Ngành nông nghiệp Lào bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai
Năm 2019, kinh tế Lào gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ngành nông nghiệp do xảy ra tình trạng lũ lụt trên diện rộng, kéo dài tại miền trung và miền nam Lào. Đến cuối năm, hạn hán lại xảy ra tại các tỉnh miền bắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Lào.
Hạn hán kéo dài tạo ra các cồn cát, các dải cát dọc ven sông Mê Kông |
Năm 2019, sản lượng nông nghiệp của Lào sẽ khó đạt mục tiêu đề ra do tình trạng hạn hán xảy ra trên diện rộng làm ảnh hưởng đến trồng trọt và chăn nuôi của người dân Lào. Nhiều con sông của Lào mực nước xuống thấp, không đủ lượng nước tưới tiêu trong mùa khô. Các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hạn hán lần này là các tỉnh Xayaburi, tỉnh Luang Prabang, tỉnh Vientiane và tỉnh Oudomxay, đây là các vựa lúa gạo, lương thực của Lào.
Theo kế hoạch năm 2019 của Chính phủ Lào, sẽ tăng sản lượng nông nghiệp thêm 2,8%, tương đương với 15,3% GDP bao gồm: gạo đạt 4,4 triệu tấn, cà-phê 160.000 tấn, ngô 1 triệu tấn… Tuy nhiên, mục tiêu trên đang phải đối mặt với nhiều thách thức do nhiều địa phương đang chịu ảnh hưởng của thiên tai từ lũ lụt tại các tỉnh miền trung, nam, dịch bệnh gia súc, sâu phá hoại mùa màng đến nạn hạn hán trên diện rộng tại các tỉnh phía bắc Lào làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng nông nghiệp năm 2019.
Số liệu của Sở Nông nghiệp và Lâm nghiệp, tỉnh Luang Prabang cho thấy, tỉnh này bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán gây thiệt hại 7.241/26.322 héc-ta lúa; 2.242/8.577 héc-ta ngô… và nhiều loại cây hoa màu khác. Tỉnh Vientiane, địa phương cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán, người dân trong tỉnh đã sẵn sàng cho vụ mùa khô. Tuy nhiên, theo ước tính, vụ khô mùa khô năm nay, tỉnh Vientiane sẽ giảm 2.000 héc-ta diện tích canh tác do thời tiết khô hạn và hệ thống thủy lợi xuống cấp trầm trọng, hiện chỉ còn 8.000 héc-ta trên toàn tỉnh trong vụ mùa khô năm nay.
Đảng, Nhà nước Lào đã chỉ đạo Bộ Nông Lâm phối hợp các địa phương nói trên để có các giải pháp kịp thời giải quyết vấn đề nước tưới cho vụ mùa khô năm nay. Bộ Nông Lâm đã nghiên cứu cây công nghiệp ngắn ngày để trồng thay thế theo nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, Chính phủ Lào sẽ có quy định cụ thể đối với việc trồng cây lương thực phù hợp cho từng địa phương cùng với kỹ thuật và công nghệ đi kèm từng loại cây đó.
Vụ mùa khô năm nay, Chính phủ Lào vẫn đặt mục tiêu phấn đấu trên cả nước là 100.000 héc-ta, quy định lấy khu vực miền trung và miền nam là trung tâm để sản xuất gạo thay cho khu vực phía bắc do bị hạn hán, đồng thời nghiêm cấm các địa phương xuất khẩu gạo. Các địa phương phía bắc bị hạn hán và không đủ điều kiện trồng lúa nương chuyển sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày theo nhu cầu của thị trường.