Thứ sáu, 26/04/2024 22:56 (GMT+7)
Thứ hai, 31/10/2022 14:50 (GMT+7)

Nghệ An: Chú trọng phát triển kinh tế bền vững từ trồng rừng gỗ lớn

Theo dõi KTMT trên

Trồng rừng gỗ lớn không chỉ tạo giá trị cao trong sản xuất mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ môi trường tài nguyên trước tác động của biến đổi khí hậu.

Từ năm 2018, Hợp tác xã Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An) được Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam hỗ trợ phát triển 2 mô hình trồng rừng gỗ lớn quy mô 10 ha/mô hình. Đến nay trên diện tích rừng do hợp tác xã quản lý đã có 150 ha rừng gỗ lớn, phát triển từ vườn rừng của 17 hộ thành viên. Tháng 12/2021, xã Thanh Thủy cũng đã có gần 1.600 ha rừng đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững. Gỗ có chứng chỉ được nhà máy thu mua cả vỏ với giá cao hơn từ 10 - 20%.

Nghệ An: Chú trọng phát triển kinh tế bền vững từ trồng rừng gỗ lớn - Ảnh 1
Nhiều gia đình miền núi khấm khá nhờ phát triển kinh tế từ trồng rừng gỗ lớn.

Một trong những người đầu tiên tham gia vào dự án trồng rừng gỗ lớn là ông Nguyễn Văn Vê ở xã Thanh Thủy. Ông Vê bắt đầu trồng rừng từ năm 2009. Đến nay, ông đã trồng được 22 ha rừng keo trong tổng số gần 100 ha đất rừng của gia đình, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Theo ông Vê, trồng rừng gỗ lớn giúp bảo vệ rừng đầu nguồn, có thể trồng xen các loài cây ngắn hạn, đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông Vê chia sẻ: “Đồi keo của gia đình đã bước sang năm thứ 8. Một số diện tích đã bước sang năm thứ 13 là đồi keo được trồng theo chương trình trồng rừng gỗ lớn. Từ năm thứ 5 trở đi, keo phát triển rất nhanh, tán rộng che ánh sáng, cỏ đỡ mọc. Nếu bán gỗ trồng 5 năm tôi chỉ thu được khoảng 1,1 tỷ đồng/ha, nhưng để đến 12 năm số tiền thu được sẽ gấp ba, lại đỡ công trồng và chăm sóc”.

Nghệ An: Chú trọng phát triển kinh tế bền vững từ trồng rừng gỗ lớn - Ảnh 2
Ngừơi dân chăm sóc rừng gỗ lớn ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An).

Ông Nguyễn Sỹ Bình, Giám đốc hợp tác xã Lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Thanh Thủy cho biết, trồng rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với rừng gỗ nhỏ. Cùng với đó, chi phí đầu tư trồng rừng gỗ lớn cũng thấp hơn bởi chỉ tốn chi phí bảo vệ rừng ở giai đoạn về sau thay vì phải tái đầu tư giống, công trồng, chăm sóc. Trồng rừng gỗ lớn còn góp phần bảo đảm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ; tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng; chống biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất; thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái.

“Nếu rừng trồng 5 năm cho thu nhập 50-60 triệu đồng/ha, thì những rừng keo trồng trên 10 năm giá trị có thể lên tới 180-200 triệu đồng/ha. Thời gian dài gấp đôi, nhưng người dân không phải bỏ thêm chi phí cây giống, đầu tư ban đầu thêm một lần nữa, cây keo từ năm thứ 6 trở đi hầu như không còn phải chăm sóc. Đến nay, hầu hết các hộ có diện tích rừng lớn, điều kiện kinh tế ổn định đều đã đăng ký trồng rừng gỗ lớn, với diện tích khoảng 500 ha. Hợp tác xã đang cố gắng tìm kiếm, cân đối nguồn để hỗ trợ từ 500.000 – 600.000 đồng/ha rừng trồng từ năm thứ 6 trở đi, hỗ trợ cây giống cho những hộ đăng ký trồng rừng gỗ lớn”, ông Bình chia sẻ thêm.

Hiện nay, tỉnh Nghệ An đã có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ… tham gia trồng rừng gỗ lớn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo thu nhập ổn định cho người dân và góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.

Nguyễn Công

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Chú trọng phát triển kinh tế bền vững từ trồng rừng gỗ lớn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới