Thứ sáu, 22/11/2024 10:18 (GMT+7)
Thứ tư, 05/04/2023 08:10 (GMT+7)

Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hưng Yên

Theo dõi KTMT trên

Nghiên cứu thực hiện nhằm đánh giá được nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở tỉnh Hưng Yên.

Bằng phương pháp điều tra xã hội học, tham vấn chuyên gia và lựa chọn mô hình SEM để giải bài toán quan hệ phức tạp giữa nhận thức, thái độ, biến đặc điểm xã hội, và hành vi nhờ phần mềm SPSS. Kết quả thu được trong 4 nhân tố lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới hành vi quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) thì nhân tố “kiến thức về môi trường” có ảnh hưởng lớn nhất, từ đó chính quyền tỉnh Hưng Yên có thể lựa chọn những giải pháp nâng cao trình độ hiểu biết về kiến thức về môi trường để thúc đẩy hành vi phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn giúp giảm thiểu lượng chất thải sinh hoạt thải ra môi trường cần xử lý xuống mức thấp nhất.

1. Đặt vấn đề

Quá trình đô thị hóa, cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày càng tăng cao, theo thống kê khối lượng phát sinh chất thải ở Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm. Tổng lượng chất thải phát sinh trong năm 2015 ước đạt trên 27 triệu tấn. Với tốc độ tăng trưởng dự báo về phát sinh chất thải rắn sinh hoạt là 8,4%/ năm đối với khu vực đô thị và tổng mức độ tăng dự báo khoảng 5% mỗi năm, tổng lượng chất thải ước trên cả nước tính tăng lên 54 triệu tấn vào năm 2030 [1].

Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh, chất thải phát sinh đã tăng rất nhanh, đến mức hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy cũng như yêu cầu tài chính cho các hệ thống này không thể theo kịp với khối lượng chất thải gia tăng: Hoạt động quản lý chất thải hiện nay đòi hỏi nhiều lao động và không hiệu quả; phí không đủ chi trả chi phí vận hành. Nhận thức cộng đồng thấp, tiếp cận hạn chế với hệ thống thu gom chất thải rắn chính thức dẫn đến việc xả rác thải bất hợp pháp của các hộ gia đình vào các kênh, hồ và ruộng lúa, trên các bãi biển và vào đại dương. Ngay cả đối với chất thải được thu gom bởi chính quyền đô thị, phần lớn vẫn được xử lý trong các bãi chôn lấp với thiết kế không hợp vệ sinh và quản lý yếu kém, gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Tỉnh Hưng Yên nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Hồng, trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, đang trên đà phát triển, đô thị hóa [2]. Song song với sự phát triển này cuộc sống của người dân ngày càng được thiện, nhu cầu sống ngày càng cao, kéo theo lượng chất thải rắn sinh hoạt lớn từ các hoạt động thường ngày càng nhiều. Tỉnh Hưng Yên có tiềm năng phát triển rất lớn nhưng công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập, khó khăn cần được giải quyết và khắc phục như công tác thu gom không đồng bộ, tình trạng người dân vứt rác bừa bãi vẫn còn tồn tại, điểm tập kết rác gây mùi khó chịu cho dân cư sống xung quanh. Bởi vậy để phát triển kinh tế đi đôi với việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, một việc làm thiết yếu là phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường.

Bài viết này trình bày các kết quả: đánh giá hiện trạng chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Hưng Yên; đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo mô hình SEM; đề xuất một số giải pháp trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở tỉnh Hưng Yên.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này lựa chọn điển hình Hai khu vực là huyện Kim Động và thành phố Hưng Yên được lựa chọn do có số dân số gần đúng bằng số dân trung bình của toàn tỉnh (trong đó dân số huyện Kim Động là 118.416 người, của thành phố Hưng Yên là 118.646 người) [2].

Phạm vi về thời gian nghiên cứu dự kiến thực hiện từ tháng 3 năm 2022 đến tháng 6 năm 2022

2.1. Phương pháp điều tra xã hội học

Thực hiện phương pháp điều tra xã hội học bằng bảng hỏi kết hợp với khảo sát thực địa nhằm thu thập được các thông tin liên quan đến hiện trạng phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nhận thức, thái độ , hành vi của người dân đến việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Hưng Yên

- Kích cỡ mẫu điều tra được tính theo công thức [9]

n=N/((1+N.e²))  (1)

Trong đó: n là cỡ mẫu điều tra; N là kích cỡ tổng thể; e là mức sai số chấp nhận (e nằm trong khoảng 0.05 đến 0.1)

Do điều kiện về nguồn lực và thời gian nghiên cứu, nên lựa chọn e = 0,07 là khoảng giá trị trung bình để đảm bảo độ tin cậy trong nghiên cứu; kích cỡ mẫu điều tra tính đươc theo công thức là:

n=377582/((1+N.0,07²))=203.971 (Phiếu)

Sau khi tính toán đã xác định được số phiếu là 200 phiếu trong đó là 100 phiếu tại huyện Kim Động và 100 phiếu tại thành phố Hưng Yên...

Sau khi tiến hành điều tra ngẫu nhiên 20 hộ dân tại tỉnh Hưng Yên, việc phỏng vấn trực tiếp đã gặp rất nhiều khó khăn. Vậy nên để thuận tiện cho quá trình nghiên cứu đã lựa chọn hình thức lấy ý kiến khảo sát người dân qua bảng hỏi online theo đường link:

https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdEJ8XCaNunAQSZR9STBIK8IxAlMFH0NGZM10QQnkW6SQ4ZOw/viewform

Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hưng Yên - Ảnh 1
Hình 1. Mẫu phiếu điều tra khảo sát người dân online.

- Thiết lập phiếu điều tra

+Phiếu hỏi thí điểm: Tiến hành điều tra ngẫu nhiên 20 hộ gia đình trong đó 10 hộ tại huyện Kim Động và 10 hộ tại thành phố Hưng Yên để điều chỉnh phiếu hỏi cho phù hợp với tình hình nghiên cứu thực tế trên địa bàn.

+Cấu trúc của mẫu phiếu điều tra:

Thứ nhất: Thiết lập các câu hỏi nhằm thu thập các thông tin liên quan đến hiện trạng phân loại và quản lý chất thải trong sinh hoạt tại hộ gia đình.

Thứ hai: Các câu hỏi về chỉ số quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chuẩn mực cá nhân, kiến thức, mối quan tâm chung về môi trường, thái độ và hành vi của người được hỏi đối với việc phân loại và thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Thứ ba: Thông tin chung: Họ tên, năm sinh, giới tính, địa chỉ, điện thoại, trình độ học vấn, nghề nghiệp, thu nhập bình quân.

2.2. Mô hình SEM đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hưng Yên

Nghiên cứu sử dụng phần mềm SPSS 20 để phân tích mối tương quan các biến theo mô hình SEM để đánh giá nhận thức, thái độ hành vi của người dân về quản lý CTRSH

- Kiểm định thang đo

Dữ liệu sau khi được sàng lọc, sử dụng phần mềm SPSS phiên bản 20 để tiến hành phân tích dữ liệu, kiểm định thang đo theo các bước sau:

+ Phân tích nhân tố khám phá EFA: dùng để loại bỏ các biến không đạt yêu cầu. Chỉ tiêu cần quan tâm là KMO ≥ 0.5, kiểm định Bartlett có ý nghĩa thống kê, Sig < 0.05 [10]

+ Hệ số Cronbach Alpha: Kiểm tra này nhằm đảm bảo các thang đo đơn hướng đều có hệ số Cronbach Alpha lớn hơn 0.6 nhưng không lớn hơn 0.95. Những biến có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0.3 sẽ bị loại khỏi thang đo [10]

+ Phân tích nhân tố khẳng định CFA trong phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM: nhằm kiểm định xem mô hình có đạt yêu cầu hay không và thang đo có đạt yêu cầu của thang đo tốt hay không, có thể kiểm định giá trị hội tụ và phân biệt [10]:

Mô hình có dạng như sau:

Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hưng Yên - Ảnh 2
Hình 2. Mô hình mối quan hệ nhận thức, thái độ, hành vi quản lý CTRSH

Chuẩn mực cá nhân. Trong nghiên cứu này đã dựng các câu hỏi phù hợp với phân loại chuẩn mực của Việt Nam, dựa theo nghiên cứu của Nguyễn Lưu Bảo Đoan (2015). Người tham gia phỏng vấn tại tỉnh Hưng Yên cần thể hiện đồng ý với thực hiện hành động bảo vệ môi trường, cụ thể là hành động phân loại, thu gom, tái sử dụng tái chế chất thải rắn

Mối quan tâm chung về môi trường. Với nghiên cứu này, để đo lường mức độ quan tâm thì câu hỏi trong phiếu sẽ yêu cầu người tham gia được hỏi thể hiện mức độ quan tâm đối với 3 vấn đề của môi trường là ô nhiễm môi trường thúc đẩy biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người và phân loại chất thải rắn sinh hoạt trước khi xả thải để bảo vệ môi trường. Dựa trên ý kiến tham vấn chuyên gia làm cơ sở lựa chọn 3 vấn đề trên.

