Ngày đêm trên đại công trường thủy lợi lớn nhất nước
Công nhân làm việc cả ngày lẫn đêm để dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé kịp vận hành trong năm 2021. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ giúp 3 tỉnh miền Tây ngăn hạn mặn.
Giai đoạn 1 dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé chính thức được khởi công tháng 10/2019 với tổng kinh phí hơn 3.300 tỉ đồng. Các công trình chính của dự án gồm: Cống Cái Lớn, cống Cái Bé và cống Xẻo Rô. Trong đó, cống Cái Lớn là công trình có quy mô lớn và trọng điểm nhất của dự án.
Từ tháng 3/2021 đến nay, chủ đầu tư là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Công trình Thủy lợi 10 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã lắp xong 4/11 van của cống Cái Lớn và sẽ đẩy nhanh tiến độ thời gian tới. Chiếc van lớn nhất đã được lắp nặng 203 tấn, rộng 40 m, cao 9 m.
Công nhân kiểm tra bảo dưỡng cáp cẩu. Đây là hệ thống cáp có khả năng chịu lực tải 600 tấn, dùng để hỗ trợ nâng và lắp đặt tổ hợp van cống Cái Lớn.
Cầu giao thông của cống Cái Lớn đã hoàn thành các mố trụ, lắp đặt 17/18 nhịp và đã đổ bê tông mặt cầu 14/18 nhịp. Dự kiến, tiểu hạng mục này hoàn thành trong tháng 5.
Để đảm bảo tiến độ, công nhân thay ca, làm việc cả ngày lẫn đêm trên công trường cống Cái Lớn. Theo kế hoạch, công trình này đủ điều kiện vận hành cuối tháng 6.
Cống Cái Bé được triển khai tại huyện Châu Thành (Kiên Giang). Các hạng mục chính của công trình đã hoàn thành và vận hành kiểm soát mặn từ tháng 2 năm nay. Cống dự kiến hoàn thành toàn bộ vào tháng 6.
Bề mặt đường băng qua cống Cái Bé đang được trải nhựa. Việc này sẽ hoàn thành vài ngày tới. Đây là một trong nhiều tuyến đường đê nối cống Cái Bé, Cái Lớn với quốc lộ 63 (Kiên Giang).
Cống Xẻo Rô được triển khai tại địa bàn giáp ranh hai xã Tây Yên A và Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. Đây là một trong 3 công trình chính của dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.
Công trình được khởi công tháng 9/2020, hiện đạt khoảng 60% khối lượng. Phần cống âu thuyền, cầu, kè,… đang được khẩn trương thi công.
Công nhân khẩn trương thi công cống Xẻo Rô để kịp đưa vào hoạt động trong tháng 10. Công trình này giúp kiểm soát mặn, điều tiết nguồn nước sản xuất cho người dân địa bàn các xã Tây Yên A, Hưng Yên... của huyện An Biên.
Đại dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé khi hoàn thành có chức năng kiểm soát mặn, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp cho hơn 384.120 ha các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu. Dự án được kỳ vọng giúp các tỉnh miền Tây chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng tính kết nối giao thông với các khu vực khác trong tương lai.
Phạm Ngôn