất là chất thải rắn công nghiệp thông thường, phát sinh từ hoạt động khai thác, sản xuất than. Điều này hoàn toàn phù hợp theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014: "Chất thải là vật chất được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác" và phù hợp với nội dung tại các báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án khai thác mỏ than (hiện trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đều đánh giá đất đá thải mỏ than là một trong các loại chất thải rắn công nghiệp thông thường và xác định các biện pháp xử lý, trong đó có thu gom, vận chuyển về bãi thải theo quy định).
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Ngọc Cơ cho hay, chủ trương tái sử dụng đất đá thải mỏ rất thiết thực, có tính thời sự cao, đồng nhất với định hướng phát triển bền vững của Tập đoàn. Việc sử dụng đất đá thải làm vật liệu san lấp sẽ mang lại lợi ích cả về kinh tế và xã hội.
Xuân Hòa (t/h)