Kiến thức về môi trường. Câu hỏi tập trung vào kiến thức về tầm quan trọng của môi trường đối với cuộc sống con người, bảo vệ môi trường là bảo vệ cho bản thân và thế hệ tương lai. Cũng để trả lời cho ý nghĩa của việc phân loại chất thải và trách nhiệm của người dân trong tỉnh Hưng Yên. Tác giả dựa trên ý kiến tham vấn chuyên gia để xây dựng các câu hỏi kiến thức về môi trường

Thái độ: là cảm nhận của cá nhân về việc dễ hay khó khi thực hiện hành vi phân loại, thu gom, tái sử dụng tái chế CTRSH, phụ thuộc vào sự sẵn có của các nguồn lực và các cơ hội để thực hiện hành vi (Ajzen,1991)

Chỉ số phân loại: Chỉ số này thể hiện hành vi trong quản lý chất thải rắn. Nghiên cứu dựa trên ý kiến tham vấn chuyên gia để áp thang đo Likert để dự báo hành vi và với phương pháp cho điểm đối với người có nhận thức về phân loại chất thải rắn.

Các đặc điểm xã hội – nhân khẩu: Tập chung các thông tin Họ tên, tuổi, giới tính, trình độ học vấn, thu nhập bình quân, quy mô hộ và diện tích nhà ở của người tham gia phỏng vấn tại tỉnh Hưng Yên.

2.3. Phương pháp xử lý số liệu

Tổng hợp những thông tin, số liệu thu được từ phiếu điều tra, tiến hành xử lý bằng công cụ Microsoft Excel. Nghiên cứu sử dụng phần mềm thống kê cho khoa học xã hội (SPSS 16) để phân tích mối tương quan các biến theo mô hình SEM để đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của người dân với hoạt động phân loại thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Đánh giá hiện trạng chất thải rắn sinh hoạt tại tỉnh Hưng Yên

Về hiện trạng phát sinh CTRSH, trung bình mỗi người phát sinh từ 0,3 đến 1,6 kg/người/ngày đêm. Sự chênh lệch khác nhau giữa các hộ dân được phỏng vấn là do thành phần kinh tế, thu nhập, cách thức phân loại chất thải khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Ngoài ra còn ảnh hưởng của dịch vụ kinh doanh của các hộ dẫn đến khối lượng phát sinh của các hộ là khác nhau

Về phân loại CTRSH sau khi phát sinh có 26% hộ dân không phân loại;74% hộ phân loại trong đó có 81% chọn phân thành 2 loại là CTR hữu cơ và CTR vô cơ, 15% hộ chọn phân thành 3 loại là CTR nguy hại, CTR tái chế và các loại CTR còn lại, 3% hộ dân chọn phân thành 4 loại, số hộ còn lại chọn phân thành nhiều loại CTR. Đa số các hộ dân chọn phân loại CTR như giấy, báo, nhựa hay kim loại... để bán lại cho các đơn vị thu mua phế liệu; bên cạnh đó vẫn còn các hộ không phân loại thì cho là không biết cách thức phân loại và phân loại gây mất thời gian hoặc phân loại xong nhưng đơn vị thu gom lại thu gom không để riêng các loại chất thải.....

Hình 3 thể hiện tỷ lệ phân loại CTRSH tại tỉnh Hưng Yên theo kết quả của phiếu điều tra phỏng vấn người dân:

Kết quả khảo sát cho thấy việc phân loại CTR tại 2 khu vực nghiên cứu có sự chênh lệch, số lượng người dân tại thành phố Hưng Yên phân loại CTR cao hơn so với huyện Kim Động. Sự khác nhau đó là do tiếp cận kiến thức về môi trường, ý thức của người dân tại 2 khu vực có sự khác nhau. Chất thải hiện nay chưa được các gia đình quan tâm đúng mức, hầu hết mọi người đều quan niệm cái gì không dùng được thì vứt đi. Tâm lý người dân cho rằng, việc phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện. Ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc bỏ rác đúng nơi quy định cũng như phân loại chất thải. Thói quen của nhiều người dân là tất cả các loại rác – bao gồm thực phẩm thừa, vật dụng hỏng… đều được bỏ chung một túi/thùng rác mà không cần biết trong số chất thải sinh hoạt hàng ngày cũng có những loại chất thải có thể đưa vào tái chế và phục vụ cho cuộc sống con người.

Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hưng Yên - Ảnh 3
Hình 3. Tỷ lệ phân loại CTRSH tại địa điểm nghiên cứu.

Về CTR hữu cơ 69% người dân tham gia khảo sát lựa chọn hình thức vứt bỏ ở thùng rác và 31% người dân còn lại lựa chọn hình thức tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón, chuyển giao cho đơn vị bán đồng nát. Giấy/báo/thùng 58,5% người dân lựa chọn hình thức tái chế chuyển giao lại cho đơn vị bán đồng nát, 31% chọn vứt bỏ, 7% lựa chọn tái sử dụng, còn lại 3,5 % là đốt. Chai lọ thủy tinh đa số người dân lựa chọn thải bỏ vào thùng rác (chiếm 69,5%) còn lại là tái sử dụng, bán cho đơn vị đồng nát. 56% người dân chuyển giao nhựa cho đơn vị bán đồng nát, 35,5% chọn thải bỏ, tái sử dụng chiếm 8,5%. Thành phần kim loại 62% người tham gia phỏng vấn bán lại cho đơn vị thu mua, 35% vứt bỏ, còn lại là tái sử dụng. Pin/ắc quy 65% lựa chọn thải bỏ, còn lại lựa chọn bán cho đơn vị thu mua và tái sử dụng. Về bao bì, lọ hóa chất các hộ dân đa số đều thải bỏ (chiếm 96%) còn lại lựa chọn hình thức đốt.

Các hộ gia đình khảo sát sử dụng túi nilon để chứa rác, chiếm 35% trong tổng số phiếu. Ngoài ra thì họ còn sử dụng thùng không có nắp đậy (chiếm 30%) và thùng có nắp đậy (chiếm 24%) để đựng rác; còn lại là họ dùng bao tải và sọt chứa chất thải.

Hiện trạng thu gom tại địa điểm nghiên cứu 100% hộ dân tham gia phỏng vấn đều sử dụng dịch vụ thu gom chất thải rắn tại địa phương, với tần suất thu gom là một lần/ngày (chiếm 69%) và 25% là một lần/2 ngày còn lại là hai lần/ngày. Tùy thuộc vào từng địa phương mà mức phí thu gom chất thải rắn có sự khác nhau mức phí từ 5.000 đồng đến 12.000 đồng/nhân khẩu và một phần thì cảm thấy mức phí thu gom như hiện nay là hợp lý, phù hợp với tình trạng thu gom hiện nay.

Đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển thì kết quả khảo sát cho thấy có 70% hộ gia đình cảm thấy bình thường tạm được, 28% người dân hài lòng với dịch vụ thu gom vận chuyển hiện nay tại địa phương. Một số lý do khiến các hộ gia đình nhận xét dịch vụ thu gom ở mức không hài lòng vì: trong quá trình thu gom còn làm rơi vãi rác gây mất vệ sinh và để lại mùi hôi, có những lúc công nhân quét rác rồi tấp xuống cống luôn chứ không thu gom.  

Đa số người dân tham gia phỏng vấn trả lời câu hỏi về các điều kiện cần thiết để đảm bảo cho việc phân loại CTRSH được triệt để đều chọn phương án sử dụng túi nilon với màu sắc kích thước quy định để phân thành 3 loại chất thải trong các hộ gia đình, đặt các thùng rác chứa 3 loại chất thải ứng với 3 màu sắc khác nhau ở khu vực công cộng, khu tập kết rác, và đủ các cơ sở thu mua phế liệu. Kênh truyền thông hiệu quả nhất các hộ dân lựa chọn để hiểu biết hơn về phân loại chất thải là Internet và truyền hình, truyền thanh. Kết quả trên cũng là cơ sở đề ra một số giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại địa phương.

3.2. Đánh giá nhận thức, thái độ, hành vi của người dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo mô hình SEM

* Đặc điểm của đối tượng khảo sát

Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn online 200 hộ dân tại tỉnh Hưng Yên, trong đó có 100 phiếu tại huyện Kim Động và 100 phiếu tại thành phố Hưng Yên:

Mức thu nhập của nhóm người dân được phỏng vấn đa số đều nằm trong khoảng từ 5 đến 10 triệu đồng chiếm 37,5% và từ 10 đến 15 triệu đồng chiếm 30,5%; hai mức thu nhập này nằm trong khoảng thu nhập tương đối ổn định với người dân. Mức thu nhập này có ảnh hưởng trực tiếp đên khả năng tiêu dùng và mức sẵn lòng sử dụng các sản phẩm có ích cho môi trường.

Kết quả thu thập được từ phiếu điều tra cho thấy, số thành viên trong gia đình có 3 và 4 người chiếm tỷ lệ cao nhất là 26% và 43%. Số lượng thành viên trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến việc phát sinh chất thải rắn sinh hoạt của gia đình

* Kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha

Sau khi thực hiện các tiêu chí đánh giá (các biến) để đo lường các nhân tố, thì các tiêu chí/biến được chọn lọc mang ý nghĩa tương quan chặt chẽ được xác định.

Kết quả kiểm định của độ tin cậy thang đo của các biến quan sát được thể hiện trong bảng 1: 

Bảng 1. Kết quả phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha

Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hưng Yên - Ảnh 4

Có 5 nhóm nhân tố chính: chuẩn mực về môi trường, kiến thức về môi trường, mối quan tâm về môi trường, thái độ và hành vi đều đều được đo lường bằng 5 biến 5 biến quan sát. Kết quả kiểm định cho thấy biến quan sát KT1 có hệ số Cronbach’s Alpha =0,944 lớn hơn hệ số Cronbach’s Alpha của cả nhóm là 0,938. Vì vậy, có thể kết luận được rằng thang đo được sử dụng trong nghiên cứu là phù hợp và đáng tin cậy.

Kiểm định KMO

Bảng 2. Bảng kết quả kiểm định KMO

Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hưng Yên - Ảnh 5

Kết quả kiểm định cho ra trị số KMO đạt giá trị bằng 0,861 (>0,5) cho thấy điều kiện để phân tích nhân tố là phù hợp, kết quả mức ý nghĩa sig. đạt 0,000 (<0,05) chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau, phù hợp đưa vào phân tích.

Hồi quy tuyến tính

Sử dụng phần mềm SPSS để phân tích hồi quy, cho ra R2 điều chỉnh bằng 0,685, ta kết luận được mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng phù hợp với các dữ liệu đến mức 68,5% sự thay đổi biến thiên của biến phụ thuộc là do sự biến động của 11 biến nêu trên. Còn lại 31,5% là do sự ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài mô hình.

Bảng 3. Đánh giá độ phù hợp của mô hình hồi quy

Bảng 4.  Phân tích hồi quy đa biến

Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hưng Yên - Ảnh 6

Ta thấy mức ý nghĩa của tiêu chí “chuẩn mực cá nhân” là 0,052 (< 0.1) mặc dù không cao nhưng vẫn có tương quan với biến “Chỉ số phân loại” ở mức ý nghĩa là 90%.

Tiêu chí “Thái độ về môi trường” có mức ý nghĩa Sig. là 0,391 (>0.1) nên ta kết luận biến “Thái độ về môi trường” trong nghiên cứu này không có tương quan tuyến tính với biến “Chỉ số phân loại”. Tiêu chí “Nghề nghiệp” có mức ý nghĩa Sig. là 0,212 (>0.1) nên ta kết luận biến “Thái độ về môi trường” trong nghiên cứu này không có tương quan tuyến tính với biến “Chỉ số phân loại”.

Mô hình hồi quy thể hiện mối quan hệ giữa chỉ số phân loại chất thải sinh hoạt của người dân tỉnh Hưng Yên với các yếu tố tuổi, giới tính, trình độ học vấn, thu nhập, nhân khẩu, chuẩn mực chủ quan, mối quan tâm chung về môi trường, kiến thức chung về môi trường và hành vi tái chế được thể hiện như sau:

Chỉ số phân loại = f (Tuổi, giới tính, Học vấn, Thu nhập, Số nhân khẩu, Chuẩn mực, Mối quan tâm, Kiến thức, Hành vi)

CSPL = 0,149T + 0,380GT + 0,133TDHV + 0,093TN + 0,347NK + 0,198CM + 0,384QT + 0,523KT +0,410HV + (-5,375)

Dựa vào mô hình hồi quy các nhân tố ảnh hưởng đến chỉ số phân loại chất thải từ sinh hoạt của người dân tỉnh Hưng Yên, có thể thấy nhân tố “Chuẩn mực cá nhân” có hệ số β = 0,198 có nghĩa là khi nhân tố “Chuẩn mực cá nhân” thay đổi 1 đơn vị trong khi các nhân tố khác không thay đổi thì làm cho “chỉ số phân loại” cũng biến động cùng chiều 0,198 đơn vị. Đối với nhân tố “Kiến thức về môi trường có hệ số β =0,523 cũng có nghĩa là khi nhân tố “Kiến thức về môi trường” thay đổi 1 đơn vị (các nhân tố khác không thay đổi) thì nhân tố “chỉ số phân loại” cũng biến động cùng chiều 0,523 đơn vị. Giải thích tương tự đối với các nhân tố còn lại (trong trường hợp các nhân tố còn lại không thay đổi).

Như vậy, dựa trên kết quả phân tích hồi quy được nghiên cứu ở trên, có thể nhận thấy rằng nhân tố “Kiến thức về môi trường” là có tác động lớn nhất đến chỉ số phân loại chất thải sinh hoạt của người dân tỉnh Hưng Yên với hệ số β = 0,523. Nhận xét về hiện tượng này, khi người dân có hiểu biết về môi trường sẽ thì những tác động tốt đến chuẩn mực cá nhân và thái độ hay cuối cùng là chỉ số phân loại chất thải của người dân tỉnh Hưng Yên.

