Nghệ An: Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ tình trạng đốt rơm rạ sau vụ mùa
Những ngày gần đây, việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tình trạng này khiến bụi bủa vây trên diện rộng, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Trong những lúc cao điểm của mùa gặt tại tỉnh Nghệ An, phần lớn rơm, rạ sau thu hoạch được bà con xử lý bằng cách đốt. Khắp các ngả đường làng quê, cứ vào khoảng 17- 18 giờ chiều lại được bao trùm bằng khói bụi. Đặc biệt là thời điểm này, trùng với những ngày nắng nóng oi bức ở miền Trung đã khiến cho không khí càng ngột ngạt hơn.
Đơn cử như trường hợp phóng viên (PV) ghi nhận vào chiều ngày 20/5, tại nhiều thửa ruộng sau thu hoạch lúa tại xã Kim Liên huyện Nam Đàn (Nghệ An), người dân chất rơm phơi trên gốc rạ, khi rơm héo, rạ cũng ráo chân thì người dân châm lửa đốt. Những cột khói bốc lên vào buổi chiều tối, khiến các phương tiện lưu thông trên đường chính của xã bị che khuất tầm nhìn, gây mất an toàn giao thông. Chưa kể, khi có gió thổi khói bụi bay về khu vực đông dân cư khiến người dân và du khách hết sức bức xúc.
Trao đổi với PV, anh Phạm Văn Hùng, du khách đến từ TP. Đà Nẵng cho biết: “Gia đình chúng tôi đến Nghệ An du lịch, điểm dừng chân cuối cùng là quê Bác, tiết trời miền Trung nắng nóng oi bức, đến 5 - 6 giờ chiều vẫn thấy nóng nực. Gia đình định dừng lại tại xã Kim Liên nghỉ ngơi ăn uống thì gặp phải tình trạng đốt rơm rạ, khói bụi mù mịt. Tại khu vực Khu di tích đặc biệt của Quốc gia thì chính quyền xã phải có các giải pháp, tuyên truyền cho người dân hạn chế đốt rơm rạ, chứ tình trạng khói bụi ô nhiễm môi trường như thế này làm sao chấp nhận được”.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng: “Trung bình một hecta lúa cho 10 - 12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người. Việc đốt một lượng lớn rơm rạ sẽ làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện”.
Các nhà khoa học chỉ ra rằng đốt rơm rạ còn là việc tự gây ô nhiễm bụi không khí và những hạt khói bụi nhỏ, bụi nano, từ đốt rơm rạ này có khả năng chui sâu vào ảnh hưởng đến cả nhân tế bào.
Khói rơm rạ có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, khiến người hít khói rơm rạ dễ bị ho, hắt hơi, buồn nôn, ngạt thở... Khói do đốt rơm rạ thường cháy không thành ngọn lửa nên sinh ra rất nhiều khí CO (gọi là khí monoxide carbon). Đây là loại khí rất độc có thể gây chết người. Người hít nhiều và kéo dài có thể biến đổi cấu trúc của bộ máy hô hấp, dễ mắc nhiễm trùng phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi...
Ngoài ảnh hưởng về an toàn giao thông thì theo phân tích của ngành chức năng, việc nông dân đốt đồng không mang lại lợi ích như bà con nghĩ mà mang lại nhiều tác hại. Bởi thực tế cho thấy, khi đốt đồng các chất hữu cơ trong rơm rạ và trong đất sẽ trở thành các chất vô cơ nên mất đi lượng dinh dưỡng cần thiết. Khi đốt đồng, nông dân vô tình làm lãng phí nguồn dinh dưỡng trong đất, nếu đốt đồng lâu ngày sẽ khiến đất bị biến chất, bạc màu và trở nên chai cứng...không giúp ích mấy cho cây trồng.
Nếu như biết cách sử dụng thì rơm rạ sẽ mang đến nhiều lợi ích, thay vì đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường thì có thể làm theo một số cách như: Làm phân bón hữu cơ và tạo độ phì nhiêu cho đất; tận dụng làm vật liệu vận chuyển (sử dụng để lót dưới những món đồ dễ vỡ hoặc lót trong các thùng hoa quả khi vận chuyển đi xa); làm thức ăn cho vật nuôi; trồng nấm rơm...
Theo Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi đốt rơm rạ, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân sẽ bị xử phạt. Cụ thể, phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Tình trạng đốt rơm rạ tự phát mỗi khi vào mùa vụ sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm không khí và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Để ngăn chặn và kiểm soát tình trạng này, chính quyền Nghệ An cần có những giải pháp thay thế hiệu quả, bền vững.
Tuấn Tú