Nghệ An: Đề nghị xây dựng Nghị quyết hỗ trợ kinh phí cho lực lượng bảo vệ rừng
Sáng 30/1, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất thông qua, đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kinh phí cho lực lượng quản lý và bảo vệ rừng.
Phiên họp thường kỳ tháng 1/2023 của UBND tỉnh Nghệ An, do đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Theo đó, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đề nghị, đối tượng áp dụng là các ban quản lý rừng đặc dụng, ban quản lý rừng phòng hộ nơi không thành lập tổ chức kiểm lâm; doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức không thuộc lực lượng vũ trang được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng và đất rừng có tổ chức lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lao động hợp đồng của các chủ rừng; Các sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Cụ thể, điều kiện hỗ trợ là các chủ rừng sử dụng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là lao động hợp đồng để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên đang trong thời gian đóng cửa rừng nhưng chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý, bảo vệ rừng hoặc đã được bố trí nhưng đơn giá thấp hơn 300.000 đồng/ha/năm.
Định mức hỗ trợ: Đối với diện tích chưa được bố trí nguồn kinh phí quản lý, bảo vệ rừng thì hỗ trợ mức 300.000 đồng/ha/năm. Đối với diện tích đã được bố trí kinh phí bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các chương trình, dự án, nguồn vốn hợp pháp khác nhưng tổng đơn giá đã hỗ trợ nhỏ hơn 300.000 đồng/ha/năm thì hỗ trợ bổ sung để đạt mức 300.000 đồng/ha/năm.
Kinh phí thực hiện do ngân sách tỉnh đảm bảo. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khái toán kinh phí thực hiện chính sách: Diện tích rừng dự kiến thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết trên địa bàn tỉnh mỗi năm khoảng 136.166,88 ha với tổng nhu cầu hỗ trợ mỗi năm vào khoảng hơn 40,850 tỷ đồng/năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho rằng, việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là hết sức cần thiết.
Qua đó, góp phần thực hiện tốt mục tiêu bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có trên địa bàn tỉnh; đảm bảo cho hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, khắc phục tình trạng lao động xin thôi việc, bỏ việc đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng đang xảy ra hiện nay.
Theo tổng hợp từ các chủ rừng, tổng số người lao động, làm việc có đến ngày 30/5/2022 là 955 người. Bao gồm, thuộc biên chế viên chức là 172 người, chỉ chiếm 17%; hợp đồng dài hạn theo diện tự trang trải là 658 người, chiếm đa số 66%; Hợp đồng thời vụ ngắn hạn là 159 người, chiếm 16%; Hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP là 6 người, chiếm 1%.
Thời gian qua, tình trạng bỏ việc, chuyển việc trong lực lượng bảo vệ rừng ở Nghệ An đang có chiều hướng gia tăng, thống kê trong giai đoạn 2016 - đến 4 tháng đầu năm 2022 đã có 130 lao động xin thôi việc, nghỉ việc, trong đó, 4 tháng đầu năm 2022 đã có 9 người xin thôi việc, nghỉ việc. Tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép diễn ra phức tạp trong các lâm phần của chủ rừng do thiếu lực lượng tuần tra, bảo vệ rừng, cũng như nguồn lực để thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng.
Sau khi nghe ý kiến các thành viên dự họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, việc ban hành chính sách là cấp thiết và UBND tỉnh thống nhất thông qua đề xuất xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh rà soát hoàn thiện hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị quyết, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh.
Nguyễn Công