4. Đề xuất các giải pháp

4.1. Giải pháp cải thiện về nhân tố chuẩn mực các nhân

Dựa vào kết quả của mô hình hồi quy tuyến tính nghiên cứu xây dựng ở trên thì nhân tố này là nhân tố có tác động đứng cuối cùng (0,198) trong các nhân tố lớn đối với biến phụ thuộc. Vậy nên, nhân tố chuẩn mực cá nhân có tác động nhỏ đến hệ số phân loại chất thải tại tỉnh Hưng Yên.

Để cải thiện về nhân tố chuẩn mực cá nhân nghiên cứu có đưa ra giải pháp: Chính quyền tỉnh Hưng Yên cần chú trọng việc tuyên truyền đến người dân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường mà chất thải rắn sinh hoạt gây ra như ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, không khí và có ảnh hưởng đến sức khỏe con người, gây mất cảnh quan, mỹ quan... Đưa ra được lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn ngay sau khi phát sinh hoặc sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần trong sinh hoạt hằng ngày. Thúc đẩy việc thu gom, dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm tại nơi người dân sinh sống. Để cải thiện được phần nào việc giảm thiểu phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ra ngoài môi trường; đồng thời hướng đến thói quen phân loại chất thải rắn và sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng.

4.2. Giải pháp về nhân tố kiến thức

Trong 4 nhân tố lớn có ảnh hưởng trực tiếp tới chỉ số phân loại thì nhân tố “kiến thức về môi trường” có ảnh hưởng lớn nhất, từ đó chính quyền tỉnh Hưng Yên có thể lựa chọn những giải pháp nâng cao trình độ hiểu biết về kiến thức về môi trường để thúc đẩy hành vi phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn giúp giảm thiểu lượng chất thải sinh hoạt thải ra môi trường cần xử lý xuống mức thấp nhất.

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những tác hại do chất thải gây ra cho môi trường và sức khỏe con người thông qua hệ thống thông tin của thôn như: báo, đài, tivi, áp phích tại địa phương...

Tổ chức các hoạt động, chương trình, phong trào làm vệ sinh môi trường: Ngày môi trường thế giới, giữ gìn đường phố xanh - sạch đẹp, tháng thanh niên hành động vì môi trường...

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, trong nhà trường về vấn đề bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát động các phong trào như: trồng cây xanh, khơi thông cống rãnh, xóa bỏ đi quan niệm môi trường chỉ là một môn học lồng ghép, thay vào đó nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa về đề tài môi trường một cách sinh động nhằm tạo hứng thú cho học sinh khi tìm hiểu về môitrường, nhằm hình thành thói quen tốt cho học sinh về ý thức bảo vệ môi trường như dùng các phần mềm dạy học về môi trường...

Tuyên truyền lợi ích và thực hiện các chương trình thúc đẩy người dân mua các sản phẩm có ít bao bì, tái sử dụng các túi đựng nhiều lần, sử dụng các loại bao bì dễ phân hủy, giảm dần thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy.

Nghiên cứu đưa nội dung giáo dục môi trường trong đó có quản lý chất thải vào chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông.

Đẩy mạnh việc tuyên truyền, đào tạo và tổ chức các khóa tập huấn cho doanh nghiệp về sản xuất sạch hơn, hoạt động giảm thiểu phát sinh chất thải rắn; quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn theo đúng các quy định của pháp luật.

Nhận thức của người dân về vấn đề quản lý rác thải, và các tác động đến môi trường, sức khỏe của con người do ô nhiễm rác thải còn ở mức thấp bởi vậy việc nâng cao hiểu biết và ý thức cộng đồng với lĩnh vực BVMT nói chung và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nói riêng là việc làm hết sức cần thiết. Để nâng cao nhận thức của người dân có thể thông qua một số biện pháp sau:

Phổ biến cho người dân thế nào là rác thải hữu cơ, thế nào là rác thải vô cơ, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về việc phân loại rác thải thông qua các tổ chức chính trị: hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, hội nông dân, hội phụ nữ, trường học.

4.3. Giải pháp cải thiện về nhân tố mối quan tâm môi trường

Kết quả phân tích SPSS cho thấy nhân tố mối quan tâm về môi trường đúng thứ 3 trong 4 nhân tố lớn có ảnh hưởng tới chỉ số quản lý chất thải, vì vậy nhóm nhân tố này có ảnh hưởng khá sâu sắc đến chỉ số phân loại chất thải tại địa điểm nghiên cứu.

