Thứ sáu, 22/11/2024 21:31 (GMT+7)
Thứ năm, 08/04/2021 09:17 (GMT+7)

Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác dự báo hạn mặn tại ĐBSCL

Theo dõi KTMT trên

Chiều ngày 7/4, tại Bến Tre, Công ty Cổ phần đầu tư ngành nước DNP (DNP Water) phối hợp cùng trường đại học Thủy Lợi tổ chức buổi hội thảo về xâm nhập mặn và ứng dụng phần mềm dự báo xâm nhập mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Trong những năm gần đây, tình hình hạn mặn khó dự đoán gây ra bởi biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và tình hình sản xuất của người dân và nhiều doanh nghiệp tại ĐBSCL. Chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2019 - 2020 đã có tới 10/13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, hơn 80 nghìn héc-ta cây ăn quả bị ảnh hưởng; gần 60 nghìn héc-ta lúa bị thiệt hại. Thiếu nước ngọt sinh hoạt, sản xuất đã trở thành mối đe dọa thường xuyên đến phát triển kinh tế - xã hội của nhiều tỉnh thành, không còn là chu kỳ vài năm mới xảy ra một đợt.

Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác dự báo hạn mặn tại ĐBSCL - Ảnh 1
Hạn mặn lịch sử năm 2020 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân ĐBSCL (nguồn ảnh: VnExpress)

Nhận thức rõ tình hình thực tế về biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL sẽ còn nghiêm trọng và kéo dài trong nhiều năm tới với tần xuất thường xuyên hơn, mức độ nghiêm trọng và khốc liệt hơn, DNP Water đã chủ động áp dụng khoa học công nghệ, tự động hóa, kết hợp cùng trường Đại học Thủy lợi phát triển phần mềm dự báo mức độ xâm nhập mặn trên sông Mê Kông.

Theo đó, chỉ với những thao tác đơn giản, click vào đường link http://waterdata.vn/mekong/mrss hoặc tải app MRSS (Mekong MRSS) trên Google Play nền tảng Androi, chạm vào một địa điểm bất kỳ tại khu vực ĐBSCL, ngay lập tức các thông số chi tiết về độ mặn, mực nước theo thời gian sẽ được hiển thị chi tiết. Phần mềm không chỉ thuận tiện cho các nhà quản lý, vận hành, các cơ quan dự báo khí tượng mà bất kỳ người dân nào có nhu cầu đều có thể sử dụng để cập nhật nhanh chóng về tình hình hạn mặn.

Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác dự báo hạn mặn tại ĐBSCL - Ảnh 2
Phần mềm xâm nhập mặn có thể phản ánh tổng thể về thực trạng ngập mặn của cả khu vực ĐBSCL.

PGS.TS Nghiêm Tiến Lam (Trưởng Bộ môn Quản lý Tổng hợp vùng ven biển, ĐH Thủy Lợi), người trực tiếp triển khai, phát triển ứng dụng dự báo hạn mặn cho biết, các mô phỏng trong phần mềm được tính toán, đánh giá thông qua mô hình Mike 11 HD + AD. Đây là một trong các module của phần mềm biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, giúp mô phỏng sự biến đổi lưu lượng, chất lượng nước và vận chuyển bùn cát ở cửa sông, hệ thống tưới, kênh dẫn và các hệ thống dẫn nước khác tại ĐBSCL. Để đảm bảo tính chính xác, phần mềm đã thu thập chuỗi thông tin, số liệu về mực nước, độ mặn thực đo từ năm 2016 đến năm 2020 tại gần 20 trạm khí tượng và kết hợp cùng các số liệu đo thực tế tại một số nhà máy nước Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) và nhà máy nước Nhị Thành (Long An) để làm cơ sở tham khảo và phân tích dữ liệu. Sau quá trình tính toán, phân tích tự động qua các bước: tải số liệu mực nước và độ mặn từ internet, xử lý số liệu, chạy mô hình Mike 11 HD+AD, các kết quả sẽ nhanh chóng được trích xuất trên định dạng của WebGis.

Phần mềm đã khắc phục được nhiều hạn chế của các bản tin dự báo trước đây về độ phân giải theo không gian và thời gian. Thay vì chỉ cho kết quả tại một số vị trí trọng yếu và chỉ cho giá trị lớn nhất theo tuần, với phần mềm này có thể dự báo chi tiết về mức nước, độ mặn lên tới từng giờ tại bất cứ khu vực nào tại ĐBSCL trong khoảng thời gian lên tới 30 ngày.

Với nhiều ưu điểm mới về không gian, thời gian, các dữ liệu luôn được cập nhật nhanh chóng, phần mềm dự báo hạn mặn được kỳ vọng sẽ là công cụ đắc lực, không chỉ đưa ra dự báo về một khu vực mà còn là cái nhìn toàn thể về vùng ĐBSCL, từ đó hỗ trợ các sở, ban, ngành địa phương sớm có phương án đối phó, hỗ trợ người trong dân sinh hoạt, sản xuất. Đặc biệt, phần mềm được tối ưu hóa đơn giản cho người dùng thông qua các hình ảnh và biến động trực quan nhằm phổ biến đến mọi đối tượng sử dụng, không chỉ bó hẹp trong các đơn vị nghiên cứu hoặc các cơ quan quản lý mà hướng tới để mỗi người dân, mỗi gia đình đều có thể theo dõi và chủ động trước các diễn biến của hạn mặn tại địa phương.

Hiện mô hình đang được đưa vào ứng dụng trong việc đo đạc độ mặn, theo dõi sát diễn biến của hạn mặn, phục vụ cho công việc sản xuất tại các nhà máy nước sạch của DNP Water. Sau những kết quả ban đầu, đại học Thủy Lợi sẽ tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các số liệu, hiệu chỉnh tính năng ngày càng hoàn thiện, hướng tới mục tiêu có thể cung cấp miễn phí đến người dân và các nhà quản lý khu vực ĐBSCL để kịp thời ứng phó với vấn đề hạn mặn trong thời gian tới đây.

Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác dự báo hạn mặn tại ĐBSCL - Ảnh 3

GS.TS Nguyễn Trung Việt – Phó hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi phát biểu tại hội thảo.

Tại buổi hội thảo, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch hội Cấp thoát nước Việt Nam đã đánh giá cao về tính ứng dụng thực tế, có giá trị thiết thực của phần mềm dự báo hạn mặn. Đây chính là xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0, không chỉ góp phần giúp các sở ban, ngành địa phương và người dân chủ động trong việc ứng phó với thiên tai mà còn là nguồn dữ liệu hỗ trợ rất lớn trong công tác nghiên cứu, dự báo và chống biến đổi khí hậu.

Cũng theo, ông Vũ Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc DNP Water, sau một thời gian đưa vào áp dụng thực tế, các kết quả đã dự báo tốt về mặt xu thế, đường thực đo và tính toán, đã hỗ trợ rất nhiều cho các nhà máy nước Đồng Tâm, nhà máy nước Nhị Thành trong việc chủ động lên kế hoạch sản xuất trong mùa hạn mặn.

Việc xây dựng phần mềm dự báo hạn mặn là một trong những bước tiến có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực lâu dài của DNP Water nhằm nghiên cứu các giải pháp lâu dài và bền vững giúp ĐBSCL không còn “khát nước”. Song song với việc đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, công ty cũng đã đề xuất dự án “Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải” nhằm mục tiêu cung cấp nguồn nước thô ổn định, đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm mặn cho 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn”. Hiện dự án cũng đã nhận được sự thống nhất và ủng hộ tối đa của UBND, các sở ngành và địa phương 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, các nội dung đề xuất của dự án nêu trên đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho phép điều chỉnh cục bộ trong Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thông qua quyết định phê duyệt số 287/QĐ-TTg ngày 2/3/2021 vừa qua.

PV

Bạn đang đọc bài viết Lần đầu tiên ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác dự báo hạn mặn tại ĐBSCL. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới