Thứ bảy, 27/04/2024 06:23 (GMT+7)
Thứ tư, 01/09/2021 14:30 (GMT+7)

Nghiên cứu mới về sự sống ngoài Trái Đất trên hành tinh Hycean

Theo dõi KTMT trên

Vũ trụ có nhiều hành tinh và trong số đó có lớp ngoại hành tinh Hycean. Đây là một bước tiến lớn trong việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất.

Trong quá trình tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất, các nhà nghiên cứu chủ yếu tìm kiếm các hành tinh có kích thước, khối lượng, nhiệt độ và thành phần khí quyển tương tự Trái Đất.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge, Anh cho biết, việc thay đổi suy nghĩ trong tìm kiếm các hành tinh có thể sinh sống được sẽ làm tăng cơ hội phát hiện nơi tiềm tàng.

Nghiên cứu được công bố trên trang livescience.com ngày 31/8 cho biết, vũ trụ có nhiều hành tinh và trong số đó có thể có sự sống mặc dù điều kiện không giống như Trái Đất.

Nghiên cứu mới về sự sống ngoài Trái Đất trên hành tinh Hycean - Ảnh 1
Hành tinh Hycean. (Ảnh đồ họa: Amanda Smith/Nikku Madhusudhan)

Theo các nhà khoa học, lớp ngoại hành tinh có tên là Hycean, lớn gấp 2,5 lần Trái Đất và là các hành tinh đại dương có bầu khí quyển giàu hydro ngoài Hệ Mặt Trời.

Nơi đây hứa hẹn là "điểm đến an toàn" cho những loại vi sinh vật tương tự như những loài có thể phát triển mạnh trong một số môi trường khắc nghiệt nhất ở Trái Đất.

Theo đó, lớp ngoại hành tinh Hycean là những thế giới nóng, nhưng được bao phủ bởi đại dương nước lỏng khổng lồ bên dưới bầu khí quyển giàu hydro. Chúng dễ quan sát hơn những hành tinh giống Trái Đất vì nhiệt độ bề mặt của Hycean giúp các nhà khoa học dễ dàng phát hiện bằng kính viễn vọng. Bên cạnh đó, một số điều kiện trong siêu đại dương của Hycean rất giống các điều kiện giúp sự sống có thể tồn tại trong đại dương của Trái Đất.

Thực tế, việc phát hiện dấu hiệu sự sống ngoài Hệ Mặt Trời có thể diễn ra trong vòng hai hoặc ba năm tới.

Chủ nhiệm công trình nghiên cứu, chuyên gia Nikku Madhusudhan, thuộc Viện Thiên văn học tại Đại học Cambridge nhận định, các hành tinh Hycean sẽ mở ra hướng đi mới cho các nhà khoa học trong việc tìm kiếm sự sống ở ngoài vũ trụ.

"Về cơ bản, khi tìm kiếm các dấu hiệu phân tử khác nhau, các nhà khoa học đã tập trung vào các hành tinh tương tự như Trái Đất. Đó là một sự lựa chọn hợp lý để bắt đầu. Tuy nhiên, những hành tinh Hycean mở ra một con đường hoàn toàn mới, mang lại cơ hội tốt hơn trong việc tìm kiếm sự sống ở nơi khác", ông Nikku Madhusudhan nhấn mạnh.

Đáng chú ý, các hành tinh Hycean rất đa dạng. Một số có quỹ đạo gần với các ngôi sao, một số lại có quỹ đạo xa và nhận được rất ít bức xạ của ngôi sao. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, sự sống vẫn có thể tồn tại ngay tại những vùng đại dương khắc nghiệt như vậy. 

Ngoài ra, các hành tinh Hycean dường như là nơi thích hợp để giới khoa học tìm kiếm các loại khí có đặc trưng sinh học tiềm năng như oxy và metan.

Với nghiên cứu này, các chuyên gia của Viện Thiên văn học tại Đại học Cambridge hy vọng sẽ xác định được một số hành tinh Hycean, sau khi Kính viễn vọng không gian James Webb của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) được phóng lên không gian vào cuối năm nay.

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu mới về sự sống ngoài Trái Đất trên hành tinh Hycean. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cảnh báo sớm thiên tai
Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Đáng chú ý sẽ nâng cao độ tin cậy dự báo khí tượng thủy văn bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Việt Nam quyết tâm sản xuất hydrogen xanh
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin mới