Vấn đề môi trường hiện nay ngày càng được quan tâm hơn, việc phát triển kinh tế đi đôi với BVMT. Các mối quan tâm về môi trường của người dân được như khai thác quá mức hiện đang làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên; ô nhiễm môi trường ảnh hượng trực tiếp tới sức khỏe con người; tái chế, tái sử dụng tối đa chất thải từ sinh hoạt trước khi xả thải nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường; chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, không khí; chất thải nhựa làm ảnh hưởng tới môi trường sống của đa dạng sinh học. Chính quyền địa phương có thể dùng hình thức tuyên truyền hướng dẫn người dân về phân loại chất thải sau khi phát sinh qua hệ thống thông tin truyền thanh như báo, đài, internet,... Bên cạnh việc tuyên truyền chính quyền cần nhấn mạnh về việc xuống cấp, ô nhiễm của môi trường hiện nay và những ảnh hưởng trực tiếp của ô nhiễm môi trường tác động lên các thành phần môi trường và lên chính mỗi con người chúng ta. Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay là hồi chuông cảnh tỉnh để người dân quan tâm, chú trọng nhiều hơn về việc BVMT là chính bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

4.4. Giải pháp về nhân tố hành vi

Theo mô hình hồi quy mà tác giả đưa ra, nhân tố hành vi là nhân tố đứng thứ 2 trong các nhân tố tác động quan trọng đến chỉ số phân loại chất thải tại địa điểm nghiên cứu.

Chính quyền địa phương tỉnh Hưng Yên cần đưa ra các giải pháp:

* Phân lọai rác tại nguồn

- Đối tượng:

Tất cả các đối tượng sau đây đều phải thực hiện phân loại rác tại nguồn trước khi công nhân môi trường đến thu gom, vận chuyển rác về địa điểm tập kết:
Các hộ gia đình trên địa bàn khu vực nghiên cứu

- Mục tiêu:

+ Nâng cao tỷ lệ thu gom CTRSH lên trên 95%

+90% các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Hưng Yên nói chung và 2 địa điểm tại khu vực nghiên cứu nói riêng thực hiện phân loại rác tại nguồn.

+100% các hộ gia đình và các đơn vị liên quan trên địa bàn nghiên cứu được trang bị đầy đủ các kiến thức về phân loại rác tại nguồn.

- Trách nhiệm của các bên liên quan

Bảng 5. Trách nhiệm của các bên liên quan khi áp dụng mô hình phân loại CTRSH tại nguồn

Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hưng Yên - Ảnh 7

- Phương pháp phân loại:

Phân loại CTRSH thành ba loại chất thải hữu cơ và chất thải vô cơ và chất thải tái chế đựng trong 3 thùng riêng biệt có màu khác nhau (màu xanh, màu vàng và màu đỏ). Các cán bộ chuyên môn có nghĩa vụ hướng dẫn chi tiết và thông tin cụ thể những phương thức thực hiện phân loại rác tại nguồn đến với người dân.

Đối với các hộ gia đình, dùng các vật dụng có sẵn trong nhà để làm những thùng đựng rác phân loại, Tại điểm tập kết rác chia rác thải đựng vào 3 thùng riêng biệt:

+ Thùng 1: Chứa CTR dễ phân hủy, là chất hữu cơ xuất phát từ việc nấu ăn và thải ra trong quá trình ăn uống hàng ngày của các hộ gia đình (các loại rác thực phẩm sau khi chế biến đồ ăn như rau, củ, quả; thực phẩm dư thừa, bã chè; cà phê; ...). Sau đó, chúng sẽ được sử dụng làm phân bón vi sinh hoặc là thức ăn chăn nuôi.

+ Thùng 2: Chứa CTR khó phân hủy là những thành phần rác vô cơ và chất rắn trơ (sành sứ, xỉ than, túi nilon, cành cây, bùn đất, hộp xốp). Đây là những loại rác không thể tái sử dụng được nữa, cũng không thể tái chế được. Chất thải này được đưa về khu xử lý đốt hoặc chôn lấp. Để chung tay bảo vệ môi trường, chúng ta nên hạn chế sử dụng những loại rác trên.

+ Thùng 3: Chứa CTR tái chế là những thành phần chất thải có thể tái sử dụng (giấy, báo, chai lọ nhựa, vỏ lon nhôm,...). Các chất thải này có thể bán lại cho các đơn vị thu mua, các nhà máy tái chế để tạo thành nguyên liệu hoặc sản phẩm mới bán ra thị trường, đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng.

- Thời gian thu gom: 20h- 22h hàng ngày

4.5. Giải pháp về nhân lực, vật lực

Để đảm bảo quản lý tốt công tác môi trường cần bổ sung thêm cán bộ chuyên ngành môi trường về các xã. Hiện tại, hầu hết ở cấp xã có rất ít cán bộ có chuyên ngành môi trường mà chủ yếu kiêm nhiệm cần phải bổ sung thêm cán bộ chuyên ngành môi trường. Tổ chức tập huấn 3 tháng/lần về nghiệp vụ môi trường để cán bộ cơ sở tiếp cận, nắm bắt và chủ động trong tham mưu, thực hiện nhiệm vụ.

