Thứ sáu, 22/11/2024 23:49 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/09/2021 16:37 (GMT+7)

Nghiên cứu mới: Xác định quỹ đạo có thể tìm ra ‘hành tinh thứ 9’

Theo dõi KTMT trên

"Hành tinh thứ 9" là một giả thuyết được đặt ra khá lâu và dần để lộ những manh mối thú vị cho các nhà khoa học.

Theo đó, nhiều vật thể không gian nhỏ ở vùng xa xôi gần rìa Hệ Mặt Trời bị một vật mạnh mẽ, khổng lồ, vô hình tác động lực hấp dẫn vào, làm chuyển dịch. Nhiều nhà khoa học tin rằng "bóng ma" đó chính là hành tinh thứ 9.

Tờ Daily Mail đưa tin, nhóm các nhà nghiên cứu từ Mỹ mới đây đã xác định được một quỹ đạo huyền bí có thể giúp tìm ra "hành tinh thứ 9" ma quái của Hệ Mặt Trời.

Nghiên cứu mới: Xác định quỹ đạo có thể tìm ra ‘hành tinh thứ 9’ - Ảnh 1
Bản đồ quỹ đạo của hành tinh thứ 9 (Planet Nine), màu vàng và một số vật thể ở vùng xa xôi của hệ Mặt Trời. (Ảnh: Caltech)

Trong nghiên cứu này, 2 nhà thiên văn Mike Brown và Konstatin Batygin, cùng các cộng sự ở Viện Công nghệ California (Caltech - Mỹ) đã xác định được quỹ đạo của hành tinh đó.

Theo đó, họ tạo ra một bản đồ quỹ đạo các hành tinh và vật thể vành đai Kuiper gần Sao Hải Vương, bao gồm hành tinh thứ 9. Quỹ đạo của vật thể này được xác định dựa trên những tác động của nó lên các vật thể đã biết trong Vành đai Kuiper.

Kết quả cho thấy, quỹ đạo của hành tinh này vô cùng rộng lớn, có hình elip. Hiện tại nó rất có thể đang ở vị trí có độ xa trung bình và đang chậm rãi tiến tới điểm cận nhật (điểm gần Mặt Trời nhất trên quỹ đạo). Khoảng cách trung bình hiện tại là khoảng 500 đơn vị thiên văn (AU). Một AU chính là khoảng cách từ Mặt Trời đến Trái Đất.

Thực tế, việc lập bản đồ này cũng giúp các nhà nghiên cứu ước tính một số tính chất của hành tinh thứ 9, ví dụ khối lượng gấp 6,2 lần Trái Đất. Khi đạt điểm cận nhật, nó vẫn cách mặt trời tới 300 AU. Quỹ đạo của nó cũng có độ nghiêng khoảng 16 độ so với mặt phẳng của Hệ Mặt Trời. Để so sánh, độ nghiêng của Trái Đất là 0 độ, trong khi độ nghiêng của Sao Diêm Vương là 17 độ.

Nghiên cứu mới: Xác định quỹ đạo có thể tìm ra ‘hành tinh thứ 9’ - Ảnh 2
Phác họa hình ảnh hành tinh thứ 9 bí ẩn.

Trước đó, ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy "hành tinh thứ 9" hay "hành tinh X" là có thật, tuy nhiên các nghiên cứu đưa ra tới 5 phiên bản khác nhau của hành tinh bí ẩn này.

Đáng chú ý, một trong những giả thuyết được ủng hộ nhất về "hành tinh thứ 9" là một hành tinh khổng lồ, với 1 năm dài bằng 20.000 năm trên Trái Đất. Theo nghiên cứu từ Viện Công nghệ California (Mỹ) công bố từ năm 2018, đó là một "hành tinh ma" không thể thấy, nhưng vẫn nhận diện được thông qua tác động dữ dội của nó lên các vật thể ở rìa Hệ Mặt Trời. Các tác giả tính toàn rằng hành tinh này có kích thước gấp 4 lần và trọng lượng gấp 10 lần Trái Đất. Vì ở rất xa nên nó mất tới 20.000 năm Trái Đất để quay hết 1 vòng quanh Mặt Trời.

Hay cũng có tuyên bố được lặp lại nhiều lần bởi người đứng đầu NASA - nhà khoa học Jim Bridenstine về “hành tinh thứ 9” là Sao Diêm Vương. Sứ mệnh New Horizons từ năm 2015 của NASA đã phát hiện ra ngày càng nhiều đặc điểm "chuẩn hành tinh" của thiên thể này. Không chỉ vậy, nó còn có thể là một hành tinh mang sự sống với sự tồn tại của đại dương ngầm bên dưới thùy trái của đồng băng hình trái tim Sputnik Planitia và hệ thống thủy nhiệt. Đó chính là cấu trúc được cho là nơi phát hiện sự sống Trái Đất.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu mới: Xác định quỹ đạo có thể tìm ra ‘hành tinh thứ 9’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới