Ngành nông nghiệp vào cuộc đua tiến tới Net Zero: Chuyển đổi xanh, tuần hoàn và bền vững
Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi tư duy phát triển xanh, tuần hoàn và bền vững nhằm mục tiêu tiến tới Net Zero vào năm 2050.
Nông nghiệp - nguồn tạo ra phát thải nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam
Tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 (2021), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Tại COP28 (2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã một lần nữa cam kết với toàn thế giới: Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Giống như ở hầu hết các nước trên thế giới, trong cơ cấu phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2016, năng lượng là lĩnh vực có tỷ trọng phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 65% tổng lượng phát thải; sau đó là các lĩnh vực, các quá trình công nghiệp (14,6%), nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (13,9%) và chất thải (6%). Mục tiêu Net Zero đã được cụ thể hóa, phân bổ theo các ngành, lĩnh vực, đồng thời các định hướng chính sách cũng đã được xác định để triển khai thực hiện.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, định hướng chính là thực hiện nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp; tiếp tục bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methane đến năm 2030; Kế hoạch quốc gia triển khai tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất đến năm 2030. Đặc biệt, Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 là một hình mẫu trên thế giới về phát triển nông nghiệp carbon thấp. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng cũng đã được phê duyệt với mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 42%; diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt hơn một triệu ha.
TS. Trần Đại Nghĩa, Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết, ở Việt Nam, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động mạnh mẽ từ biến đổi khí hậu, mà còn là nguồn tạo ra phát thải nhà kính rất lớn. Phát thải nông nghiệp bao gồm khí CO2, metan, nitơ oxit, và xuất hiện ở nhiều giao đoạn và lĩnh vực, như trồng lúa, chăn nuôi, sử dụng phân bón,...
Trong “Báo cáo quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam”, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, nông nghiệp là ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải năm 2020.
Trong đó, sản xuất lúa gạo chiếm khoảng 48% lượng phát thải đó, tiếp theo là chăn nuôi (15,3%), sử dụng phân bón tổng hợp (12,9%) và xử lý phân chuồng (9,5%).
Một điểm đáng lưu ý là hơn 70% lượng phát thải khí nhà kính của ngành nông nghiệp là khí metan và nitơ oxit, không phải khí carbon dioxit (CO2). Hai loại khí này đều có thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn hơn nhiều so với CO2, nhưng lại có khả năng gây hại cho môi trường hơn gấp nhiều lần. Do đó, giảm phát thải các khí này sẽ có tác động giảm sự nóng lên toàn cầu nhanh chóng và mạnh mẽ hơn trong ngắn hạn.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam thải ra môi trường khoảng 80 triệu tấn, chiếm trên 30% tổng lượng khí CO2 toàn quốc. Trong đó, sản xuất lúa nước chiếm khoảng 50% tổng lượng phát thải trong nông nghiệp; chăn nuôi chiếm khoảng 19%; sử dụng phân bón và quản lý đất chiếm 13%; đốt tàn dư thực vật gây phát thải chiếm khoảng 1,6%. Trong đó gần 70% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp đến từ các hoạt động trồng trọt, 46% là từ hoạt động canh tác lúa nước.
Tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023, ông Nguyễn Duy Thuận, CEO Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, năm 2030, Việt Nam dự báo tạo ra 120 triệu tấn khí thải carbon, trong đó trồng lúa chiếm một nửa lượng khí thải.
Do đó, ngành nông nghiệp không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26.
Chuyển đổi xanh ngành nông nghiệp tiến tới Net Zero
Ngày 28/4/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 1693/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm kế hoạch giảm phát thải khí metan) đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đến năm 2030, đảm bảo tổng lượng giảm phát thải khí nhà kính là 121,9 triệu tấn CO2tđ (không bao gốm lượng giảm phát thải khí nhà kính từ sử dụng năng lượng trong sản xuất).
Đối với lĩnh vực trồng trọt: mở rộng việc áp dụng công nghệ tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng (3G3T), 1 phải 5 giảm (1P5G) và rút nước giữa vụ trong canh tác lúa nước phù hợp từng vùng sinh thái nông nghiệp; thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang lúa thủy sản (lúa – cá, lúa – tôm) và sang cây trồng cạn nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp điều kiện cụ thể của từng địa phương…
Trong lĩnh vực chăn nuôi sẽ tiến hành cải thiện khẩu phần thứ ăn cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt; cải thiện chất lượng khẩu phần ăn cho trâu và dê; tái sử dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ… Cùng với đó, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên hiện có ở vùng đồi núi; phục hồi (trồng mới) rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Nâng cao năng suất và trữ ượng carbon của rừng trồng gỗ lớn. Nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng carbon và bảo tồn đất.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu thực hiện “Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050”, với mục tiêu “Xây dựng nền nong nghiệp sản xuất hàng hóa, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính …”.
Ông Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển đổi từ "tư duy sản xuất" sang "tư duy kinh tế", hướng tới những "giá trị xanh" được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh và kinh tế xanh.
Nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Mục tiêu mà đề án đưa ra là hình thành vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Những chính sách mới và đột phá của Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 không chỉ tạo sinh kế cho người dân mà còn định hướng phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chính vì thế, nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã vào cuộc quyết liệt để góp phần thực hiện thành công Đề án như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng,...
Ngày 5/6/2024 tới đây, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Thủ đô Hà Nội, Tạp chí Kinh môi trường phối hợp cùng Tạp chí Việt – Đức; Công ty cổ phần Nature World; Công ty CP Công nghệ và truyền thông Push Media; Công ty CP Life Media Global sẽ tổ chức Hội thảo "Phát triển kinh tế xanh và bền vững - Giảm phát thải nhà kính hướng đến mục tiêu Net Zero" tại Khách sạn JM Marriot (số 8 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hội thảo sẽ có sự góp mặt của các Bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước; Đại diện các tổ chức quốc tế; Đại diện một số Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trong nước (Hiệp hội BĐS, Hiệp hội Công Nghiệp và các Hội ngành nghề liên quan, Ban quản lý các KCN, Các doanh nghiệp sản xuất Công nghiệp, Doanh nghiệp công nghiệp FDI, các Công ty Năng lượng)...
Hà My