Đối với công nhân thu gom rác: Cần trang bị thêm và thường xuyên thay thế đổi mới các dụng cụ bảo hộ lao động như: quần áo, bao tay, khẩu trang... nhằm đảm bảo an toàn trong môi trường làm việc, không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ trước mắt cũng như lâu dài của công nhân. Cụ thể cần trang bị thêm quần áo bảo hộ và thay mới khẩu trang, bao tay, nước rửa tay khô định kì hàng tháng để đảm bảo sức khỏe cũng như vệ sinh an toàn trong công tác thu gom.

Cần đổi mới và trang bị thêm biển tập kết, thùng chứa rác cho những xã có nơi tập kết rác tạm thời.

Cần thay thế, mua mới các loa phát thanh ở các xã, thị trấn để phục vụ cho công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường đến người dân được tốt hơn.

4.6. Giải pháp về chỉ đạo, cơ chế, chính sách

Để nâng cao hiệu quả của công tác quản lý môi trường, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân tham gia vào các hoạt động cải thiện môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai, chỉnh quyền địa phương cần:

- Hệ thống quản lý chất thải rắn sinh hoạt: Cơ cấu phối hợp tổ chức giữa UBND tỉnh Hưng Yên, UBND huyện, UBND các xã và nhân dân. Phải có sự ràng buộc và chặt chẽ hơn nữa trong công tác thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

- Ủy ban nhân dân huyện tích cực chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đánh giá tổng thể vấn đề môi trường từng địa phương để đưa ra giải pháp hữu hiệu nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tích cực hưởng ứng các tuần lễ, ngày lễ ra quân, các sự kiện về môi trường tại địa phương.

- Thiết lập quy định đối với vấn đề quản lý và xử phạt, thành lập tổ chuyên trách về môi trường và thiết lập kế hoạch về bảo vệ môi trường liên quan tới chất thải rắn sinh hoạt.

- Quy chế môi trường của huyện cần phải có sự răn đe kết hợp với hình phạt kinh tế thỏa đáng. Đưa ra được các biện pháp và hình thức xử phạt cụ thể, rõ ràng cho các trường hợp vi phạm quy chế về: đổ rác không đúng nơi quy định...

- Tổ chức kiểm tra thu gom, vận chuyển của tổ chức chịu trách nhiệm và cụ thể để xử lý hành vi vi phạm theo Luật Bảo vệ môi trường...

- Tăng ngân sách cho hoạt động tuyên truyền và bảo vệ môi trường, thành lập quỹ môi trường để chi trả cho các hoạt động khuyến khích người dân giữ gìn vệ sinh chung và giải quyết sự cố môi trường tại địa phương.

Tài liệu tham khảo

[1] Bộ Tài nguyên và Môi trường (2019), Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia: Chuyên đề Quản lý chất thải rắn sinh hoạt.

[2] https://banqlkcn.hungyen.gov.vn/portal/Pages/2021-11-30/Ke-hoach-so-1439-KH-BQL-ngay-30-11-2021-cua-Ban-Quoel3em.aspx.

[3] PGS.TS Nguyễn Văn Phước, Giáo trình Quản lý và xử lý chất thải rắn.

[4] Ajzen I.,1991. The theory of Planned Behavior, Organizational Behavior and Human Decision Processes,p. 179-211

[5] Trịnh Thị Minh Trang (2019). “Đánh giá hiện trạng phát sinh chất thải nhựa của người dân trên địa bàn huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa và đề xuất biện pháp giảm thiểu tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn”.

[6] Farhana Khana, Waqar Ahmed, Arsalan Najmia. “Understanding consumer’s behavior intentions towards dealing with the plastic waste: Perspective of a developing country”

[7] Qian Liu và cộng sự (2009), A survey and analysis on public awareness and performance for promoting circular economy in China: A case study from Tianjin”

[8]Nguyễn Lưu Bảo Đoan, Nguyễn Trọng Hoài (2015), Đo lường tác động của thái độ tiêu dùng đến hành vi góp phần tái chế chất thải trong hộ gia đình: Nghiên cứu tình huống tại Cần Thơ và TP.HCM. Tạp chí Kinh tế, số 26, trang 76-96. 

[9] Tạ Thị Thùy Dung (2022). “Nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của nhận thức thái độ và hành vi của người dân đến hoạt động thu gom, tái chế chất thải sinh hoạt trên địa bàn huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội”.

[10] Nguyễn Đình Thọ, (2011), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh, NXB Lao động Xã hội.

Hoàng Thị Huê , Phan Thị Thuý Ngân, Nguyễn Khắc Thành, Phạm Đức Tiến

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Hưng Yên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới