Thứ bảy, 20/04/2024 09:01 (GMT+7)
Thứ sáu, 22/01/2021 09:37 (GMT+7)

Nghiên cứu kỹ phương án truy xuất nguồn gốc cây đào

Theo dõi KTMT trên

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Liên quan tới đề xuất của nhiều địa phương cho dán tem để truy xuất nguồn gốc với cây đào nhằm ngăn chặn việc khai thác trái phép cũng như để hỗ trợ người dân tiêu thụ đào trồng, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc này.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng và chỉ đạo về tăng cường công tác bảo vệ rừng dịp Tết Nguyên đán 2021.

Nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nghiên cứu kỹ phương án truy xuất nguồn gốc cây đào - Ảnh 1
Nghiêm cấm chặt phá, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng trái pháp luật cây và cành đào, mai từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. (Ảnh minh họa)

Đối với đào, mai không phải từ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, Phó Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tự do khai thác, vận chuyển, kinh doanh. Tuyệt đối không được gây khó khăn, không làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Tài chính và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La và các địa phương có nhu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng phương án truy xuất nguồn gốc cây đào, cây mai, đảm bảo các yêu cầu: Thiết thực, phù hợp với thực tế, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật hiện hành, không làm phát sinh thủ tục hành chính và chi phí, không gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Hiện nay vẫn chưa có quy định về trích xuất nguồn gốc, xuất xứ đào trồng nên mỗi địa phương thực hiện một cách khác nhau. Có địa phương yêu cầu truy xuất nguồn gốc cho cây đào, nhưng lại có địa phương khác lại yêu cầu làm đơn xác nhận gây khó khăn cho việc tiêu thụ đào của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Đất Việt, ông Hoàng Quốc Khánh - chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - cho biết địa phương này vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình trồng, khai thác và thực hiện truy xuất nguồn gốc cho khoảng 5.000 ha cây đào trồng trên địa bàn.

Theo đó, Sơn La đề nghị Thủ tướng cho phép thực hiện việc truy xuất nguồn gốc với cây đào (xuất xứ cây đào, xác định vùng trồng...) nhằm tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ sản phẩm đào trồng.

Ông Đặng Văn Châu - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu, cơ quan này cũng đang xây dựng phương án chi tiết để trình UBND tỉnh phê duyệt phương án chứng nhận đào trồng nhằm tạo điều kiện cho người dân tiêu thụ đào trồng trong mùa tết này, đồng thời ngăn chặn hoạt động chặt phá đào rừng, cây rừng tự nhiên.

Còn theo ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, Lào Cai sẽ không dán tem, tiến hành truy xuất nguồn gốc cây đào. Vì khái niệm “đào rừng” là cách gọi dân gian theo thói quen của người miền xuôi, bởi cây đào xuất thân từ miền rừng núi.

Ông Duy khẳng định, Lào Cai không có đào rừng chỉ có đào trồng ở vườn nhà, bản thân cây đào cũng không phân bố ở trong rừng.

Sẵn sàng kích hoạt hàng triệu tem phục vụ truy xuất nguồn gốc đào trồng

Với chức năng là đầu mối triển khai Quyết định 100 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sơn La triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đào trồng tạo thuận lợi cho người dân cung cấp đào ra thị trường.

Nghiên cứu kỹ phương án truy xuất nguồn gốc cây đào - Ảnh 2
Mẫu tem dán cho đào trồng ở huyện Vân Hồ, Sơn La. (Ảnh: UBND huyện Vân Hồ)

Theo ước tính với diện tích trồng đào của Sơn La hiện tại cần dùng khoảng 300-500 nghìn tem truy xuất nguồn gốc. Hiện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, đơn vị cung cấp giải pháp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng 1 triệu tem truy xuất để phục vụ nhu cầu truy xuất đào trồng của Sơn La cũng như các tỉnh khác có nhu cầu. Được biết, kinh phí thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ được tỉnh Sơn La hỗ trợ hoàn hoàn.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Nghiên cứu kỹ phương án truy xuất nguồn gốc cây đào. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới